Vai trò của đội ngũ trí thức trong phổ biến kiến thức KH&CN “thời kỳ đổi mới, sáng tạo”

BVR&MT – Ngày 24/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết: Truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ là nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi và cũng là thế mạnh của Liên hiệp Hội và các hội thành viên. Cùng với hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, truyền thông và phổ biến kiến thức đã góp phần tạo ra bản sắc riêng có của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thuộc hệ thống Liên hiệp Hội.

PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội.

Liên hiệp Hội có hệ thống từ Trung ương đến địa phương với 156 hội thành viên, trong đó có 93 hội, ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và gần 500 tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập trực thuộc. Liên hiệp Hội có Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức, Báo Tri thức và Cuộc sống và gần 70 cơ quan Tạp chí trong hệ thống.

Mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên công tác phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên nhìn chung vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn như: Các chương trình, hoạt động phổ biến kiến thức chưa có sự liên kết giữa các hội thành viên, chưa có chiến lược, kế hoạch tổng thể, mục tiêu dài hạn cũng như mục tiêu cụ thể của toàn hệ thống.

TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề nghị Liên hiệp Hội thường xuyên tổ chức các hội nghị hoặc tập huấn trực tuyến để nâng cao năng lực làm công tác phổ biến kiến thức cho đội ngũ cán bộ của các hội thành viên; tổ chức nghiên cứu nhằm đổi mới nội dung và phương thức phổ biến kiến thức.

Theo các chuyên gia, đội ngũ trí thức không chỉ là người truyền đạt tri thức mà còn là cầu nối giúp nhân dân tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống. Do đó, việc hỗ trợ và khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia sâu rộng vào hoạt động phổ biến kiến thức là một trong những nhiệm vụ chiến lược để đưa khoa học công nghệ đến gần hơn với người dân.

Một trong những giải pháp quan trọng được đề xuất tại Hội thảo là việc tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực truyền thông khoa học công nghệ cho đội ngũ trí thức. Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, việc phổ biến kiến thức khoa học công nghệ không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm hay hội nghị khoa học mà cần phải đa dạng hóa hình thức truyền thông, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số. Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội hay các kênh truyền thông hiện đại sẽ giúp nội dung phổ biến trở nên hấp dẫn, dễ hiểu và tiếp cận được đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo cơ chế, chính sách khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia phổ biến kiến thức khoa học công nghệ. Những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước cũng như sự tham gia của các tổ chức xã hội là yếu tố then chốt giúp đội ngũ trí thức yên tâm cống hiến và phát huy khả năng sáng tạo. Các cơ quan, tổ chức khoa học và các cơ quan truyền thông cần có sự liên kết để nâng cao chất lượng, tính chính xác và tính cập nhật của nội dung phổ biến. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ví dụ về mô hình thành công trong việc phổ biến kiến thức khoa học công nghệ đến người dân, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, miền núi…

Để công tác phổ biến kiến thức khoa học công nghệ thực sự phát huy hiệu quả, theo các đại biểu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và đội ngũ trí thức. Chỉ khi có được sự quan tâm đúng mức, cùng những chính sách hỗ trợ kịp thời, đội ngũ trí thức mới có thể hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong việc đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội hiện đại, phát triển trên nền tảng tri thức.  

Vũ Trà