Phú Thọ: Đánh giá nguồn vốn của hoạt động sinh kế trồng quế tại xã Thượng Long, huyện Yên Lập

Tóm tắt – Hoạt động sinh kế trồng quế góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho các hộ gia đình trồng quế tại xã Thượng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, bên cạnh đó ngành trồng quế tại địa phương hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn như: Giá của các sản phẩm quế không ổn định, bị thương lái ép giá; khó khăn về việc mở rộng sản xuất do hạn chế về quỹ đất, thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ thuật.

Vì vậy, việc đánh giá tổng thể các nguồn vốn của hoạt động sinh kế trồng quế là cơ sở để nhận biết và giải quyết những khó khăn mà người dân trồng quế đang gặp phải. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong nghiên cứu này là 03 công cụ của PRA gồm khảo sát trực tiếp, phỏng vấn sâu có định hướng và khảo sát định lượng bằng bảng hỏi. Bảng hỏi được thiết kế theo một cách thức để có thể xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 24.0. Kế quả nghiên cứu được phân tích dựa vào khung sinh kế bền vững (DFID) đã cho thấy, cả năm nguồn vốn phục vụ cho hoạt động trồng quế là vốn tự nhiên, vốn tài chính, vốn vật chất, vốn con người và vốn xã hội đều chưa đủ để phát triển nghề trồng quế theo hướng bền vững hơn.

1. Đặt vấn đề

Thượng Long là một xã miền núi của tỉnh Phú Thọ, có tổng diện tích tự nhiên 2.829,65 ha, dân số 6.108 người, chủ yếu là dân tộc ít người. Thượng Long được coi là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ, với cơ cấu kinh tế nông, lâm, thủy sản là chủ yếu, mức thu nhập bình quân trên đầu người thấp.

So với những năm trước đây, xã Thượng Long không chỉ mở rộng diện tích trồng quế (Hiện nay diện tích trồng quế là 2.473 ha), mà còn đa dạng hóa sản phẩm từ quế (Bên cạnh sản phẩm chủ yếu là vỏ, gỗ, thì các cành nhỏ và lá quế được sử dụng để chưng cất tinh dầu quế). Các chuyển biến tích cực này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, gia tăng giá trị sản xuất, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, việc trồng quế tại đây cũng đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức: Giá của các sản phẩm từ quế không ổn định; việc mở rộng sản xuất khó khăn do hạn chế về quỹ đất, thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ thuật… Bài báo, trình bày kết quả nghiên cứu thực trạng hoạt động sinh kế trồng quế thông qua các nguồn vốn sinh kế tại xã Thượng Long. Đây chính là cơ sở khoa học để đề ra các giải pháp phát triển nghề trồng quế theo hướng bền vững.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện trong tháng 6/2018 tại xã Thượng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ dựa trên các phương pháp sau:

Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA).
Khảo sát trực tiếp và phỏng vấn sâu người dân có định hướng nhằm thu nhập những thông tin sơ cấp.
Khảo sát định lượng bằng phiếu hỏi đối với 40 hộ dân trong độ tuổi lao động (26 đến 62 tuổi), thuộc 03 xóm (xóm Đồng Hù: 20,0%; xóm Đồng Chung: 52,5%; xóm Cảy: 27,5%), trong đó nam giới chiếm 65,0%, nữ giới chiếm 35,5%.

Phiếu hỏi được thiết kế theo cách thức có thể xử lý số liệu bằng SPSS 16.0.
Phương pháp xử lý, thống kê số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0.
Phương pháp tiếp cận dựa trên các nguồn vốn sinh kế (DFID, 2007): Nguồn vốn hay tài sản sinh kế là toàn bộ năng lực vật chất và phi vật chất mà con người có thể sử dụng để duy trì hay phát triển sinh kế, với 5 loại vốn chính: H – Nguồn vốn con người (Human Capital); N – Nguồn vốn tự nhiên (Natural Capital); S – Nguồn vốn xã hội (Social Capital); F – Nguồn vốn tài chính (Financial Capital); P – Nguồn vốn vật chất (Physical Capital (Hình 1).

Xây dựng khung sinh kế bền vững DFID, 2007.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

a. Hiện trạng trồng quế tại các hộ gia đình

Phần lớn các hộ tham gia khảo sát đều có thời gian trồng quế từ 6 năm trở lên (97,5%). Trong khi đó, các hộ mới bắt đầu trồng quế từ 5 năm trở lại đây có tỷ lệ rất thấp (2,5%).

