Luật sư và bạn đọc: Những điều cần lưu ý trong Luật lâm nghiệp 2017

BVR&MT – Độc giả hỏi: Kể từ ngày 1/1/2019, Luật Lâm nghiệp 2017 bắt đầu có hiệu lực. Vậy những quy định nổi bật nào trong luật mà chúng ta phải chú ý?

Ảnh minh họa.

1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh; coi Lâm nghiệp là một ngành kinh tế – xã hội.

Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã mở rộng đến các lĩnh vực chế biến và thương mại, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế. Như vậy, Luật đã khẳng định lâm nghiệp là ngành kinh tế – xã hội có liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; khẳng định ngành Lâm nghiệp vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa phát huy giá trị xã hội là thích ứng với biến đổi khí hậu với đòi hỏi phải quản lý bền vững.

Với những quy định của Luật Lâm nghiệp 2017, chúng ta có thể hiểu rằng: Lâm nghiệp là một ngành kinh tế – xã hội đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.

2. Thay thế Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở 4 cấp bằng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia

Tại Khoản 2 – Điều 11 của Luật Lâm nghiệp 2017 đã quy định các nội dung quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có các nội dung về định hướng phát triển 3 loại rừng, kết cấu hạ tầng lâm nghiệp và phát triển thị trường, vùng nguyên liệu, chế biến lâm sản. Do đặc thù của ngành nên trong Luật Lâm nghiệp đã có các quy định về nguyên tắc, căn cứ, nội dung quy hoạch; trách nhiệm lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Mặc dù những nội dung này cũng đã được quy định chung trong Luật Quy hoạch 2017.

3. Thay đổi về chế định sở hữu rừng.

Nếu như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chỉ xác định quyền của Nhà nước đối với rừng. Chủ rừng chỉ có quyền sử dụng, sở hữu rừng khi được Nhà nước trao và công nhận thì Luật Lâm nghiệp 2017 đã quy định hai nhóm hình thức sở hữu rừng là: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Theo đó, rừng trồng sản xuất được đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, ai là người đầu tư thì sẽ là chủ sở hữu của rừng.

Việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn. Từ quan điểm về quyền sở hữu như vậy, một loạt chế định khác từ quản lý cho tới chế độ chính sách đối với các chủ rừng sẽ phải thay đổi.

4. Khẳng định việc giao đất giao rừng cho người dân.

Luật Lâm nghiệp 2017 đã khẳng định “Nhà nước bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất” (Khoản 6 – Điều 4).

Quy định trên của Luật Lâm nghiệp cũng thể hiện sự đột phá so với quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai 2013 là: “Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp”. “Tạo điều kiện” nghĩa là có điều kiện thì giao, không có điều kiện thì không giao, không mang tính bắt buộc.

5. Quy định chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 (Điều 27), việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được thực hiện khi “được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Luật Đất đai 2013 (Điều 58) cũng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất rừng phòng hộ, đặc dụng khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (với diện tích từ 20 ha trở lên) và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh (với diện tích dưới 20 ha), không đề cập đến việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, Luật Lâm nghiệp 2017 (Khoản 2 – Điều 14) khẳng định: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”. Quy định chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nhằm mục đích phát huy giá trị của từng loại rừng, đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

6. Quy định về dịch vụ môi trường rừng.

Luật Lâm nghiệp 2017 đã luật hóa Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua việc quy định cụ thể các loại dịch vụ, nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng; đối tượng, hình thức chi trả và quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng và bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Quy định về dịch vụ môi trường rừng là điểm rất mới của Luật Lâm nghiệp 2017, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng từ khai thác lợi ích trước mắt sang khai thác lợi ích tiềm năng của rừng; từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.

7. Quy định về chế biến và thương mại lâm sản.

Luật Lâm nghiệp 2017 đã quy định rõ chính sách phát triển lâm sản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, quản lý rừng bền vững, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới và các giải pháp tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản.

Luật cũng quy định việc chế biến mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và mẫu vật các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục của Công ước CITES. Quy định việc xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; ban hành tiêu chí, quy trình, thủ tục, thẩm quyền phân loại doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Quy định về chính sách phát triển thị trường lâm sản.

LS. Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Hãng Luật TGS.
Địa chỉ: Số 5, ngách 24, ngõ 1, Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, TP. Hà Nội – ĐT: 0918 368 772.
Email: contact@newvisionlaw.com.vn.