Thái Nguyên: Hiệu quả từ việc tinh gọn bộ máy quản lý, bảo vệ rừng

BVR&MT – Bám sát các nghị quyết của Trung ương Đảng và các đề án, kế hoạch của tỉnh, từ cuối năm 2017 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã chủ động triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, bảo đảm đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó đã giảm thiểu được tình trạng chồng chéo trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành.

Tháng 8/2020, Trạm bảo vệ rừng số 3 Thuộc Ban quản lý rừng Đặc dụng, phòng hộ Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Quyết định số 1835/QĐ-UBND ngày 25/6/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Đơn vị mới sẽ quản lý bảo vệ, xây dựng, sử dụng và phát triển rừng trên địa bàn bàn 7 xã và 01 thị trấn của huyện Võ Nhai với diện tích rừng đặc dụng là 19.913,54 ha và diện tích rừng phòng hộ là 3.453,78ha, nằm trên địa bàn 6 xã. Chính nhờ việc sắp xếp, tinh giản bộ máy đã đem lại nhiều kết quả tích cực, giúp cán bộ phát huy hết năng lực, khả năng sáng tạo trong công việc.

Với sự sáp nhập này tỉnh Thái Nguyên tinh giảm được một đầu mối là Ban quản lý rừng phòng hộ BVMT Hồ Núi Cốc và ba phòng chuyên môn nghiệp vụ, xuống chỉ còn 2 phòng. Ngay sau khi được thành lập Ban quản lý mới đã tiến hành xây dựng Phương án sắp xếp nhân sự với tổng số biên chế là 34 viên chức và 06 lao động hợp đồng. Lãnh đạo Ban quản lý bao gồm 01 giám đốc và 02 phó giám đốc trong đó phân công 01 phó giám đốc phụ trách trạm Bảo vệ rừng số 03. 2 phòng nghiệp vụ là phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, phòng Hành chính – Tổng hợp và 03 trạm bảo vệ rừng quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại các địa bàn được phân công đảm nhiệm.

Từ sau khi thành lập đơn vị đến nay. Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã dần ổn định, hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt được những kết quả tích cực, khẳng định năng lực của cán bộ quản lý.

Nhằm chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Trao đổi với phóng viên Tạp chí bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Nguyễn Văn Tuyên – Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đơn vị đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên gửi đến các cơ quan liên quan tham gia ý kiến vào Dự thảo phương án. Đồng thời tổ chức rà soát các điểm nóng có nguy cơ xảy ra cháy rừng, tổ chức tuyên truyền sâu rộng xuống tận các thôn, bản, cộng đồng dân cư, phân công trực phòng cháy chữa cháy rừng.

Công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng trong những năm gần đây tại khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng cơ bản ổn định, số vụ vi phạm phát hiện, xử lý giảm rõ rệt qua từng năm; nhận thức và ý thức bảo vệ rừng của người dân không ngừng được nâng cao. Đơn vị đã xây dựng và ký Quy chế phối hợp với các cơ quan ban ngành, các lực lượng chức năng có liên quan để công tác tuần tra, bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao.

Ban quản lý rừng số 3 họp bàn công tác nhiệm vụ năm 2021.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đẩy mạnh, 19 lớp học tại các thôn bản và trường học với hơn 2.000 lượt người tham gia. Công tác khoán bảo vệ rừng cũng được tăng cường. Đối với khu vực rừng đặc dụng, đơn vị đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng cho 50 hộ gia đình và 49 cộng đồng dân cư thôn, xóm trên địa với tổng diện tích giao khoán là hơn 14.000 ha. Đối với khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, 86 hộ gia đình và 02 cộng đồng dân cư thôn, xóm đã được ký hợp đồng với tổng diện tích giao khoán là 959 ha. Nhờ đó Ban quản lý đã đảm bảo tốt các hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng tận gốc, ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác rừng trái phép.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên vẫn còn tồn tại các vấn đề vướng mắc cụ thể là những bất cập khi vẫn còn nhiều khu vực quy hoạch 3 loại rừng chưa thực sự phù hợp. Để giải quyết tình trạng này đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, các đơn vị đi rà soát thống kê và đề nghị điều chỉnh sao cho phù hợp hơn trong thời gian tới. Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn trong công tác thực thi nhiệm vụ tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng.

Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp trong thời gian tới nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động sau sáp nhập của đơn vị, ông Nguyễn Văn Tuyên đã chỉ ra mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030 của ban quản lý đó là ưu tiên đầu tư các dự án bảo vệ phát triển rừng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ hoạt động lâm nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lâm Nghiệp và quản lý bảo vệ rừng.

Lê Dương – Văn Trì.