Tạo mọi điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, khẳng định vị thế và vai trò

BVR&MT – An sinh xã hội và bình đẳng giới là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm với mục tiêu xuyên suốt là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng đã được ban hành nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ…

Phụ nữ đóng góp xứng đáng vào thành tựu đổi mới

Thực hiện bình đẳng giới về chính trị, nữ giới Việt Nam có tổ chức chính trị riêng, đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với nhiều hoạt động thiết thực, phong phú bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Ảnh minh họa: Đặng Tuấn/TTXVN

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các cấp Hội đã cụ thể hóa thành các hoạt động hướng tới mục tiêu chung của đất nước, đồng thời phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức và hướng tới đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Nhiều mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ đạt 76,3 tuổi (trong khi tuổi thọ trung bình của phụ nữ trên thế giới là 72). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% của toàn cầu và 18,6% của châu Á.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo điều kiện của Chính phủ, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, truyền thống vẻ vang, đóng góp xứng đáng vào thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước. Phụ nữ ngày càng thể hiện ý thức trách nhiệm công dân, tự tin, chủ động tham gia các hoạt động xã hội, lan tỏa tinh thần nhân ái trong các hoạt động thiện nguyện. Những doanh nghiệp do nữ làm chủ xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành tấm gương cho chị em cả nước học tập, noi theo…

Theo thống kê, hiện tổng số lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 47,4%, riêng trong hợp tác xã hiện chiếm 80% là nữ, con số này cho thấy phụ nữ đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong nông nghiệp. Tuy nhà nước vẫn chưa có chính sách riêng cho phụ nữ khi tham gia hoạt động kinh tế, nhưng bước đầu đã xây dựng được cơ chế hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, cũng như lồng ghép nhiều chính sách khác nhau, giúp phụ nữ phát triển.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bản Dao Thống Nhất tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Bình cho biết, các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị hằng năm tăng dần nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ đạt trên 23%; các chủ thể là nữ tham gia phát triển sản phẩm OCOP mới chỉ đạt 39%. Chính phủ cần tăng cường các giải pháp để tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động, sáng tạo, tham gia khởi nghiệp, đặc biệt là giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, hỗ trợ các sản phẩm do phụ nữ làm ra đạt tiêu chuẩn OCOP.

Đánh giá phụ nữ nông thôn tham gia tích cực và có nhiều đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Như Xuân (Thanh Hóa) Vi Thanh Hương nêu quan điểm, cần phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế tuần hoàn, xây dựng nông thôn mới.

Phân tích về khía cạnh này, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, nhiều chương trình, chính sách, đề án đã được Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ đã nỗ lực không ngừng, tích cực học tập, lao động, khẳng định vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển của đất nước. Bà Hà Thị Nga cho biết, ba vấn đề mà các tầng lớp phụ nữ đang gặp nhiều vướng mắc và cần Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ: Phụ nữ với phát triển kinh tế; phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; phụ nữ và thế hệ tương lai.

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho rằng, vẫn còn có những khoảng cách giới về cơ hội, điều kiện, năng lực tiếp cận nguồn lực khoa học công nghệ và thụ hưởng kết quả của khoa học công nghệ, nhất là việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ ươm tạo công nghệ đối với phụ nữ. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần có giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thu hút và sử dụng nhà khoa học nữ trong thời gian tới.

Tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ khẳng định vị trí

Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đông Hải (Thanh Hóa) chăm sóc “Đường hoa phụ nữ”. Ảnh: TTXVN phát

Khẳng định luôn đồng hành và hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: Trước khi ban hành các chính sách, cơ quan chức năng luôn quan tâm tới chủ thể nữ trong các hoạt động, đặc biệt đối với đồng bào là dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nhiều chương trình đang được triển khai nhằm hỗ trợ các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP do phụ nữ làm ra. Vì thế, phụ nữ hoàn toàn có thể tiếp cận các nguồn chính sách này để nâng cao nguồn lực và phát triển.

“Bộ đã tham mưu, ban hành cơ chế chính sách, xây dựng, phát triển lực lượng làm công tác khoa học, tiếp cận nguồn lực khoa học công nghệ… Hiện các nhà khoa học nữ chiếm 42% trong tổng số các nhà khoa học trên toàn quốc, đặc biệt, trong một số lĩnh vực, tỉ lệ nữ chiếm rất cao, như giáo dục, đào tạo chiếm đến 64%, khoa học xã hội nhân văn chiếm 58%…”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết.

Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục vinh danh, tham mưu ban hành quy định để tạo điều kiện và có cơ chế riêng cho các cán bộ khoa học nữ; vận động các nhà khoa học trẻ là nữ giới tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng hệ liên kết là các nhà khoa học nữ để tạo thành hệ thống và có sự tương tác chặt chẽ hơn.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, phát triển tài chính toàn diện nói chung và phát triển tài chính vi mô là chủ trương rất lớn được Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa Thông tư 03 để mở rộng hơn nữa đối tượng khách hàng và nguồn vốn vay cho các tổ chức tài chính vi mô, nhằm mục tiêu hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Cả nước hiện có 4 công ty tài chính vi mô, 75 chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động tại 35 tỉnh, thành với số nguồn vốn khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, con số này chưa phải là lớn, việc tăng thêm nguồn vốn là rất cần thiết.

Giải đáp những thắc mắc của phụ nữ trong lần đối thoại gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp… Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng, xã hội.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt các quan điểm, chủ trương về phụ nữ, công tác cán bộ nữ; phát huy vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao địa vị của phụ nữ trong thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Công tác phụ nữ phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mỗi gia đình và cá nhân.

“Chính phủ sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách để bảo đảm an sinh, các quyền lợi chính đáng cho phụ nữ; các bộ, ngành tăng cường tham mưu giải pháp nhằm đảm bảo chỉ tiêu, mục tiêu về công tác cán bộ nữ; các cơ chế đặc thù cho cán bộ nữ; phụ nữ khởi nghiệp; các chính sách bảo hiểm y tế, thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân; tuyên truyền vận động phụ nữ tham gia phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.