Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Quản lý tốt nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp

BVR&MT – Muốn trở thành “người khổng lồ” của ngành đồ gỗ thế giới, Việt Nam chỉ có thể dựa vào năng lực lõi với nguồn nguyên liệu rừng trồng hợp pháp, công nghệ chế biến ngày càng hiện đại và nguồn nhân lực có kỹ năng. Đây là những điểm đồng thuận lớn được giới chuyên gia phân tích và đại diện các cơ quan quản lý ngành khẳng định tại Hội thảo về ngành đồ gỗ mới diễn ra tại TPHCM ngày 7/12 vừa qua.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu tại Hội thảo.

Ngành đồ gỗ Việt Nam đang đứng trước những cánh cửa khác với tiềm năng rất lớn từ hai Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới là FTA Việt Nam-EU và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nếu hai Hiệp định này cùng thực thi trong năm 2019 thì sẽ có tác động tương đối lớn tới ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Trong đó, CPTPP trước mắt sẽ cho Việt Nam cơ hội ngay lập tức tiếp cận sâu rộng vào các thị trường như Canada, Peru và Mexico. Còn EU với dung lượng thị trường đồ gỗ hàng năm lên tới 80-90 tỷ USD sẽ là “kho báu” khi lượng đồ gỗ Việt Nam thâm nhập được thị trường này hiện mới ở mức chưa tới 800 triệu USD.

Không thể phủ nhận thế mạnh của Việt Nam trong sản xuất đồ gỗ khi gần như là nơi có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới nên luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số mỗi năm trong cả thập kỷ qua. Tuy nhiên, thách thức lớn khi hàng Việt nói chung và đồ gỗ nói riêng tiếp cận các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Nhật là những yêu cầu rất cao về bảo vệ môi trường, tài nguyên và trách nhiệm xã hội. Đó là lý do vì sao sản phẩm gỗ từ Việt Nam phải tuân thủ rất nhiều đòi hỏi về nguồn nguyên liệu hợp pháp – mới đây nhất là những cam kết tại Hiệp định đã ký với EU hôm 19/10/2018 (VPA/FLEGT – Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản).

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tư tưởng chính của Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ đầu năm 2019 tới cũng hướng đến các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về quản lý trồng trọt, chế biến, kinh doanh lâm sản, đảm bảo tạo nên chuỗi giá trị ngành gỗ hiệu quả và bền vững.

“Nếu Việt Nam không quản lý được nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp thì sẽ tới lúc không bán đồ gỗ cho ai được nữa. Những kiểu làm ăn ‘được chăng hay chớ’, không rõ ràng như trước đây sẽ gặp nhiều gay go. Chỉ một vài DN nhập khẩu hoặc khai thác trộm vài mét khối gỗ sẽ là những con sâu làm rầu nồi canh, có thể gây ra ảnh hưởng ghê gớm cho toàn ngành”, vị Thứ trưởng ngành nông nghiệp cảnh báo.

Kinh doanh là phép tính tổng hòa của những cơ hội và rủi ro. Có những điều tưởng chừng là cơ hội – như cuộc căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế vừa qua – khi đi sâu phân tích mới thấy rủi ro tiềm ẩn là không nhỏ, và cơ hội thì có thể không lớn như nhiều dự tính trước đó. Ngược lại, có những thứ tưởng chừng là sức ép và thách thức – như việc tuân thủ các đòi hỏi “khó tính” về môi trường, xã hội như Hiệp định VPA/FLEGT – khi “nhìn xa trông rộng” lại thấy mang đến tiềm năng vô cùng lớn để phát triển bền vững.

omard.gov.vn (tổng hợp)