BVR&MT – Là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế rừng, trong những năm gần đây tỉnh Cao Bằng tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động trồng rừng cũng như chăm sóc, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, sau nhiều năm loay hoay tìm hướng phát triển, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Cao Bằng vẫn rất kém, tiến độ trồng rừng luôn đạt rất thấp so với kế hoạch đề ra.
Theo kế hoạch, năm 2022 tỉnh Cao Bằng sẽ trồng mới 1800 ha rừng, trong đó có 300 ha rừng phòng hộ, 1500 ha rừng sản xuất. Tuy nhiên đến hết tháng 4, khi vụ trồng cây quan trọng nhất trong năm đã qua, cả tỉnh mới trồng được 35 ha, đạt tỷ lệ chưa đến 2%. Các năm trước, tỷ lệ trồng rừng của Cao Bằng cũng luôn đạt thấp và rất thấp.
Theo bà Hoàng Thị Duyên, Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng: Mặc dù tỉnh Cao Bằng có tiềm năng trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp rất lớn, nhưng tiềm năng này vẫn chưa được khai thác, người dân vẫn chưa quan tâm đến việc trồng rừng và trên thực tế, tỉnh Cao Bằng vẫn còn rất ít hộ gia đình sống được bằng nghề trồng rừng. Tỉnh cũng chưa có doanh nghiệp lớn nào đầu tư vào chế biến lâm sản (chỉ có một số cơ sở nhỏ, chủ yếu là gỗ bóc, gỗ băm) nên giá lâm sản cũng bấp bênh, kém ổn định. Trước đây đã từng có một số doanh nghiệp thuê đất trồng rừng với diện tích lớn, tuy nhiên không rõ vì lý do gì, các dự án trồng rừng lớn ở Cao Bằng đều thất bại.
Về phía người dân, đang có một nghịch lý là nhiều người muốn trồng rừng nhưng lại không có, hoặc có rất ít đất. Ngược lại, rất nhiều hộ được giao hàng chục, thâm chí cả trăm ha đất nhưng lại bỏ cho cây hoang mọc dại, không trồng rừng. Thậm chí, ở một số nơi có tình trạng các dự án cấp phát cây giống cho dân, nhưng dân chỉ trồng rất ít hoặc bỏ không, cây chết, rất lãng phí.
Anh Nông Văn Kỳ ở xã Cải Viên, huyện Hà Quảng cho biết, ở xã vẫn có rất nhiều người dân chưa biết trồng rừng, chưa biết đến hiệu quả kinh tế của trồng rừng. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên dân chỉ quan tâm đến những lợi ích trước mắt, thích đi làm những công việc có tiền ngay. Hơn nữa, người dân không có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc các giống cây mới nên sau khi trồng cây thường chậm phát triển, dễ bị sâu bệnh hoặc chết.
Trường hợp khác, cuối năm 2021 Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục triển khai dự án Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025, khuyến khích người dân trên địa bàn huyện đăng ký diện tích và số lượng cây giống. Tuy nhiên, theo phản hồi từ người dân xóm Nặm Đin (Cải Viên) đến nay khi vụ trồng cây quan trọng nhất trong năm đã qua nhưng họ vẫn chưa nhận được giống cây.
Bên cạnh đó, hiện nay khu vực nông thôn của Cao Bằng cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực lao động khi nhiều người trong độ tuổi lao động đổ ra thành phố làm công nhân trong các khu công nghiệp khiến cho việc trồng rừng càng khó khăn hơn.
Để khắc phục những khó khăn trên, ngành nông nghiệp Cao Bằng đang tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đề ra những chính sách thiết thực, hữu ích khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản, khuyến khích thành lập các hợp tác xã trồng rừng, đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ có đất rừng. Quan trọng hơn, tỉnh cần tìm ra những loại cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời xây dựng những mô hình phát triển kinh tế rừng tiêu biểu cho thấy hiệu quả làm giàu từ rừng để người dân quan tâm, học hỏi, tạo thành phong trào trồng rừng sản xuất mạnh.
Nông Mới (Tổng hợp & thực hiện)