Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa

BVR&MT – Văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển, nền tảng của xã hội. Do đó, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa luôn là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM của Quảng Ninh, qua đó, góp phần xây dựng những vùng quê đáng sống với cuộc sống nhân dân sung túc, diện mạo nông thôn đổi mới.

Nhà văn hóa xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) được xây dựng khang trang.

Chú trọng đầu tư

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, tỉnh đã phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 921/QĐ-UBND ngày 14/4/2022 của UBND tỉnh).

Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa – thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh; lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao đơn giản tại nhà văn hóa. Đồng thời, xây dựng mô hình điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm văn hóa thể thao” ở tất các các địa phương. Đến nay, 100% số xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao về đều đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa.

Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao đã và đang được đầu tư, đưa vào sử dụng và trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành điểm du lịch hấp dẫn như: Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao xã Bằng Cả (TP Hạ Long), khu văn hóa, thể thao dân tộc Tày (huyện Tiên Yên), làng người Dao thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái)…

Bằng các nguồn lực đầu tư, tỉnh đã đầu tư một số công trình mang tầm quốc gia với kiến trúc hiện đại, quy mô, tạo điểm nhấn như: Bảo tàng Quảng Ninh, SVĐ Cẩm Phả, Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh…

Việc bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế – xã hội đã được thực hiện quyết liệt, bài bản, đạt được kết quả quan trọng. Tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học và xếp hạng 25 di tích gồm di tích quốc gia đặc biệt, quốc gia, tỉnh. Đặc biệt, đã tổng rà soát, phát hiện, củng cố, xây dựng hồ sơ, thuyết trình được Thủ tướng Chính phủ công nhận 13 bảo vật quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức kiểm kê lập 28 hồ sơ di tích bổ sung vào danh mục di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Hiện Quảng Ninh đang triển khai hoàn thiện đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn), Thiên Long Uyển (TX Đông Triều), đình Trà Cổ (TP Móng Cái).

Thực hiện quy hoạch về bảo tồn và phát triển văn hóa DTTS, tỉnh đã lựa chọn 4 thôn, bản thực hiện bảo tồn, phục vụ phát triển du lịch gồm: Bản dân tộc Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, TP Hạ Long), bản Nà Ếch (xã Húc Động, huyện Bình Liêu), bản Lục Nà (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu), làng truyền thống người Sán Dìu (xã Bình Dân, huyện Vân Đồn).

Các nhà khoa học khảo sát mặt bằng khảo cổ tại di tích Thiên Long Uyển, hiện đang được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Phan Hằng

Xây dựng nông thôn văn minh

Quảng Ninh luôn xác định thực hiện chương trình xây dựng NTM với người dân nông thôn là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển; mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn theo tiêu chí của hạnh phúc; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn, gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Quảng Ninh.

Trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị. Trong đó, tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa – lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững.

Tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện theo phát triển văn hóa hướng đa dạng, chuyên nghiệp, không mang tính cạnh tranh lẫn nhau, mà phải có tính liên kết, kết nối chặt chẽ thông qua sự hấp dẫn của những sản phẩm đặc thù, đặc trưng riêng, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển…

Tỉnh chú trọng triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, gắn với thực hiện xây dựng NTM. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp xã, thôn trên địa bàn toàn tỉnh; đổi mới các nội dung chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân; phát huy chủ thể người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng.

Cùng với đó, triển khai hiệu quả đề án khôi phục bảo tồn 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, thành lập các CLB tuyên truyền, giảng dạy, giáo dục văn hóa dân tộc, xây dựng đề án phát triển du lịch gắn với văn hóa địa phương. Từ đó, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân vùng nông thôn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.