Thế giới đã và sẽ trả giá đắt vì lạm dụng hóa chất

BVR&MT – Liên hợp quốc vừa cảnh báo về sự thất bại toàn cầu trong việc giải quyết các mối nguy từ hóa chất.

Thế giới sẽ không đáp ứng được các cam kết quốc tế trong việc giảm thiểu các mối nguy hóa học và ngăn chặn ô nhiễm vào năm 2020.

Báo cáo “Viễn cảnh hóa chất toàn cầu lần 2” cũng đồng thời nhấn mạnh sự thất bại của các chính phủ trong việc kiềm chế ngành công nghiệp chỉ đứng sau nhựa, thuốc trừ sâu và mỹ phẩm này.

Một nhà máy hóa chất ở Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm gần một nửa thị trường thế giới về hóa chất tổng hợp vào năm 2030 (Ảnh: Ryan Tong/EPA).

Doanh số bán hóa chất tổng hợp sẽ tăng gấp đôi trong 12 năm tới với những tác động đáng báo động đối với sức khỏe và môi trường.

Chưa bao giờ ngành này lại chiếm ưu thế như hiện nay và nhân loại đang phụ thuộc rất nhiều vào hóa chất. Trong đó, tăng trưởng nhanh nhất là trong ngành vật liệu xây dựng, điện tử, dệt may và pin chì. Ngày càng có nhiều chất phụ gia được sử dụng để làm cho nhựa mịn hơn hoặc bền hơn.

Tùy vào hóa chất và mức độ phơi nhiễm, con người có thể phải đối mặt với các rủi ro ung thư, bệnh thận mãn tính và dị tật bẩm sinh. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng hóa chất gây ra gánh nặng bệnh tật cho 1,6 triệu người trong năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Achim Halpaap, người đứng đầu nghiên cứu, đánh giá này còn ở mức thấp. Ngoài nguy hiểm đối với sức khỏe con người, hóa chất còn ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn và các rạn san hô.

Báo cáo cũng lưu ý hoạt động sản xuất hóa chất trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2000 và hiện tại – nếu tính cả việc kinh doanh dược phẩm – hóa chất là ngành công nghiệp lớn thứ hai trên thế giới.

Đà tăng trưởng này dự kiến ​​sẽ còn tiếp tục trong ít nhất một thập kỷ tới do sự tăng trưởng trong các nền kinh tế đang mở rộng ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Đến năm 2030, ngành công nghiệp hóa chất dự kiến ​​tăng gần gấp đôi so với mức 2017 để đạt doanh số 6,6 triệu USD, trong đó, Trung Quốc dự báo chiếm 49,9% thị trường thế giới.

Bất chấp những tác động tiêu cực, loài người vẫn ngày càng lún sâu vào hóa chất tổng hợp. Sản lượng hóa chất sẽ tăng gấp 7 lần so với dân số toàn cầu trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2030.

Tại Hội nghị thượng đỉnh trái đất ở New Zealand năm 2002, các chính phủ đã đồng ý giảm đáng kể ô nhiễm hóa học vào năm 2020, tuy nhiên, báo cáo cho thấy thế giới không còn nhiều thời gian để hiện thực hóa mục tiêu này – đồng nghĩa với mục tiêu năm 2020 sẽ không thể đạt. Tuy nhiên, vẫn còn một mục tiêu phát triển bền vững khác là giảm đáng kể số người chết và bệnh tật do ô nhiễm hóa học vào năm 2030 để con người cứu vãn.

Bên cạnh viễn cảnh đáng lo ngại, báo cáo cũng chỉ ra những nỗ lực nhất định trong một số lĩnh vực. Chính quyền các quốc gia cũng đã cảnh báo về một số sản phẩm chứa hóa chất, bao gồm formaldehyd trong dầu gội, microbead trong kem đánh răng, phthalates trong bao bì thực phẩm và chất chống cháy trong nhiều mặt hàng gia dụng. Nhiều công ước cũng đã được ký kết, nhiều quy định được đưa ra nhằm giảm thiểu rủi ro nhưng ngành công nghiệp hóa chất vẫn không ngừng mở rộng.

Một phần của sự mở rộng này là do sự bao phủ của hóa chất, từ các sản phẩm đòi hỏi tinh tế đến các vật dụng đời thường.

Một số mặt hàng điện tử như máy tính và điện thoại di động có thể bao gồm hàng trăm sản phẩm hóa học khác nhau. Ngoài ra, hóa chất cũng hiện diện trong vô số đồ dùng hàng ngày, đơn cử như chiếc ghế văn phòng với tấm đệm bọt chứa chất chống cháy hay sự tồn tại của phụ gia cao su trong các con lăn, lớp phủ bề mặt crom, phụ gia nhựa ở mặt sau và vec-ni trên bất kỳ bộ phận bằng gỗ nào.

Chúng hữu dụng là vậy, song các nhà môi trường vẫn cảnh báo rủi ro dài hạn đối với đa số lớn hơn lợi ích ngắn hạn đối với thiểu số.

Nghiên cứu của một tổ chức thống kê thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng báo động rằng có đến 62% trong tổng số 345 triệu tấn hóa chất được tiêu thụ tại EU gây nguy hiểm cho sức khỏe.

“Một lượng lớn hóa chất độc hại và các chất gây ô nhiễm tiếp tục bị rò rỉ ra môi trường, làm ô nhiễm chuỗi thức ăn và tích tụ trong cơ thể chúng ta” – ông Joyce Msuya, người đứng đầu Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc bày tỏ. “Cần xem xét việc mở rộng thị trường hóa chất và sự gia tăng ô nhiễm, chúng ta không thể tiếp tục đánh cược với sức khỏe của mình”, ông nhấn mạnh.

Về giải pháp, báo cáo cung cấp phương pháp tiếp cận kiểu “bàn chải” và lặp lại câu thần chú về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế mà phần lớn đã bị bỏ qua trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng kêu gọi sử dụng nhiều hơn các vật liệu bền vững và đẩy mạnh giáo dục về mối nguy của hóa chất. Các biện pháp cụ thể sẽ được tranh luận thêm tại Hội nghị ở Uruguay vào tháng tới.

Bích Ngọc (Theo The Guardian)