BVR&MT – Cùng với sự quan tâm của tỉnh, của huyện, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã vùng cao Phú Nghiêm (Quan Hóa) đã có nhiều nỗ lực vượt khó thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu đã và đang được đầu tư có hiệu quả, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát huy tối đa thế mạnh của địa phương, bộ mặt kinh tế nông thôn có nhiều khởi sắc.
Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xã đã ban hành nghị quyết; thành lập ban chỉ đạo và phân công các thành viên trong ban chỉ đạo giảm nghèo xã theo dõi, đôn đốc việc triển khai chính sách giảm nghèo tại thôn, bản. Bên cạnh đó, MTTQ cùng các đoàn thể trong hệ thống chính trị cũng tích cực phối hợp triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn.
Cùng với đó, từng bước làm chuyển biến nhận thức tự vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo; giúp hộ nghèo lập kế hoạch phát triển kinh tế; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và áp dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, vốn hỗ trợ của xã hội trong công tác giảm nghèo. Tích cực vận động các nguồn lực giúp hộ nghèo làm ăn, tìm kiếm việc làm, xóa nhà tạm; hỗ trợ việc học tập của con em hộ nghèo, cận nghèo gặp rủi ro… Ngoài ra, xã cũng kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ vốn trực tiếp để thực hiện mô hình sinh kế nhỏ, phù hợp với đặc điểm và thói quen chăn nuôi, trồng trọt của các hộ nghèo. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả để tạo thêm việc làm cho người nghèo, trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Lồng ghép thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Chia sẻ về công tác giảm nghèo, ông Phạm Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm, cho biết: Trên cơ sở số liệu điều tra hằng năm, ban chính sách xã phân tích dữ liệu hộ nghèo từng thôn để có các giải pháp giảm nghèo. Với những hộ thiếu vốn thì chỉ đạo các bản rà soát, xác định rõ nhu cầu vay vốn của từng hộ. Đấu mối chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi. Những hộ nghèo làm nông nghiệp – chuyển đổi ngành nghề, thiếu kỹ năng lao động thì ưu tiên tham gia chương trình đào tạo nghề theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Ưu tiên dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm; tạo điều kiện để người nghèo tự tạo việc làm, tăng thu nhập, từ đó vươn lên trong lao động, sản xuất để từng bước thoát nghèo. Thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư để tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, cách thức làm ăn cho người nghèo.
Với những hộ thất nghiệp, thiếu việc làm, chưa tích cực lao động thì được thông tin về thị trường lao động trong, ngoài nước, các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Phối hợp với phòng lao động – thương binh và xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng để cung cấp thông tin về thị trường lao động, kết nối cung – cầu lao động nhằm tăng cơ hội, khả năng tìm việc làm và học nghề cho người nghèo…
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo do được tuyên truyền, vận động, được hỗ trợ bằng vật chất, tinh thần đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất, biết tiết kiệm chi tiêu, tích lũy để tái sản xuất vươn lên thoát nghèo. Ví như hộ chị Hà Thị Nhạn ở bản Chăm. Năm 2017, được tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng góp vốn đối ứng, chị được hỗ trợ 10 triệu đồng, cộng thêm vốn đối ứng 4 triệu đồng để mua 1 con bò sinh sản về chăn nuôi. Chị Nhạn cho biết, may mắn được tham gia dự án, đến nay, từ một con bò gia đình chị đã nhân đàn lên 4 con, kinh tế bớt khó khăn hơn, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học.
Cũng thuộc hộ nghèo, nhà đông khẩu nhưng chỉ có 2 lao động chính, hộ anh Cao Văn Nghĩa ở bản Cổi Khiêu thường xuyên nhận được sự quan tâm của địa phương, doanh nghiệp. Anh Nghĩa cho biết: Do hoàn cảnh, những tưởng 3 đứa con phải bỏ học giữa chừng, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là HTX Hợp Phát, các con anh tiếp tục được cắp sách đến trường tìm con chữ. Các thành viên trong gia đình cũng ý thức hơn trong học tập, chăm chỉ làm ăn để thoát nghèo.
Do thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo mà tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh. Nếu như năm 2016, toàn xã có 118 hộ nghèo, chiếm 27,95%; thì đến năm 2021 giảm còn 18/904 hộ, chiếm 2,98%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 33,5 triệu đồng.