Phú Yên: Tìm hướng phát triển bền vững cho lâm nghiệp

BVR&MT – Tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh tháo gỡ nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp trồng và kinh doanh gỗ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020…

Ngành lâm nghiệp Phú Yên kiểm tra rừng trồng gỗ lớn của một hộ dân ở huyện Đồng Xuân. ảnh: NHẬT HUY

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết: Tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn, từ đó tạo giá sản phẩm giá trị cao, cải thiện kinh tế cho người trồng và môi trường. Dù còn một số khó khăn, nhưng chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp có sự đầu tư công nghệ hiện đại, phát triển theo hướng chuyên sâu, bền vững để cùng với người dân phát triển kinh tế rừng trồng.

Theo thống kê, tỉnh Phú Yên có diện tích tự nhiên là 502.596,03 ha, diện tích có rừng 253.671,95 ha, trong đó, rừng tự nhiên là 126.974,68 ha, rừng trồng là 126.697,27 ha (bao gồm 3.012,19 ha rừng cao su). Mặc dù kết quả trồng rừng của các doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đạt được rất đáng ghi nhận, nhưng sản xuất lâm nghiệp vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Diện tích rừng trồng gỗ lớn còn khiêm tốn, đạt khoảng 2.553,57 ha; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC: 11.757,85 ha; diện tích rừng trồng khai thác bình quân năm: 3.500 ha/năm, sản lượng khai thác bình quân năm trên 300.000 m3/năm.

Bên cạnh đó, việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp còn hạn chế; cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân. Diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp, hiện chưa trồng rừng khoảng 55.400 ha, người dân trồng rừng ở địa hình đồi dốc cao, chưa được đầu tư để phát triển rừng.

Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động chế biến gỗ rừng trồng đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ chế biến chưa sâu, chủ yếu sản xuất sản phẩm thô tiêu thụ thị trường nội địa là chính, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh không trực tiếp xuất khẩu, chỉ một số ít ủy thác xuất khẩu, nhưng chủ yếu các loại sản phẩm là dăm và viên nén. Mặt khác, giá gỗ nguyên liệu sau khi khai thác, vận chuyển đến nhà máy thấp, chi phí lại cao nên rất khó khăn trong tiêu thụ đầu ra của sản phẩm.

Qua đó cho thấy ngành lâm nghiệp Phú Yên vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.

Ngành lâm nghiệp Phú Yên kiểm tra rừng trồng gỗ lớn của một hộ dân ở huyện Đồng Xuân. ảnh: NHẬT HUY

Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển

Ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Yên đang tập trung mở rộng quy mô trồng rừng gỗ lớn đạt khoảng 10% tổng diện tích rừng trồng bình quân hàng năm; phấn đấu đến hết năm 2025, cả tỉnh Phú Yên trồng đạt và vượt 15 triệu cây xanh.

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động trồng rừng, chế biến gỗ rừng trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên đang xem xét việc đẩy mạnh việc thành lập các tổ tư vấn, phối hợp với địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu được các giá trị về trồng rừng gỗ lớn, các tiêu chí đáp ứng chứng chỉ FSC, hướng tới nâng cao giá trị các sản phẩm từ rừng trong trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng và chế biến lâm sản tại tỉnh Phú Yên mong muốn các cơ quan chức năng tìm cách thao gỡ khó khăn để các hoạt động được thuận lợi.
Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Rất hoan nghênh các doanh nghiệp liên kết hợp tác với các Ban Quản lý rừng như: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh… để khai thác phát triển loại rừng mà các đơn vị này giao khoán cho dân. Còn đối với rừng sử dụng ngân sách Nhà nước, phải thông qua đấu giá khi khai thác, hiện tại đang chờ những thay đổi về cơ chế chính sách, phù hợp với thực tiễn. Những thông tin cần làm rõ hơn, các công ty doanh nghiệp có thể liên hệ với Chi cục Kiểm lâm Phú Yên để được hướng dẫn chi tiết..

Một số doanh nghiệp có nhu cầu phát triển diện tích rừng trồng mong muốn được hợp tác với các Ban Quản lý rừng phòng hộ tại các địa phương.

Bà Châu Thị Hà, đại diện Công ty TNHH Á Châu cho biết: Chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, khai thác rừng gỗ lớn, nhưng người nông dân cũng đóng vai trò quan trọng cho chuỗi phát triển này. Muốn có chứng chỉ FSC để nâng cao giá trị sản phẩm, một trong những tiêu chí là người trồng rừng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là điều rất quan trọng trong thời gian tới. Không có tiêu chí này, doanh nghiệp không thể thu mua của người dân.

 

NGUỒNbaotintuc.vn
Tags: ,
CHIA SẺ