Phấn đấu rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt 1 triệu ha

BVR&MT – Bộ NN&PTNT vừa ban hành Kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 – 2030”. Theo đó, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500 nghìn ha và phát triển mới giai đoạn 2024 – 2030 khoảng 450 nghìn – 550 nghìn ha.

Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC tại xã Văn Hán (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng diện tích rừng trồng keo hiện nay ở Việt Nam là hơn 1 triệu ha (chiếm hơn 30% tổng diện tích rừng trồng toàn quốc) và là nguồn nguyên liệu chính cho các ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, ván nhân tạo, dăm gỗ và sản xuất đồ gỗ phục vụ xuất khẩu.

Keo là một trong những loài cây lấy gỗ được trồng nhiều tại Việt Nam nhờ sinh trưởng nhanh, thường đạt khoảng 90m3 gỗ tròn sau 6 năm. Nếu người dân không khai thác gỗ non mà để lại chăm sóc thêm 5 – 6 năm nữa, trở thành rừng gỗ lớn mới khai thác, khi đó trữ lượng gỗ sẽ tăng gấp đôi, giá bán cũng cao gấp 2 – 3 lần.

Keo là loại cây khá điển hình trong trồng rừng hiện nay, theo tính toán của ngành lâm nghiệp, người trồng rừng gỗ nhỏ phải 2 lần đầu tư, với chi phí trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha, thì rừng gỗ lớn chỉ cần đầu tư 1 lần, với tổng chi phí trung bình khoảng 40 triệu đồng/ha, chu kỳ trồng rừng gỗ lớn tuy gấp đôi, nhưng hiệu quả kinh tế lại cao gấp 2 – 3 lần rừng gỗ nhỏ.

Từ trước đến nay việc trồng rừng gỗ nhỏ vẫn được người dân thực hiện bởi nhu cầu tài chính trước mắt và do thói quen canh tác. Tuy nhiên tới đây với sự rộng mở về thị trường tín chỉ Carbon sẽ tạo ra lợi thế kinh tế lớn cho những người trồng rừng gỗ lớn.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trên cơ sở áp dụng phương pháp của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), lượng carbon được hấp thụ bởi rừng nghèo khoảng 30 – 140 tấn/ha, rừng trung bình trong khoảng 175 – 320 tấn/ha và rừng giàu trong khoảng 480 – 1.000 tấn/ha. Ngoài ra, rừng nguyên sinh có khả năng lưu giữ carbon nhiều hơn khoảng 60% so với rừng trồng. Để thu hẹp khoảng cách này, những nhà khoa học khuyến cáo người dân tăng cường trồng rừng gỗ lớn.

Trong năm 2023, Việt Nam lần đầu bán được hơn 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành lâm nghiệp có thể tham gia thị trường tín chỉ carbon thế giới. Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT nhận định: “Phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam lúc này là phù hợp. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn và bắt kịp với xu hướng tăng trưởng xanh của thế giới, đồng thời giúp người dân có thêm nguồn thu”.

Lâm nghiệp là lĩnh vực đang phát thải âm và được đánh giá là có nhiều tiềm năng để thực hiện trao đổi, chuyển nhượng hay thương mại hóa tín chỉ carbon rừng.

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp nhận định, khi giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon, các chủ rừng sẽ có thêm động lực để tiếp tục giữ rừng, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, họ còn được nâng cao nhận thức về giá trị của rừng và ngày càng có trách nhiệm hơn, cũng như hình thành tư duy sản xuất, quản trị rừng chuyên nghiệp hơn, từ bỏ dần thói quen xâm hại rừng.

Hậu Thạch