BVR&MT – Nhờ được quan tâm, chú trọng đầu tư, diện mạo miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ ngày một khang trang, trù phú. Đời sống vật chất, tinh thần và đặc biệt là nhận thức, tư duy vượt khó vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã có những chuyển biến tích cực.
Ở vùng Nam Trung Bộ, ngoài người Kinh là dân tộc đa số, có nhiều dân tộc thiểu số tụ cư, hợp thành cơ cấu dân cư đa tộc người, giàu bản sắc. Khánh Hòa có 35 dân tộc thiểu số, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh; Ninh Thuận có 32 dân tộc thiểu số, chiếm 24,4% dân số; Phú Yên có 33 dân tộc thiểu số, chiếm 6,9% dân số. Nhiều năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm, với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã có những chuyển biến tích cực.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần
Đến một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi rất vui khi đi trên những con đường bê-tông xuyên suốt nối liền làng trên, xóm dưới. Phong cảnh làng quê thanh bình, trù phú. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thuận Bắc Đặng Ngọc Minh Quang cho biết, toàn huyện có gần 70% người Chăm và Raglai sinh sống. Nhờ thụ hưởng các chính sách dân tộc, hệ thống điện, đường, trường, trạm… được đầu tư xây dựng bao phủ rộng khắp. Mô hình kinh tế có giá trị phát triển ngày càng nhiều. Thu nhập khu vực đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm.
Ông Lộ Minh Trung, người có uy tín trong vùng đồng bào Chăm ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước phấn khởi nói: “Những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như chúng tôi đây được Đảng, Nhà nước chăm lo chu đáo, bà con ra sức thi đua làm kinh tế; tích cực tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, tình đoàn kết các dân tộc anh em càng gắn kết sâu đậm”.
Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên đang dần dịch chuyển theo xu hướng phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Yên Trương Văn Phương cho biết, hạ tầng miền núi, vùng dân tộc thiểu số Phú Yên được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn chỉnh. Đến nay, 100% số xã miền núi đều có đường ô-tô đến trung tâm xã và các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê-tông hóa, nhựa hóa… giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con được thuận lợi hơn. Các công trình thủy lợi thường xuyên được mở rộng, nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu.
Chúng tôi về xã Ea Trol những ngày cuối mùa mưa. Không còn cảnh người dân thiếu ăn giáp hạt của những năm về trước, năm nay, buôn làng ấm no, vui vẻ hơn nhiều. Ông Ma Dom ở buôn Ly, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh bày tỏ: “Trước đây, gia đình tôi rất nghèo, làm không đủ ăn, phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn, tôi trồng sắn, cao-su, lúa nước và chăn nuôi bò, heo, gà… Nhờ vậy, hiện gia đình tôi có thu nhập 150 triệu đồng/năm. Tôi tiếp tục đầu tư kinh phí mua thêm phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp để kinh tế gia đình được tốt hơn”.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã bố trí hơn 143,2 tỷ đồng và lồng ghép các nguồn vốn khác 174 tỷ đồng để đầu tư trực tiếp cho Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh đều có đường ô-tô đến trung tâm xã. Các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, thông tin liên lạc thông suốt; 100% thôn đều có mạng lưới điện quốc gia, hơn 98% số hộ trên địa bàn sử dụng điện thắp sáng. Nhận thức của người dân đã chuyển biến tích cực trong tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các cuộc vận động khác; bớt tự ti, ỷ lại, quyết tâm thi đua vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Trước thực tế có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương Nam Trung Bộ tìm cách thúc đẩy, khơi dậy ý chí quyết tâm thoát nghèo của người dân; nghiên cứu tạo thêm chính sách, điều kiện khuyến khích các hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhất là đối với các xã nghèo, vùng nghèo và hộ nghèo. Giữa điệp trùng mầu xanh sầu riêng, cây đặc sản của huyện Khánh Sơn, thấp thoáng những ngôi nhà xây khang trang, bề thế. Không ít hộ người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã sắm được ô-tô. Có được điều này là nhờ người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm; biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đời sống.
Theo đồng chí Kpá Thinh, Bí thư Đảng ủy xã đặc biệt khó khăn Krông Pa, trước năm 2014, người dân phá rừng lấy đất trỉa lúa mà không năm nào đủ ăn kỳ giáp hạt. Năm 2014, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ đầu tư trạm bơm nước buôn Lé để sản xuất 300ha lúa nước cho xã Krông Pa. Người dân Krông Pa thay đổi tập quán sản xuất, không phá rừng nữa mà sản xuất lúa nước. Cuối năm 2020, Đảng ủy xã Krông Pa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tập trung đầu tư, đổi mới phương pháp
Xác định xây dựng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng, các địa phương Nam Trung Bộ đã tập trung xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động thực hiện, với mục tiêu, giải pháp cụ thể, thiết thực. Một số địa phương phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phụ trách, giúp đỡ từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Giai đoạn 2021-2025, Phú Yên đặt ra mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng hơn hai lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm hơn 3%. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Yên Trương Văn Phương cho biết, tỉnh phấn đấu 100% xã, thôn, buôn có đường ô-tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Hơn 5 năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã huy động hơn 3.045 tỷ đồng đầu tư cho khoảng 480 hạng mục công trình hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đầu tư hơn 2.283 tỷ đồng từ nguồn vốn được lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho biết, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người tăng hai lần so với năm 2020; mỗi huyện thành lập mới ít nhất một đơn vị hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổng hợp tại xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; mỗi xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thành lập mới ít nhất hai tổ hợp tác.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng, tỉnh vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, vốn thực hiện gần 469 tỷ đồng; mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn hai lần so với năm 2020, giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Sầu riêng hiện là cây trồng chủ lực của huyện Khánh Sơn. Nhưng sầu riêng là cây khó trồng. Địa phương tổ chức những lớp học trực quan ngay tại vườn, cầm tay, chỉ việc tại chỗ, từ cách trồng cho tới chăm sóc, thu hoạch… Các hộ tham gia đều nắm chắc kỹ thuật trồng sầu riêng cho nên rất thuận lợi trong canh tác. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn Nguyễn Văn Nhuận cho biết, giai đoạn 2021-2025, huyện Khánh Sơn xác định phát triển nông nghiệp gắn với du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư để hình thành vùng chuyên canh nông nghiệp chất lượng cao; hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. Đây được coi là bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Mấy năm qua, xã Phước Tiến, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) chủ động tìm kiếm và phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho lao động nông thôn ngày càng hiệu quả. Anh Pi Năng Bảo ở thôn Đá Bàn được tuyển dụng làm việc tại trang trại trồng dưa lưới và dưa lê của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung chia sẻ: “Trước đây tôi làm rẫy theo thời vụ, thu nhập thấp, đời sống rất khó khăn, từ khi được vào làm việc tại trang trại với thu nhập 6 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn”.
Theo lãnh đạo các địa phương khu vực Nam Trung Bộ, một trong những giải pháp quan trọng cần tập trung thực hiện là nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức công tác ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm đáp ứng được yêu cầu triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách mà Đảng và Nhà nước ưu tiên dành cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.