“Sống xanh” để bảo vệ sức khỏe và môi trường

BVR&MT – Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường, nhiều người đã thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày, dần hình thành lối “sống xanh” bằng cách lựa chọn những thực phẩm hữu cơ, thuần tự nhiên; tăng cường thể dục-thể thao; trồng cây xanh; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng, tận dụng lại và tái chế các đồ vật từ nhựa…

Những mặt hàng được bọc lá chuối thay thế túi nilon đang được áp dụng tại nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trà Hương.

Thay vì ăn uống, sinh hoạt theo sở thích, hơn 1 năm nay, dưới sự hướng dẫn, tư vấn của một người bạn là bác sĩ, chị Vũ Vân Anh, phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên đã từng bước thiết lập cách ăn uống lành mạnh cho bản thân và gia đình.

Chị Vân Anh cho biết: “Trước đây, bữa cơm của gia đình thường nhiều chất đạm, ít rau xanh và chủ yếu là các món xào, rán, nướng… theo sở thích của các thành viên. Tìm hiểu và áp dụng các kiến thức về cách ăn uống lành mạnh, sống xanh, tôi đã thay đổi nhiều thói quen. Đối với thực phẩm, tôi chú trọng mua các loại thực phẩm hữu cơ; sử dụng rau, củ, quả theo mùa; hạn chế đồ ăn đóng hộp, đồ ăn nhanh.

Trong các bữa ăn, đảm bảo cân đối các nhóm dinh dưỡng, ăn bổ sung thêm rau xanh, hoa quả; sử dụng các loại thảo mộc thiên nhiên thay thế cho một số gia vị nấu nướng. Tôi cũng tập Yoga 1 tiếng/ngày vào các buổi chiều.

Kiên trì áp dụng kiến thức về cách ăn uống lành mạnh, kết hợp với luyện tập thể dục-thể thao, sức khỏe của tôi có những cải thiện rõ rệt, không còn đau nhức xương khớp và mất ngủ như trước…”.

Bên cạnh việc lựa chọn lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe, “sống xanh” còn được được hiểu là lối sống thân thiện, giảm thiểu những tác động có hại đến môi trường. Những năm qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường luôn được tỉnh chú trọng.

Nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường đã được các cấp, ngành, địa phương, các hội, đoàn thể triển khai, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân như Hội Phụ nữ với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “Tổ phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng một lần và túi nilon”, “Tổ phụ nữ phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”.

Đoàn Thanh niên các cấp với phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, trồng và chăm sóc cây xanh; Hội Nông dân với phong trào “3 xanh – 3 sạch – 3 đẹp”, xây dựng mô hình tổ thu gom và xử lý rác thải ở các chi hội, tổ hội và tổ chức ngày hội viên nông dân tham gia vệ sinh môi trường… Từ đó, nhiều người dân đã thay đổi lối sống, sinh hoạt hằng ngày, thói quen tiêu dùng nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Sống xanh để bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng. Ý thức được điều đó, nhiều năm qua, mỗi khi đi chợ, tôi thường mang theo túi vải để đựng thức ăn, hạn chế sử dụng túi nilon. Cơ quan cách nhà hơn 2 km, thay vì sử dụng xe máy, tôi lựa chọn xe đạp để đi làm, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa hạn chế khí thải ra môi trường…”.

Tiên phong trong việc lan tỏa tiêu dùng xanh, nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã hạn chế sử dụng các loại bao bì khó phân hủy, khuyến khích khách hàng đến mua sắm sử dụng các loại túi giấy, túi vải để thay thế túi nilon; sử dụng ống hút tre, giấy thay cho ống hút nhựa… và coi đây là chiến lược kinh doanh dài hạn hướng tới sự phát triển bền vững, xây dựng cuộc sống xanh.

Điển hình như hệ thống Siêu thị Co.op Mart đã triển khai gói các sản phẩm rau, củ bằng lá chuối thay cho túi nilon; 100% túi đựng hàng cho khách đều được sử dụng bằng chất liệu tự phân hủy.

Cùng với đó, siêu thị khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại túi có chất liệu thân thiện với môi trường như túi giấy, túi môi trường, túi vải… sử dụng nhiều lần khi mua sắm.

100% cán bộ, nhân viên siêu thị tuân thủ quy định mua sắm hàng hóa bằng túi có chất liệu thân thiện với môi trường; hạn chế tối đa việc sử dụng ống hút nhựa, chai nước lọc bằng nhựa và các sản phẩm nhựa dùng một lần…

Có thể thấy, “sống xanh” được thể hiện từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống thường ngày như phân loại rác thải, hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa, lựa chọn phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường, tiết kiệm điện nước…

Những hành động tưởng chừng như nhỏ bé nhưng với sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng sẽ tạo nên những thay đổi lớn đối với môi trường. Và chính con người được hưởng lợi từ sự thay đổi tích cực đó, chúng ta sẽ có một không gian sống trong lành, sức khỏe được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên.

Do đó, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền và nhân rộng những mô hình hay, việc làm tốt trong thực hiện lối “sống xanh”, tạo sức lan tỏa trong nhân dân, góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng xanh-sạch-đẹp.