BVR&MT – Sau 10 năm sát nhập về Thủ đô, những vùng đất cũ đã có sự “thay da đổi thịt” rõ nét. Những mô hình kinh tế hộ gia đình, mô hình sinh thái trồng hoa, trồng rau, cây cảnh… đã đem đến một diện mạo nông thôn mới cho những vùng “đất khó”…
Trang trại trồng rau, nuôi lợn lớn nhất Thủ đô
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi lợn rừng, sản xuất giun quế và trồng rau hữu cơ mang nhãn hiệu rau sạch Đại Ngàn của trang trại Hoa Viên, thuộc xã Yên Bình và Yên Trung (là 2 trong 3 xã miền núi của tỉnh Hòa Bình được sáp nhập về Hà Nội cách đây 10 năm), chị Trương Kim Hoa, chủ trang trại không giấu được sự phấn khởi và tự hào với những gì đang có. Nói về ý tưởng hình thành vùng trồng rau hữu cơ đầu tiên của Hà Nội, chị Hoa cho biết, chị từ bỏ chốn đô thị phồn hoa náo nhiệt để đến với giấc mơ biến vùng đất hoang vu thành vựa rau hữu cơ đầu tiên của Thủ đô từ năm 2003. Ngày đó, ít người dám tin là chị sẽ thành công khi biến những vạt đồi rừng trơ trụi được bao phủ một sắc xanh đầy sức sống của các loại rau như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, đến năm 2008 khi xã Yên Bình sát nhập về Hà Nội, được sự định hướng và giúp đỡ của chính quyền địa phương, trang trại đã chuyển đổi mô hình thành công ty và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa theo phương pháp hữu cơ. Với hơn 60 ha đất bao trọn quả đồi, gia đình chị mạnh dạn tổ chức chăn nuôi lợn rừng quy mô lớn. Từ đó, lấy phân bón hữu cơ để nuôi giun quế và tiếp tục tận dụng phân chuồng hoại mục, được xử lý vệ sinh để chăm bón cây trồng.
Thông tin về đàn lợn rừng sinh sản với hơn 1.000 con, chị Hoa cho biết, mỗi năm trang trại cung cấp cho thị trường hơn 10 nghìn lợn giống và thương phẩm. Trang trại hoàn toàn không sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng hay kích thích tăng trưởng. Thức ăn của lợn rừng 80% là rau củ quả được sản xuất ở trang trại, 20% là cám ngô, gạo cũng được trồng từ chính trang trại. Đây là sản phẩm hữu cơ 100% với giá bán thương phẩm là 250 nghìn đồng/kg. “Hoa Viên đã chọn đi vào thị trường cao cấp và đến bây giờ chăn nuôi của Hoa Viên mang lại giá trị kinh tế cao. Sản phẩm đầu ra còn không đủ để cung cấp cho các đại lý yêu cầu” – chị Hoa vui vẻ bộc bạch.
Đối với rau hữu cơ, theo định hướng của huyện và được sự giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội mà trực tiếp là Chi cục Bảo vệ Thực vật, Trang trại Hoa Viên đã tiến hành trồng với thương hiệu rau sạch Đại Ngàn trên diện tích 5.000 m2 từ năm 2013. Để ngăn ngừa sâu bệnh, trang trại sử dụng các loại bẫy bắt côn trùng bằng công nghệ sinh học, các loại thuốc trừ sâu làm bằng chế phẩm gừng, tỏi trưng cất… Chim sâu, cóc, thằn lằn, kỳ nhông, kiến ba khoang… cũng được coi là “thượng khách” tại Hoa Viên, bởi đây là các loại thiên địch giúp trừ sâu, rầy, côn trùng theo phương pháp tự nhiên hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thời điểm ban đầu rau sạch đi vào thị trường rất khó khăn do người tiêu dùng chưa tin tưởng sản phẩm rau hữu cơ và chưa có quy chuẩn đánh giá rau hữu cơ. Sau 5 năm, khách hàng đã tìm đến trang trại Hoa Viên và được tận mắt thấy quy trình sản xuất sạch sẽ, bảo đảm an toàn và sản phẩm của Hoa Viên được đón nhận.
Từ đó đến nay, diện tích trồng rau hữu cơ liên tục tăng với hơn 60ha, trở thành trang trại trồng rau, nuôi lợn lớn nhất thủ đô. Để thực hiện sản xuất trên quy mô lớn, trang trại đã cải tạo 20ha đồi dốc thành những nấc ruộng bậc thang có hệ thống tưới phun mưa tự động giăng mắc khắp các triền đồi, dẫn nguồn nước từ núi Vua Bà thuộc Vườn quốc gia Ba Vì với độ tinh khiết cao để tưới cho rau. Hiện nay, nhà màng công nghệ cao cũng đang được xây dựng tại trang trại Hoa Viên để có thể trồng các loại rau trái vụ trong mùa hè. Hiện trang trại Hoa Viên có nhiều loại rau đa dạng, phong phú như: rau ngót, rau cải các loại, hoa thiên lý, rau muống, rau lang, rau dền, mướp hương, bầu bí… Đặc biệt, Trang trại Hoa Viên còn tự nghiên cứu trồng và phát triển một số giống rau rừng, đặc sản khác như: rau sắng, rau bò khai, rau tầm bóp cùng một số cây dược liệu quý như: giảo cổ lam, xạ đen, tán thược…
Theo chị Hoa, với tín nhiệm của khách hàng, hiện nay sản lượng rau hữu cơ của Hoa Viên mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn các loại. Nhãn hiệu Đại Ngàn của Hoa Viên hiện phải đặt mới có và cung cấp cho hơn 30 cửa hàng trong Thành phố, đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn IFOAM Norm For Organic Production và được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. Rau được hái lúc 5h sáng và vào nội thành khoảng 9h và chỉ khoảng 10h là đã hết rau.
