Phát huy tiềm năng du lịch sinh thái gắn với nâng cao ý thức bảo vệ rừng

BVR&MT – Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát đang triển khai Đề án phát triển du lịch sinh thái rừng, đi đôi với phát triển kinh tế vùng đệm, để có thể giảm áp lực vào việc khai thác tài nguyên rừng của người dân.

Cán bộ Đội quản lý Bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Xác định bảo vệ rừng là nhiệm vụ vừa lâu dài, vừa trước mắt, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh) đã tăng cường truyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, người dân thấy được vai trò quan trọng của rừng đối với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời xác định, bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân.

Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát đang triển khai Đề án phát triển du lịch sinh thái rừng, đi đôi với phát triển kinh tế vùng đệm, để có thể giảm áp lực vào việc khai thác tài nguyên rừng của người dân. Ông Tạ Ngọc Dân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát kiến nghị các ngành chức năng cần quan tâm, tạo điều kiện để đơn vị phát huy được tiềm năng du lịch sinh thái đi đôi với việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân nhìn nhận, với tổng diện tích trên 73.000 ha rừng, so với các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Ninh có diện tích rừng tương đối lớn. Để bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, cần có sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, bảo vệ môi trường rừng là nhiệm vụ quan trọng, phải được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm, lực lượng Kiểm lâm làm nòng cốt, cùng thực hiện.

Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp cho lực lượng giữ rừng và chủ rừng để người giữ rừng, trồng rừng sống được từ chính công việc của họ; mở rộng dịch vụ môi trường rừng, coi đây là nguồn thu bền vững, phục vụ tái đầu tư, nâng cao đời sống của người dân trực tiếp bảo vệ rừng.

Hiện nay, ngân sách đầu tư cho phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp; bảo vệ và phát triển rừng còn thấp so với các ngành, lĩnh vực khác, dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, bà Trần Thị Ngân Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng các phần mềm chuyên ngành và hệ thống định vị GPS thông qua việc ứng dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART).

Trên thực tế, công tác quản lý bảo vệ rừng của lực lượng Kiểm lâm, Ban Quản lý bảo vệ rừng và chủ rừng đang còn nhiều khó khăn. Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát Tạ Ngọc Dân cho biết, biên chế cho cán bộ Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách rất mỏng. Đơn vị đang quản lý 28 tiểu khu với hơn 73.272,53 ha rừng; trong đó chiều dài giáp với nước bạn Campuchia hơn 49 km. Do đó, việc quản lý tình trạng người dân qua lại biên giới hoặc xâm nhập trái phép vào rừng gặp nhiều khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tây Ninh đã xảy ra 70 vụ vi phạm quy định Luật Lâm nghiệp và lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích. Lực lượng chức năng đã tịch thu 7,579 m3 gỗ, 429 cá thể động vật rừng; thu giữ nhiều tang vật liên quan đến xâm hại rừng. Trong đó, ngành Kiểm lâm đã điều tra, xử lý 50 vụ, xử phạt hành chính và thu nộp ngân sách trên 274 triệu đồng.