Sự thật về “chuyến xe 0 đồng” trá hình mùa dịch

BVR&MT – Cục Cảnh sát giao thông ngày 10/8 cho biết, đoàn gồm 10 xe khách chở hơn 100 người từ TP Hồ Chí Minh về tỉnh Thừa Thiên Huế dán băng rôn “chuyến xe 0 đồng”, “xe nghĩa tình”, thực ra là những chuyến xe trá hình, thu tiền hành khách với giá hàng triệu đồng.

Hàng chục xe ô-tô khách mạo danh “chuyến xe 0 đồng” chở người dân từ các vùng dịch về quê sai quy định tại thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông)

Xe “0 đồng” thu tới 3 triệu đồng/khách

Theo Cục Cảnh sát giao thông, từ rạng sáng ngày 4/8, lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát y tế tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện đoàn gồm 10 xe khách chở hơn 100 người từ TP Hồ Chí Minh về tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên mỗi chiếc xe đều dán băng rôn: “chuyến xe 0 đồng”, “xe nghĩa tình”…

Tuy nhiên, khi lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát y tế số 4 (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) tiến hành kiểm tra, một hành khách đi trên xe cho biết: Tối qua, xe đến cửa hàng xăng, chúng tôi xuống xe và thấy dòng chữ trên băng rôn liền hỏi tài xế: xe thu tiền nhiều, sao lại viết là “chuyến xe 0 đồng” vậy? Tài xế đã không trả lời được câu hỏi này.

Một hành khách khác cũng cho hay: Anh biết thông tin về xe này từ các trang hội đồng hương trên facebook. Theo đó, những ai có nhu cầu thì liên lạc đặt chỗ. Họ công khai giá luôn, 2 triệu đồng/người. Xe 16 chỗ chở 8 người, giá 2,5 triệu đồng/người. Xe bảy chỗ, họ lấy 3 triệu đồng/người. Đặc biệt, mấy xe này khéo lắm. Mình lên xe họ thu tiền một ít để đổ xăng. Chạy thêm đoạn nữa họ thu tiếp. Về gần tới Thừa Thiên Huế họ thu hết. Nhóm em đi 18 người, năn nỉ lắm họ lấy tròn 32 triệu đồng.

Sau khi tiến hành kiểm tra, khai báo y tế, đến 15 giờ cùng ngày, lực lượng cảnh sát giao thông cùng các lực lực lượng chức năng đã làm thủ tục để đưa những hành khách trên xe về khu cách ly.

Ngày 31/7, Thủ tướng chính phủ có công điện 1063/CP về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu các địa phương tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”; tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Sau khi có công điện này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện nhiều xe dịch vụ đưa người từ các tỉnh, thành phố có dịch về Thừa Thiên Huế dưới danh nghĩa “chuyến xe 0 đồng”, “xe miễn phí” hỗ trợ người nghèo về quê … nên đã tìm hiểu từ chính những người đi xe trở về. Khi có thông tin đầy đủ, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng đón đầu, xử lý theo quy định.

Cục Cảnh sát giao thông cho biết, chiều 4/8, sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, lực lượng chức năng đã áp tải 15 tài xế xe trá hình “chuyến xe 0 đồng” chở công dân từ các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về quê đến khu cách ly tập trung và chi phí cách ly do các lái xe phải chi trả toàn bộ. Lực lượng chức năng cũng đã lập biên bản về hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch đối với những lái xe này và sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Người dân cần cảnh giác trước chiêu trò của các nhà xe

Cũng theo Cục Cảnh sát giao thông, khi sự việc này xảy ra, có nhiều thông tin không chính xác đưa ra và đưa sự việc sang một hướng khác khiến dư luận hiểu không đúng về bản chất sự việc và cách ứng xử của chính quyền, lực lượng chức năng và người dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Những thông tin như: “23 người về từ TP Hồ Chí Minh bị Huế buộc quay đầu, cầu cứu công an Đà Nẵng”, “Thừa Thiên Huế đã nhận 23 người đi từ TP Hồ Chí Minh “bơ vơ” ở hầm Hải Vân về quê cách ly” xuất hiện trên mạng xã hội và một số trang thông tin điện tử.

Thực tế, ngày 3/8 và cả sáng 4/8 tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đón nhận hàng trăm người dân Huế chạy xe máy từ TP Hồ Chí Minh về; vẫn cử xe cảnh sát giao thông đón, dẫn và xe y tế khoá đuôi các đoàn xe đi qua tỉnh. Tại các chốt chống dịch, lực lượng cảnh sát giao thông đã hỗ trợ bà con nhiều thức ăn, nước uống và dùng xe chuyên dụng để chở bà con bị hỏng xe…

Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau khi Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành nơi cư trú tới khi hết giãn cách. Điều này đồng nghĩa với việc người dân các địa phương sẽ không được chạy xe máy tự phát về các địa phương như những ngày vừa qua. Từ đó, đã xuất hiện nhiều chiêu trò lách luật, lợi dụng nhu cầu về quê tránh khó khăn của người dân để trục lợi.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã phát hiện chiêu trò nhiều xe chở người dân từ các tỉnh, thành phố phía nam về quê rồi để bà con lại các chốt kiểm soát và quay đầu xe, bỏ mặc hành khách, cũng chính là những người dân đang gặp nhiều khó khăn trên hành trình hồi hương tránh dịch, cho chính quyền và lực lượng chức năng ở địa phương tự giải quyết.

Do vậy, người dân cần cảnh giác trước chiêu trò của các nhà xe, lợi dụng tâm lý, nhu cầu muốn về quê của bà con để trục lợi mà bất chấp các quy định về phòng chống dịch bệnh, trái quy định của Chính phủ, gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm.