Nông nghiệp vững vàng vượt sóng về đích

BVR&MT – Năm 2021, vượt lên khó khăn, bằng nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt của ngành chức năng, sự nỗ lực thích ứng của nông dân, doanh nghiệp, HTX, nông nghiệp Ninh Bình vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng 2,87%, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Thu hoạch ngao tại vùng biển Kim Sơn.

Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Sở Nông nghiệp & PTNT Đinh Văn Khiêm cho biết: Năm nay là năm thuận lợi nhất với ngành về thời tiết so với những năm gần đây. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông, tiêu thụ nông sản và khiến giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao chưa từng thấy. Không chỉ vậy, ngành Nông nghiệp còn phải “gồng mình” chống chọi với dịch cúm gia cầm, viêm da nổi cục ở trâu, bò; bệnh tả lợn châu Phi chưa được khống chế dứt điểm.

Tuy nhiên, đến cuối năm, giá trị sản xuất toàn ngành vẫn đạt trên 9.469,7 tỷ đồng, tăng 2,87% so với năm 2020 (đạt 168,8% so với kế hoạch); chỉ tiêu các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đều vượt kế hoạch; giá trị 1ha canh tác đạt 143,2 triệu đồng (vượt 3,2 triệu đồng so với kế hoạch, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020).

Trên lĩnh vực trồng trọt, với việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến; từng bước tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát tốt dịch hại, nên sản lượng các loại nông sản dồi dào đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Cơ cấu sản phẩm tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi.

Riêng cây lúa, mặc dù diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất trung bình đạt đỉnh cao mới, ước khoảng 61,22 tạ/ha, cao hơn 0,16 tạ/ha so với năm 2020. Sản lượng lúa đạt 443,8 nghìn tấn, tăng 0,8 nghìn tấn so với năm 2020. Đặc biệt, diện tích lúa nếp, đặc sản, chất lượng cao tiếp tục được mở rộng, đạt 52 nghìn ha, chiếm 72,5% tổng diện tích, tăng 1,3 nghìn ha so với năm 2020.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh và biến động thị trường: bệnh viêm da nổi cục trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện và gây bệnh ở tất cả các địa phương trong tỉnh; dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trở lại, giá thức ăn chăn nuôi tăng kỷ lục nhưng Sở Nông nghiệp & PTNT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo sản xuất và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, khống chế dịch.

Nhờ vậy, đến nay, chúng ta đã công bố hết dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng đang từng bước được khống chế. Đặc biệt, do công tác tái đàn được đẩy mạnh, nên tổng đàn lợn hơi đã đạt 273,1 nghìn con, bằng khoảng trên 85% so với thời điểm xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi tháng 3/2019. Trong khi giá trị ngành hàng thịt lợn chiếm 65-70% giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi, nên đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành này lên 5,7%.

Với thủy sản, tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, khẳng định là mũi nhọn của ngành Nông nghiệp, phát triển mạnh cả về nuôi trồng và khai thác, cả nước ngọt và mặn lợ. Diện tích nuôi đạt trên 14,7 nghìn ha, trong đó nuôi nước ngọt là 10,8 nghìn ha, mặn lợ là 3,9 nghìn ha. Do chuyển đổi mạnh từ hình thức nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh năng suất cao; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 vụ/ năm trong nhà bạt vùng Kim Sơn được khuyến khích mở rộng nên sản lượng nuôi trồng tăng nhanh, đạt 56,7 nghìn tấn (tăng 8,4% so với năm 2020). Cộng với sản lượng khai thác 6,6 nghìn tấn, tính chung sản lượng thủy sản năm 2021 của tỉnh ta đạt 63,3 nghìn tấn, giá trị 1.984,7 tỷ đồng (tăng 5,3% so với năm 2020).

Từ đại dịch, có thể thấy ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc nguồn cung lương thực, thực phẩm, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn. Có được kết quả đó là nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, hiệu quả ngay từ đầu năm của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, đầu tư hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cao nên đã tạo môi trường thuận lợi, tăng niềm tin, phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của bà con nông dân và sự hăng hái của các doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất gắn với thị trường; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tuy nhiên, cũng như các ngành, lĩnh vực khác, Nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, khó tránh khỏi, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường rồi dịch bệnh khiến việc lưu thông, tiêu thụ bị ảnh hưởng. Việc liên kết sản xuất giữa người dân và các doanh nghiệp trong tỉnh chưa nhiều, chưa chặt chẽ. Giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh, làm cho lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp không tương xứng với giá trị tăng trưởng của ngành.

Năm 2022, nông nghiệp Ninh Bình đề ra mục tiêu, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt từ 2% trở lên; giá trị trên 1ha canh tác đạt từ 148 triệu đồng.

Theo đó, giải pháp trọng tâm được ngành đưa ra là: Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm chủ lực theo tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp. Bao gồm: lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, dứa và rau quả ứng dụng công nghệ cao, trâu, bò, lợn, gia cầm, trứng gia cầm, cá nước ngọt, tôm, ngao, giống nhuyễn thể (ngao, hàu), môi trường rừng, gỗ, sản phẩm ngoài gỗ. Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn. Phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông nghiệp du lịch. Nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phát triển công nghiệp chế biến và tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Tìm cách đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân và nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.