Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn

BVR&MT – Sau 5 năm triển khai, phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững; môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp” đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ; góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.

Mô hình trồng nho hạ đen theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Phạm Văn Quỳnh thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng (Yên Lạc) cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Luôn mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, anh Phạm Văn Quỳnh, ở thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng (Yên Lạc) đã mạnh dạn trồng 2.000 cây nho Hạ đen theo tiêu chuẩn VietGAP; đây là mô hình trồng nho Hạ đen lớn nhất trên địa bàn tỉnh.

Để quả nho có độ ngọt và an toàn, năm 2019, anh Quỳnh đầu tư trang trại khá bài bản, khoa học, có hệ thống nhà giàn, mái che, hệ thống tưới nước nhỏ giọt với diện tích 7.000 m2; sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, đảm bảo cây luôn được chăm sóc đúng kỹ thuật.

Với cách làm này, năm 2020, vườn nho cho thu hoạch 2 vụ quả, với khoảng 8 tấn/năm, khi bán ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Với quy trình chăn nuôi khép kín, ứng dụng KHKT vào quá trình chăn nuôi, trang trại nuôi lợn của anh Vũ Hoàng Lân, xã An Hòa (Tam Dương) không chỉ tạo ra nguồn thịt đảm bảo chất lượng, giúp gia tăng hiệu quả kinh tế mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Với diện tích 2.000 m2, nằm tách biệt hoàn toàn với khu dân cư, được thiết kế khoa học, phân khu riêng biệt, thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng bệnh, trang trại có 4 khu vực gồm: Chuồng bầu, chuồng đẻ, cai sữa và khu chuồng nuôi thương phẩm. Khu chuồng nuôi được trang bị hệ thống thông gió, hệ thống sưởi ấm, hệ thống làm mát, luôn sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo môi trường xung quanh.

Xác định vai trò, tầm quan trọng của phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững; môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp” đối với phát triển KT-XH và nâng cao chất lượng cuộc sống ở nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tạo ra nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm với chất lượng ngày càng được nâng lên phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Triển khai các chương trình, dự án, xây dựng mô hình sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ; tổ chức các hoạt động về bảo vệ môi trường nông thôn; vận động nông dân ký cam kết thực hiện 03 không “Không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục”.

Trong 5 năm (2017-2021), toàn tỉnh có gần 54.000 hộ hội viên nông dân ký cam kết áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường; hơn 78.000 hộ hội viên nông dân đăng ký hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; hơn 120.000 hộ hội viên nông dân thu gom rác thải đúng nơi quy định, trên 93.000 hộ hội viên nông dân tham gia hoạt động ngày nông dân Vĩnh Phúc vì môi trường.

Nhằm tạo ra nhiều nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp Hội đã xây dựng các mô hình điểm của nhóm nông dân liên kết như:

Chăn nuôi gia súc “4 không – 2 sạch” (không chất tạo nạc, không thuốc tăng trọng, không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm; sạch vật nuôi, sạch chuồng trại) tại xã Lãng Công; chăn nuôi gia cầm “3 không – 2 sạch” tại xã Nhạo Sơn; “4 đúng” trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y (đúng chủng loại, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách, đúng thời gian cách ly) tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô.

Sản xuất và hướng tới xây dựng thương hiệu rau hữu cơ Vĩnh Phúc, quy mô 5 ha tại xã Định Trung (Vĩnh Yên); chuỗi chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Nguyệt Đức (Yên Lạc); sản xuất 3 giống lúa mới có chất lượng tốt, hạn chế sâu bệnh và sản lượng cao như: Sơn Lâm 2, TT96, VT18 của Kỹ sư Phùng Quang Vinh ở phường Hội Hợp (thành phố Vĩnh Yên)….

Các mô hình đã nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phát huy thế mạnh mỗi vùng, địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản, hàng hóa.

Theo đại diện Hội Nông dân tỉnh, qua 5 năm triển khai phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững; môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp”, xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo như:

Mô hình cộng đồng dân cư “3 xanh- 3 sạch- 3 đẹp” (xanh vườn nhà, xanh hàng rào, xanh đường làng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch đường; đẹp nhà, đẹp xóm, đẹp làng) tại xã Đôn Nhân (Sông Lô); tuyến đường nông dân tự quản tại các xã: Hợp Châu, Tam Quan, Đại Đình (Tam Đảo), Hoàng Hoa (Tam Dương).

Hình thành hơn 100 tổ thu gom và xử lý rác thải ở các chi hội, tổ hội; ngày hội viên nông dân tham gia vệ sinh môi trường; thu gom trên 100 tấn rác thải, khơi thông hơn 13.500 m cống rãnh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp an toàn và giữ gìn bảo vệ môi trường.

Duy trì công tác vệ sinh tại tổ dân phố, các trục đường chính; nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phân loại và xử lý rác thải ngay tại gia đình, khu dân cư; xây dựng các mô hình vệ sinh môi trường thu gom xử lý chất thải, sử dụng hợp lý phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật.