Tìm giải pháp tiêu thụ nhãn

BVR&MT – Hưng Yên và Sơn La là hai địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của miền bắc, trong đó Hưng Yên có khoảng 4.800 ha, trong đó 4.500 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 55.000 tấn; Sơn La có gần 20.000 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 12.000 ha, sản lượng ước đạt 113.000 tấn. Hiện đang là thời điểm nhãn cho thu hoạch rộ, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Nhằm chủ động giúp nông dân tiêu thụ nhãn, các địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả.

Hiện tại, huyện Sông Mã (Sơn La) có 7.315 ha nhãn.

Xã Hồng Nam (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) là vùng trồng nhãn tập trung lớn, có diện tích gần 200 ha. Ông Nguyễn Minh Lăng, cán bộ phụ trách sản xuất nông nghiệp xã Hồng Nam cho biết: Đây là thời điểm thu hoạch rộ nhãn chính vụ. Năm nay, sản lượng nhãn ở xã ước khoảng 1.700 tấn. Hiện nay, nông dân rất lo cho việc tiêu thụ nhãn, bởi mọi năm, tư thương, doanh nghiệp từ các nơi đổ về Hồng Nam đặt mua nhãn rất đông, xe ô-tô, xe máy chở nhãn chạy nườm nượp; còn năm nay người đến đặt hàng mua nhãn rất ít, giá nhãn xuống thấp.

Tăng cường bán nhãn trên sàn thương mại điện tử

Anh Nguyễn Quang Điện, Giám đốc hợp tác xã (HTX) nhãn lồng Tiên Châu, xã Hồng Nam cho biết: Năm nay, HTX Tiên Châu có khoảng 130 tấn nhãn. Để khắc phục khó khăn trong việc vận chuyển và tiêu thụ nhãn quả tươi, HTX đã triển khai bán nhãn trên sàn giao dịch thương mại điện tử và được hai doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng đặt mua.

HTX đã giao cho doanh nghiệp được 20 tấn nhãn quả tươi thì phải dừng lại do dịch Covid-19 làm gián đoạn vận chuyển. Hiện nay, HTX đang thực hiện hợp đồng bán nhãn cho Bưu điện tỉnh Hưng Yên; đồng thời, ký hợp đồng vận chuyển nhãn với một số nhà xe được cấp mã QR vào để đưa đi tiêu thụ ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong nước.

Để giúp nông dân tiêu thụ nhãn đạt hiệu quả cao, tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức mời gọi, kết nối các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối, đơn vị phân phối… tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại nhãn quả của tỉnh; đưa quả nhãn của tỉnh Hưng Yên lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, chợ online, gian hàng trực tuyến… Tỉnh cũng kết nối, phối hợp với cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài lựa chọn, tham gia một số sự kiện xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản quốc tế, để tìm kiếm thị trường mới.

Giám đốc Bưu điện tỉnh Hưng Yên Đỗ Văn Tư cho biết, với sự hỗ trợ vận chuyển của Trung tâm logistics thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Hưng Yên đã triển khai ký hợp đồng tiêu thụ 200 tấn nhãn với một số HTX nhãn lồng ở xã Hồng Nam, Quảng Châu, Phương Chiểu, TP Hưng Yên. Đã có 30 tấn nhãn được tiêu thụ với mức giá khá cao; sau đó sẽ tiếp tục triển khai ký hợp đồng với một số HTX ở huyện Khoái Châu, phấn đấu tiêu thụ cho các hộ trồng nhãn trong tỉnh từ 500 đến 600 tấn.

Cùng với các đơn vị khác, từ đầu vụ đến nay, Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo (thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ) đã mua của các nhà vườn hàng chục tấn nhãn lồng. “Việc vận chuyển nhãn khá thuận lợi, chúng tôi giao hàng cho đối tác ở tổng kho thuộc địa phận thị xã Mỹ Hào, sau đó doanh nghiệp sử dụng xe chuyên dụng được cấp mã QR vận chuyển đến các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp” – Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo Dương Thị Phượng cho biết.

