BVR&MT – Theo phương án tuyển sinh đại học năm 2022, nhiều trường đại học top đầu sẽ giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời tuyển sinh theo nhiều phương thức khác nhau. Điều này có tạo ra sự thiệt thòi và gây khó với thí sinh vùng DTTS, vùng miền núi?
Tỷ lệ cạnh tranh cao, khó tiếp cận
Tính đến nay có khoảng 20 trường đại học trên cả nước công bố phương án dự kiến tuyển sinh năm 2022. Trong đó, các trường sử dụng các phương án tuyển sinh như tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, dành chỉ tiêu để ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (TOFEL, IELTS…) hay dùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển kết hợp với các thành tố khác như điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT… Nhiều trường đại học top đầu dự kiến giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, chỉ còn từ 10 – 20%.
Điều này lại là một trở ngại lớn, khiến con đường vào đại học của học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS khó khăn hơn, bởi những tính chất đặc thù về điều kiện dạy và học. Cô Lê Thị Hoài Lan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) nội trú Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, phần lớn học sinh khối 12 của nhà trường có nguyện vọng vào đại học dự định chọn phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm hồ sơ xét tuyển.
Theo cô Lan, 95% học sinh trong trường là con em DTTS, với các thành phần dân tộc là Nùng, Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chay (Sán Chí và Cao Lan), Hoa. Do đó, việc tham gia các kỳ thi tuyển sinh đại học riêng của một số trường là điều khó khăn và bất lợi hơn học sinh tại những địa bàn khác. Các em học sinh cũng chỉ được xem qua một số đề ở trên mạng và tự tìm hiểu về những yêu cầu này mà chưa có được tổ chức ôn luyện, thi thử, làm quen tại trường.
Nêu thực tế tại trường học của mình, cô Lan cho hay, hằng năm mỗi khóa học chỉ có dưới 10 học sinh thi tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học như Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội… Còn lại các em lựa chọn học các trường đại học ở tốp giữa, hoặc chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THPT.
“Với việc xét chứng chỉ Tiếng Anh, nhiều học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn nên để học và thi IELTS là rất khó. Do vậy, nếu các trường đại học dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển kèm điều kiện có chứng chỉ IELTS thì học sinh miền núi, học sinh DTTS sẽ gặp khó khăn, khó có cơ hội cạnh tranh với các em học ở địa bàn có điều kiện thuận lợi. “Cánh cửa” vào giảng đường đại học với những học sinh này sẽ hẹp hơn những học sinh ở địa bàn khác”, cô Lan chia sẻ.
Cùng quan điểm, thầy Vũ Xuân Quế – Hiệu trưởng Trường THCS &THPT Bát Xát (Lào Cai) cho biết, 30% học sinh trong trường thuộc diện hộ nghèo, kinh tế rất khó khăn, nên khó có thể tham gia các kỳ thi riêng. Đa phần 90% các em học sinh lựa chọn đi học nghề dựa trên kết quả trúng tuyển của kỳ thi THPT. Chỉ một số ít học sinh xét tuyển vào đại học. Do đó việc phải tham gia các kỳ thi riêng, hay xét tuyển cần dùng chứng chỉ ngoại ngữ như TOFEL, IELTS… thì rõ ràng không phải điều thuận lợi với học sinh ở đây.
Phân bố chỉ tiêu xét tuyển phù hợp
Thầy Vũ Xuân Quế cho biết, hiện nay nhà trường triển khai học Online hoàn toàn cho các em học sinh, gặp rất nhiều khó khăn như thiếu thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh…); đường truyền internet thiếu ổn định. Việc duy trì sĩ số đã khó, việc dạy ngoại ngữ cho học sinh miền núi còn khó hơn.
“Bên cạnh tiếng mẹ đẻ, học sinh DTTS còn phải học tiếng Việt, việc dạy và học Tiếng Anh cũng không được thuận lợi như những địa bàn khác. Do vậy, việc tham gia dự thi xét tuyển bằng chứng chỉ Tiếng Anh là điều rất khó cho các em học sinh vùng cao”, thầy Quế nói.
Cùng trao đổi về việc này, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, việc các trường top đầu tự tổ chức kỳ thi riêng như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội là điều tất yếu phù hợp với xu thế của xã hội. Đối với các trường tốp giữa và các cơ sở giáo dục đại học khác, vẫn nên ổn định các phương án tuyển sinh để học sinh nắm được và không bị biến động lớn.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, với học sinh các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, gia đình khó khăn, để đáp ứng những yêu cầu, thì các nhà trường cũng phải có bài toán phân bổ chỉ tiêu sao cho phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tất cả các trường phải liên kết với nhau, tối ưu việc sử dụng kết quả thi chung cho phù hợp để cho học sinh không phải “chạy đi chạy lại”, không phải tham gia nhiều kỳ thi riêng. Với những môn thi năng khiếu, hay môn thi đặc thù thì các trường sẽ có những giải pháp thi riêng.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, nếu lấy ngoại ngữ (Tiếng Anh) để ưu tiên xét tuyển, thì rõ ràng học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS sẽ khó có cơ hội. Do vậy nên có điều chỉnh giữa các khoa, phân bổ chỉ tiêu xét tuyển cho cân đối, phù hợp. “Ví dụ với môn Tiếng Anh, khoa nào cần chuyên môn này mới nên xét tuyển, để tạo cơ hội cho học sinh các vùng khó khăn có cơ hội vào trường top trên”, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.