Nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp nhìn từ cách xử lý rơm rạ

BVR&MT – Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 47 triệu tấn rơm rạ được tạo ra từ sản xuất lúa nhưng mới khoảng 30% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót…

Sau khi rơm được ủ làm nấm rơm, người dân sẽ tận dụng để phủ gốc cây, tạo dinh dưỡng cho đất. (Ảnh: TTXVN)

Hiện nay, rơm rạ là nguồn sinh khối chứa chất hữu cơ và dinh dưỡng chưa được tận dụng triệt để 70% được người dân đốt hoặc vùi vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ sau.

Các tồn tại này vừa lãng phí tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học. Những vấn đề trên có thể được giải quyết thông qua giải pháp nông nghiệp tuần hoàn dựa trên việc thu gom rơm rạ khỏi ruộng và sử dụng hợp lý để tạo ra các sản phẩm như: Nấm rơm, thức ăn cho gia súc, phân bón sinh học, nhựa sinh học…

Lợi ích của thu gom rơm rạ làm giảm ô nhiễm, giảm lượng khí thải các-bon, cải thiện đa dạng sinh học và tính bền vững cho sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, nông dân trồng lúa sẽ tăng thu nhập từ bán rơm, tăng giá trị của thị trường gạo cao cấp và tín chỉ các-bon. Ðối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ bảo đảm tiêu chuẩn gạo đáp ứng các thị trường cao cấp. Người tiêu dùng có thêm thực phẩm an toàn.

Nhưng với việc áp dụng máy gặt đập liên hợp gần 100% ở đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay, rơm được rải ra trên đồng khó thu gom thủ công, vì vậy bà con nông dân cần cơ giới hóa thu gom.

Nhằm khắc phục tình trạng này, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành “Quy trình quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Quy trình quản lý rơm rạ được xây dựng theo định hướng nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, tăng thu nhập và đa dạng sinh kế cho nông dân và các tác nhân liên quan.

Ðặc điểm của quy trình phù hợp, gắn kết với việc sản xuất lúa bền vững, chất lượng cao, phát thải thấp và tích hợp đa giá trị ở đồng bằng sông Cửu Long; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới như: Cơ giới hóa thu gom rơm ướt và rơm khô; cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm; tích hợp cơ giới hóa với công nghệ vi sinh để nâng cao hiệu quả quy trình và tạo điều kiện mở rộng quy mô áp dụng; phù hợp cho nhiều đối tượng áp dụng gồm: Nông dân, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp.

Theo thống kê, việc thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng có thể giảm phát thải đến 30% so với cày vùi rơm trong ruộng ngập nước. Vì vậy, việc di chuyển rơm rạ khỏi đồng là rất cần thiết để bảo đảm có nguồn nguyên liệu sử dụng cho các mục đích khác trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.

Ðể thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ theo hướng tuần hoàn và phát thải thấp, bà con nông dân không đốt rơm và vùi rơm rạ thô trong điều kiện ngập nước để giảm phát thải khí mê-tan; khi thu hoạch, để gốc rạ có chiều cao thấp hơn 20 cm.

Khi thu gom, cần lấy rơm khô và chất lượng cao, không bị mốc chế biến làm thức ăn cho trâu, bò; rơm khô và chưa bị phân hủy nên được thu gom trồng nấm rơm. Bã nấm rơm, chất thải từ động vật và các chất thải hữu cơ khác nên được sử dụng làm phân bón hữu cơ. Khi sản xuất phân hữu cơ và giá thể từ rơm có thể sử dụng rơm khô hoặc ướt.

Nhưng rơm khô nếu bảo quản trong thời gian dài cần tránh mưa, nắng để không làm giảm chất lượng rơm và tránh bị nấm mốc; rơm ướt cần đưa vào sản xuất ngay không để lâu.

Ngoài ra, rơm có thể được sử dụng trực tiếp (rơm khô hoặc rơm ướt) để phủ dưới tán cây ăn quả và trên luống rau. Việc này giúp ức chế cỏ nảy mầm, kiểm soát cỏ dại bề mặt, giảm thiểu sử dụng thuốc diệt cỏ; giữ ẩm cho đất, hạn chế thoát hơi nước trong mùa khô và chống xói mòn, rửa trôi đất bề mặt, thoát nước tốt vào mùa mưa, điều chỉnh dao động nhiệt độ đất không gây tác động xấu đến cây trồng; duy trì độ tơi xốp cho đất; khi phân hủy hoàn toàn, rơm sẽ cung cấp lại nguồn hữu cơ cho đất, hệ vi sinh vật vùng rễ cây.

Quy trình quản lý rơm rạ được xây dựng theo định hướng nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, tăng thu nhập và đa dạng sinh kế cho nông dân và các tác nhân liên quan.
NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