Tại Sơn La, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công cho biết: Trong thời gian qua, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ, đã mang lại hiệu quả trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung gửi các thông tin về diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch; danh mục các sản phẩm hàng hóa nông sản để đề nghị các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso… tổ chức hội nghị tập huấn ứng dụng thương mại điện tử và hỗ trợ kết nối phân phối sản phẩm của tỉnh Sơn La qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử; triển khai sự kiện “Ngày đặc sản Sơn La” trên gian hàng Việt tại sàn thương mại điện tử Sendo.

Ngoài ra, cả hai địa phương đều tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các tỉnh, thành phố; tư vấn, hỗ trợ công tác đóng gói, vận chuyển sẵn sàng đưa quả nhãn đến với người tiêu dùng trong cả nước.

Tỉnh Hưng Yên đã tạo mọi điều kiện cho việc vận chuyển, tiêu thụ nhãn. Đến nay tỉnh đã cấp mã QR cho hơn 3.000 xe vận tải, trong đó có nhiều xe chuyên chở nhãn; đồng thời đã huy động được nhiều thương nhân, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ quả nhãn tươi, nhất là việc chế biến long nhãn để người nông dân bớt lo đầu ra. Còn tỉnh Sơn La đã chỉ đạo ngành giao thông vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải hàng hóa trong điều kiện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; thành lập “Đội vận tải xanh” sẵn sàng vận chuyển hàng hóa nông sản đi đến các vùng có dịch và các địa phương khi có yêu cầu… Đến thời điểm này, toàn tỉnh Sơn La đã tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài nước được gần 68.000 tấn nhãn và sơ chế được hơn 36.000 tấn, còn khoảng 60.000 tấn nhãn cần tiêu thụ.

Đẩy mạnh chế biến long nhãn

Để giảm áp lực lên khâu tiêu thụ, tỉnh Sơn La đặt ra mục tiêu sẽ sơ chế, chế biến khoảng 80.000 tấn nhãn trong vụ này. Theo đó, phương án hỗ trợ sẽ tập trung xây dựng kho lạnh để tích trữ sản phẩm; hỗ trợ việc chuyển đổi các cơ sở sấy long nhãn hiện nay từ sấy than, sấy củi sang sấy bằng hơi nhiệt sạch để bảo đảm vệ sinh; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến sản phẩm nhãn và một số nông sản khác. Điều kiện là hỗ trợ sau đầu tư, áp dụng với các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2021.

Là một huyện có gần 11.000 ha trồng cây ăn quả các loại, trong đó gần 7.400 ha trồng nhãn với sản lượng trên 70.000 tấn, sau khi tỉnh Sơn La ban hành Quyết định 1818 vào ngày 28/7 về việc hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các phòng, ban khẩn trương rà soát các cơ sở chế biến long nhãn trên địa bàn huyện. Đồng thời, ban hành công văn về việc đăng ký nhu cầu hỗ trợ kinh phí các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và các nông sản khác. Huyện đang tiến hành hỗ trợ các cơ sở chế biến long nhãn của các doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình.

Giám đốc HTX Bảo Minh, xã Chiềng Khong, huyện Sông Mã Phạm Thùy Trang, cho biết: Năm 2020, HTX xuất sang thị trường Trung Quốc được hơn 300 tấn và không đủ hàng để xuất bán. Năm nay sản lượng nhãn của HTX hơn 500 tấn. Nhờ sự kết nối của tỉnh, đầu vụ khi tình hình dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng đã xuất sang Trung Quốc hơn 50 tấn. Được sự hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định 1818, chúng tôi đã triển khai làm kho lạnh để bảo quản và làm lò để tập trung làm long nhãn, bảo đảm sản phẩm nhãn quả của 13 thành viên và người dân tại địa bàn sẽ được tiêu thụ hết.

Nhiều chủ vườn ở Hưng Yên cũng cho biết, tuy năm nay nhãn khó tiêu thụ hơn, giá có giảm nhưng không lo nhãn ế, bởi công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm nhãn, long nhãn đã được nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ mới, với công suất lớn, bảo đảm tiêu thụ hết cho nông dân.