Đối với xã Thượng Long, khoảng cách từ nơi sinh sống tới khu vực trồng quế của các hộ gia đình và địa hình bị chia cắt, khó khăn cho việc đi lại được coi là một trong những khó khăn cho hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác quế. Khoảng cách từ nơi ở đến khu vực trồng quế của các hộ gia đình chủ yếu là từ 6 – 10 km (47,5%), các hộ có khoảng cách từ nơi ở đến nơi trồng quế từ 3 – 6 km chiếm 32,5%, còn 20% số hộ gia đình có khoảng cách từ nơi ở tới khu vực trồng quế dưới 3km.

Quế Đơn thân (Cinamomum cassia BL.) là loài quế chủ yếu được trồng ở xã Thượng Long, với quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nên sản lượng khai thác trung bình mỗi lần không cao (Sản lượng khai thác thường chỉ đạt 5-30 tấn).

Kết quả khảo sát 40 hộ gia đình cho thấy, mức thu nhập của các hộ gia đình từ mỗi lần khai thác quế có sự dao động lớn (128 triệu VND đến 1.440 triệu VND). Trong đó, có 30 hộ có thu nhập từ 128 triệu vnđ đến 350 triệu VND (74,2% tổng số hộ). Có 7 hộ có thu nhập từ 350 triệu VND đến 900 triệu VND (18% tổng số hộ). Chỉ có 3 hộ có thu nhập từ 900 triệu VND đến 1.440 triệu VND (7,8% tổng số hộ).

Khi các hộ gia đình trồng quế tự đánh giá về tình trạng tăng và giảm trong sản lượng thu hoạch quế trong những năm gần đây so với 5 năm trước, có tới 87,2% tổng số hộ đánh giá là sản lượng quế tăng. Chỉ có 12,8% trong tổng số hộ cho rằng sản lượng quế thu hoạch của họ giảm so với 5 năm trước.

Số các hộ gia đình không nấu tinh dầu quế là rất lớn chiếm tới 82,5%. Lý do là bởi số vốn bỏ ra quá lớn so với thu nhập của người dân và họ không dám mạo hiểm đầu tư. Hơn nữa, sản phẩm tinh dầu chế biến thủ công, không có thương hiệu thì rất khó cạnh tranh trên thị trường. Số hộ nấu tinh dầu quế chỉ chiếm 17,5%.

b. Hiện trạng các nguồn vốn của các hộ gia đình trồng quế

Vốn tự nhiên: Vốn tự nhiên bao gồm các nguồn tài nguyên có trong môi trường tự nhiên mà con người có thể sử dụng để thực hiện các hoạt động sinh kế.

Đối với xã Thượng Long, yếu tố quyết định đến quy mô sản xuất của các hộ gia đình trồng quế chủ yếu là diện tích canh tác. Phần lớn các hộ gia đình có từ 2 – 5 ha trồng quế (chiếm tỷ lệ 70% tổng số hộ). Các nhóm hộ gia đình khác có tỷ lệ dao động từ 2,5 – 15%). Mặc dù trên địa bàn xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nhưng diện tích đất phù hợp để trồng quế lại không nhiều. Đây là một trong những hạn chế cho việc mở rộng quy mô trồng quế tại địa bàn xã.

Vốn con người: Vốn con người bao gồm các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, khả năng lao động, sức khỏe, trình độ giáo dục mà những yếu tố này giúp con người thực hiện các chiến lược sinh kế khác nhau và đạt được các kết quả sinh kế khác nhau.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trình độ học vấn của các đối tượng khảo sát được chia làm 5 nhóm: Nhóm Trung học phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất (60%). Tiếp đó là nhóm Trung học cơ sở (17,5%), nhóm Trung cấp, học nghề (10,0%), nhóm Cao đẳng, đại học (7,5%). Nhóm có tỷ lệ thấp nhất thuộc về nhóm Tiểu học (2,5%). Nhìn chung, phần lớn các nhóm đối tượng này (đặc biệt là nhóm Trung cấp, học nghề và nhóm Cao đẳng, đại học) đều có thể đáp ứng khá tốt cho hoạt động trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến quế.

Nghề nghiệp chính của các đối tượng khảo sát chủ yếu nông dân chiếm tới 60% do ở đây là vùng nông thôn, người dân chủ yếu là người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Những người làm cán bộ, công chức chỉ chiếm 10%. Còn lại là những người buôn bán kinh doanh, dịch vụ, chiếm 30%. Tối đa trong một hộ gia đình là có 3 lao động trực tiếp tham gia vào hoạt đồng trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến quế.

Do đời sống nhân dân từng bước đã được cải thiện cho nên số hộ nghèo và hộ cận nghèo đã giảm đáng kể so với trước. Những người được khảo sát nằm trong nhóm hộ nghèo và cận nghèo chỉ chiếm 2,5%. Tiếp đến là tỷ lệ những hộ nằm trong diện chính sách chiếm 35%. Còn lại, chủ yếu là nhóm không nằm trong diện chính sách xã hội chiếm tới 52,5% .

Vốn vật chất: Vốn vật chất bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản hỗ trợ cho các hoạt động sinh kế.

Theo khảo sát không còn các hộ sử dụng nhà sàn và nhà tranh vách nứa nào thay vào đó đa số các hộ gia đình đã xây được nhà mái bằng (52,5%) và nhà cấp 4 (32,5%), trong đó vẫn còn 15% số hộ sử dụng nhà gỗ.

Các đồ đạc cần thiết trong nhà như ti vi, tủ lạnh, máy bơm nước, điện thoại di động… đều sẵn có ở nhiều hộ gia đình. Cũng đã có những hộ sử dụng điều hòa và máy tính có kết nối internet nhưng vẫn chiếm khá ít.

Những vật dụng sử dụng cho hoạt động trồng và sản xuất được các hộ gia đình sử dụng không nhiều, dao động từ khoảng 17,5% đến 30%. Lý do là sau khi thu hoạch quế các hộ đều bán cho thương lái ngay. Các hộ thu mua quế thì mới sử dụng đến nhà kho và xe chở hàng.

Vốn xã hội: Vốn xã hội bao gồm các mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội mà con người dựa vào để thực hiện các hoạt động sinh kế, chủ yếu bao gồm các mạng lưới xã hội (các tổ chức chính trị hoặc dân sự), thành viên của các tổ chức cộng đồng, sự tiếp cận thị trường…

Về các dịch vụ xã hội cơ bản, 100% các hộ tham gia khảo sát đều sử dụng điện và có 60% số hộ mua bảo hiểm y tế. Các hộ gia đình đều sử dụng nước giếng khoan nên số hộ sử dụng nước máy chỉ chiếm 5%.

Vì là nông thôn nên chủ yếu các hộ gia đình tham gia vào hội nông dân và hợp tác xã (trên 70%) còn lại các tổ chức hội đoàn khác ít tham gia hơn.

Là ngành trồng trọt mũi nhọn của xã nên việc trồng quế của các hộ gia đình được các tổ chức như hộ nông dân và hợp tác xã hộ trợ rất nhiều. Hội nông dân chiếm 55%, hợp tác xã chiếm tới 80%, còn lại các tổ chức khác.

Sự hỗ trợ của các tổ chức để phát triển ngành trồng quế chủ yếu là sự hỗ trợ về khoa học kĩ thuật giúp cho người dân hiểu biết hơn về cách chăm sóc, áp dụng các biện pháp kĩ thuật tiến bộ cho cây trồng (75% tỷ lệ đồng thuận). Bên cạnh đó sự hỗ trợ về vốn, tài chính của các tổ chức cho ngành trồng quế cũng khá cao giúp người dân có được nguồn vốn để mở rộng quy mô, phát triển ngành trồng quế (chiếm 51,3% tỷ lệ đồng thuận).

Vốn tài chính

Về thu nhập: Thu nhập hàng tháng của các hộ gia đình trồng quế tại xã Thượng Long dao động từ 3.000.000 đồng/tháng đến 20.000.000 đồng/tháng. Chia trung bình cho số lượng người trong hộ thì thu nhập bình quân theo đầu người/tháng dao động từ 600.000 đồng/người/tháng đến 5.000.000 đồng/người/tháng. Nhóm mức thu nhập của các hộ gia đình thành 3 nhóm. Cho thấy, có 42,4% các hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 3-8.000.000/tháng; có 39,4% các hộ gia đình có thu nhập từ hơn 8.000.000 đến 13.000.000/tháng; chỉ có 18,2% các hộ gia đình có tổng mức thu nhập từ hơn 13.000.000 đến 20.000.000/tháng (Hình 1).

Hình 1: Tỷ lệ nhóm thu nhập bình quân/tháng của các hộ gia đình trồng quế (%).

