Phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020

BVR&MT – Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản chỉ đạo số 5249/QĐ-BNN-TCCB ngày 28/12/2018 về kế hoạch: Tổ chức thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020”

Rừng càng ngày càng xanh tốt nhờ những chính sách hợp lý bảo vệ và phát triển rừng.

Theo kế hoạch, tập hợp và động viên sức mạnh của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản của Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,05%/năm; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha, năng suất rừng trồng bình quân đạt 20m/ha/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 11,0 tỷ USD; duy trì ổn định 25 triệu việc làm. Góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Đối tượng tham gia phong trào thi đua tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương; Các cơ quan nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ; các Vườn quốc gia, khu bảo tồn; các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp; Các Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm nghiệp; Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Trong đó, triển khai các phong trào thi đua được triển khai từ Trung ương đến cấp cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với thực tiễn, thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân tham gia, nhất là các tổ chức, cá nhân trực tiếp làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020:

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Gia Viễn, Ninh Bình.

Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và rừng được tạo mới trong giai đoạn 2016 – 2020. – Đảm bảo 15% diện tích hệ sinh thái rừng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng, đến năm 2020, tăng thêm khoảng 100.000 ha rừng đặc dụng. Số lượng các loài nguy cấp, quý, hiếm bị đe dọa tuyệt chủng và số lượng quần thể các loài được cải thiện.

Tăng cường năng lực thực thi pháp luật, giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm giảm 35% so với giai đoạn 2011 – 2015.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn cho gia đình chị Vi Thị Hiên, ở bản Lang, xã Trung Hạ.

Nâng cao năng suất, chất lượng rừng, trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác: 1.025.000 ha; trong đó: 75.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng: 200.000 ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn. Khoanh nuôi tái sinh rừng: 360.000 ha/năm. Trồng cây phân tán: 250 triệu cây. Chuyển hóa rừng trồng, kinh doanh gỗ nhỏ thành kinh doanh gỗ lớn: 90.000 ha.  Tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 80%.

Gỗ rừng trồng sẽ dần thay thế gỗ rừng tự nhiên.

Nâng cao giá trị lâm nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến gỗ thông qua việc hỗ trợ xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, các khu lâm nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ tại các vùng kinh tế trọng điểm. Tăng tỷ trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở, hạ tầng và dịch vụ trong lâm nghiệp, đặc biệt là hệ thống đường vận xuất, vận chuyển nhằm giảm chi phí trực tiếp cho các hoạt động trồng, khai thác, vận chuyển và chế biến sản phẩm từ rừng. Hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững: 100.000 ha rừng/năm, đảm bảo sản phẩm gỗ của Việt Nam đủ điều kiện đáp ứng được yêu cầu quốc tế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Chế biến lâm sản thành hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương có liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Hiệp hội, doanh nghiệp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua trong cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để phù hợp với một trong các nội dung ở trên.

Thời gian thực hiện, các tổ chức phát động phong trào thi đua vào dịp kỷ niệm 59 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam; Sơ kết phong trào thi đua: Trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (ngày 28/11/2019); Tổng kết phong trào thi đua: Cuối năm 2020, vào dịp tổng kết Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.


Văn Trì