Phú Thọ kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ

BVR&MT – Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 dự án chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài. Đây là các dự án thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.

Nhà máy cán thép liên hoàn Sông Hồng được đầu tư nhiều năm nhưng vẫn chưa hoạt động gây lãng phí khiến người dân bức xúc.

Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các thủ tục xử lý theo quy trình phá sản doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động đối với các dự án.

Trong đó có dự án Khách sạn Bãi Bằng, huyện Phù Ninh; Nhà máy xi-măng Hữu Nghị tại Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì; Nhà máy sản xuất phôi thép liên hoàn và Nhà máy cán thép liên hoàn Sông Hồng tại Cụm công nghiệp Bạch Hạc, thành phố Việt Trì.

Các đơn vị liên quan thực hiện hoàn thiện thủ tục thu hồi các dự án: Dự án trồng hoa màu và nuôi trồng thủy sản ở phường Bến Gót và khách sạn Đại Hà, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì; Khu du lịch Xuân Sơn, huyện Tân Sơn; Khu nông nghiệp công nghệ cao H2, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba.

Đồng thời, các đơn vị tiếp tục tăng cường giám sát, hỗ trợ giải quyết dứt điểm các tồn tại đối với dự án Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh và Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Thanh Thủy.

Tỉnh Phú Thọ yêu cầu nhà đầu tư chấp hành nghiêm các chỉ đạo của tỉnh về hoàn thiện các thủ tục liên quan, chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung thanh tra, kiểm tra, đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế đối với hoạt động của dự án.

Ngoài ra, các đơn vị cần đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng và Khu đô thị mới Tây Nam, thành phố Việt Trì.

Nhà máy xi-măng Hữu Nghị tại Khu công nghiệp Thụy Vân đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng.

Trong đó xây dựng phương án, thủ tục cưỡng chế bắt buộc; yêu cầu nhà đầu tư cam kết, chuẩn bị nguồn lực giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án.

Các sở, ban, ngành tiến hành đôn đốc tiến độ đầu tư, đồng thời giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai các dự án: Bệnh viện lão khoa Lạc Hồng tại huyện Thanh Thủy; Đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ talc tại huyện Tân Sơn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp, các sở, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình tiến độ, các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan tăng cường công tác hậu kiểm đối với các dự án sau chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ động kiểm tra, thanh tra làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, rõ phương án giải quyết và báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý, chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với từng dự án mà nhà đầu tư không thực hiện đầu tư, chậm tiến độ, không tuân thủ các quy định liên quan.

Riêng đối với nhóm các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, các đơn vị cần rà soát, đánh giá kỹ tình hình, tiến độ thực hiện, xác định rõ quy mô, thứ tự ưu tiên, bảo đảm phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; đề xuất chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động đối với các dự án chưa phù hợp các quy hoạch, vượt quá chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu nhà ở.

Các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập, chia, tách dự án, không xem xét việc chuyển nhượng dự án khi chưa hoàn thành việc đầu tư theo nội dung đã được chấp thuận.

Dự án khách sạn Đại Hà nằm trên khu đất vàng của TP Việt Trì nhiều năm bỏ hoang.

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện rà soát toàn bộ các dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập phương án ý tưởng đầu tư; chủ động thông báo chấm dứt việc nghiên cứu đối với những dự án đã hết thời hạn nghiên cứu, khảo sát.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của ngành, lĩnh vực; chủ động chỉ đạo hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án (nhất là thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường, giao thông, phòng cháy chữa cháy, thuế…); xử lý nghiêm, kiên quyết, kịp thời, dứt điểm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý vi phạm vượt thẩm quyền.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc hoạt động của các dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra các vi phạm của nhà đầu tư trên địa bàn quản lý mà không kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý; không kịp thời báo cáo, đề xuất xử lý các trường hợp vượt thẩm quyền, để phát sinh các vi phạm mới liên quan đến công tác quản lý dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đối với các dự án.