Về tích lũy

Đời sống của người dân xã Thượng Long nói chung còn thấp. Đối với các hộ trồng quế tham gia khảo sát, nếu chia trung bình cho số lượng người trong hộ thì thu nhập bình quân theo đầu người/tháng dao động từ 600.000 đồng/người/tháng đến 5.000.000 đồng/người/tháng. Do đó, mức độ tích lũy hàng năm còn thấp. Việc khảo sát mức độ tích lũy là rất quan trọng bởi nó thể hiện phần nào đời sống và mức tái đầu tư vào sản xuất cho các hộ gia đình.

Kết quả khảo sát thu được như sau: Về mức độ tích lũy hàng năm của các hộ tham gia khảo sát dao động từ 4.000.000 đến 24.000.000/hộ/năm. Chia mức tích lũy thành 03 nhóm ta được: nhóm các hộ gia đình tích lũy được từ 4 – 10.000.000 đồng/năm chiếm tỷ lệ cao nhất là 57,5%; nhóm các hộ gia đình tích lũy được từ hơn 10 – 17.000.000 đồng/năm chiếm tỷ lệ 17,5%; nhóm các hộ gia đình tích lũy được từ trên 17 – 24.000.000 đồng/năm chiếm tỷ lệ 25,0% (Hình 2).

Hình 2: Tỷ lệ nhóm mức tích lũy hàng năm của các hộ gia đình trồng quế (%).

Về đầu tư vào hoạt động trồng quế

Số hộ gia đình không vay vốn để đầu tư có tỉ lệ lớn hơn (52,5%) do trồng quế chưa phải là hoạt động sản xuất chính của người dân, chủ yếu những đồi quế có được là do được để lại từ xưa nên không chú trọng vào đầu tư trồng quế. Tuy nhiên, đối với một số hộ nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt xu hướng thị trường, đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm quế bằng nguồn vốn đi vay, tỷ lệ này chiếm 47,5% (Hình 3).

Hình 3: Tỷ lệ các hộ gia đình vay vốn để đầu tư sản xuất (%).

Trong tổng mức đầu tư vào hoạt động sản xuất, các hộ gia đình dành từ 10 – 50% tổng mức đầu tư cho hoạt động trồng quế. Cụ thể:
Mức đầu tư vào trồng quế chiếm 10% tổng mức đầu tư sản xuất là 6 hộ (15,0%);
Mức đầu tư vào trồng quế chiếm 20% tổng mức đầu tư sản xuất là 15 hộ (37,5%);
Mức đầu tư vào trồng quế chiếm 30% tổng mức đầu tư sản xuất là 13 hộ (32,5%);
Mức đầu tư vào trồng quế chiếm 50% tổng mức đầu tư sản xuất là 1 hộ (2,5%).

4. Kết luận

Trên địa bàn xã Thượng Long, có khoảng hơn 2.473 ha đất trồng quế, phần lớn các hộ đã có kinh nghiệm trồng quế từ 6 năm trở lên, bước đầu đem lại những chuyển biến tích cực cho thu nhập các hộ gia đình. Thu nhập từ trồng quế chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu thu nhập của các hộ gia đình. Thu nhập hàng tháng của các hộ gia đình trồng quế từ 3.000.000 đồng/tháng đến 20.000.000 đồng/tháng. Tính bình quân, trong một tháng, mỗi người thu nhập từ 600.000 – 5.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, nhiều nguồn vốn của hoạt động sinh kế trồng quế ở xã Thượng Long cũng còn nhiều hạn chế: Quy mô trồng quế của các hộ gia đình còn nhỏ (Chủ yếu là từ 2-5ha/ hộ), xa nơi dân cư, phát triển tự phát, thiếu định hướng trong quy hoạch. Vốn tài chính không có đủ để tái đầu tư sản xuất. Vốn xã hội chưa đủ để hỗ trợ hoạt động trồng quế, chế biến tinh dầu và bán sản phẩm. Vốn con người thì còn thiếu và yếu về các kiến thức khoa học kỹ thuật, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Tài liệu tham khảo

1. DFID (1999). Sustainable livelihoods guidance sheets. DFID, UK.
2. DFID (2007). Land: Better access and secure rights for poor people. DFID, UK.
3. Krantz, L. (2001). The Sustainable Livelihood Approach to Poverty Redution, SIDA.
4. UBND huyện Yên Lập (2018). Niên giám thống kê huyện Yên Lập năm 2017.
5. UBND xã Thượng Long (2018). Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2017; mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của UBND xã Thượng Long.


Đinh Thị Hà Giang
Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội
Hà Tuấn AnhHọc viện Nông nghiệp Việt Nam