Từ ngày có trang trại Hoa Viên tại Yên Bình và Yên Trung, đời sống của người nông dân hai xã trên đã được cải thiện rõ rệt. Trang trại hiện đang sử dụng hàng trăm lao động thường xuyên, trong đó đa số là lao động nữ với mức thu nhập ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.
Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung Hoàng Phương cho biết, lãnh đạo xã Yên Trung và huyện Thạch Thất đánh giá cao mô hình nông nghiệp mới mà Trang trại Hoa Viên đang áp dụng và triển khai. Những thành công ban đầu của trang trại đã làm đẹp thêm hình ảnh nông thôn mới ở Thạch Thất.
Từng tham quan mô hình này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đặc biệt ấn tượng với cách làm nông nghiệp rất hiệu quả của nữ chủ nhân trang trại này khi khép kín chu trình sản xuất của trang trại từ trồng rau hữu cơ để bán; trồng rau, cây thuốc để nuôi lợn rừng; phân của lợn rừng dùng nuôi giun quế; phân của giun quế tiếp tục bón cho đất để trồng rau hữu cơ; giun quế khai thác để bán ra thị trường và dùng để chăn nuôi lợn, gà. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá rất cao ý chí cũng như niềm đam mê với nông nghiệp của bà chủ trang trại Hoa Viên đã biến vùng “đất khó” của Thủ đô trở nên màu mỡ và mong rằng, Hà Nội sẽ có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đầy trí tuệ và tâm huyết với nông nghiệp như vậy.
Xây dựng được những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho biết, thời điểm mới hợp nhất về Hà Nội, cả 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân đều gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất gần như không có; hệ thống giao thông trên 90% là đường đất, giao thông bị chia cắt; một số thôn còn không có điện.
Khi về với Hà Nội, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành cùng với việc lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, đến hết tháng 8/2017, Yên Bình được đầu tư trên 200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… Đặc biệt, Yên Bình đã triển khai hiệu quả việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật, giống, phân bón trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi… Từ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế không ngừng được tăng lên. Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người 9 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2017 đã tăng lên 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% xuống còn 3,19%. Yên Bình cũng đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn. Hạ tầng nông thôn đã đổi khác hoàn toàn. Những con đường khang trang nối dài khắp các thôn xóm, nhà văn hóa xã to, đẹp được trang bị đầy đủ tiện nghi; bà con được thụ hưởng giá trị từ những công trình phúc lợi mới như: điện, đường, trường, trạm.
Đáng chú ý, nhiều hộ dân đã chuyển đổi đất đồi cho thu nhập thấp sang trồng bưởi, thanh long ruột đỏ, cây ăn quả; đẩy mạnh các mô hình rau an toàn, phát triển kinh tế đồi rừng, trang trại chăn nuôi… áp dụng công nghệ cao.
Chủ tịch xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho biết, thu nhập bình quân trên 1ha canh tác hàng năm tại xã đều tăng lên đáng kể, hiện đạt 187 triệu đồng/năm.
Tương tự, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long thông tin: Trước đây, xã không có nguồn thu, vì vậy, dựa trên cơ sở các cơ chế chính sách đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xã đã tạo điều kiện để cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, các đơn vị hoạt động phải đảm bảo điều kiện không ảnh hưởng đến đất công, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không ảnh hưởng đến các khu dân cư. Lãnh đạo xã cũng cho biết thêm “việc xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động của địa phương với thu nhập hơn 4 đến 5 triệu đồng/tháng”.
Thông tin với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện được cho là hướng đi đúng đắn. Thạch Thất là một trong những địa phương đi đầu trong việc tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi về đất đai cũng như tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho các chủ trang trại đầu tư mở rộng sản xuất. Như tại xã Tiến Xuân, mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở thôn Trại Mới đang mang đến diện mạo mới cho khu vực nông thôn nơi đây. Mô hình đã tạo ra các sản phẩm sạch như: Trứng gà chống ung thư, tảo xoắn, trồng rau thủy canh siêu sạch theo công nghệ Nhật Bản; mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi diện tích 1.000m2 ở xã Đại Đồng; mô hình hoa ly 12 ha và mô hình trồng hoa đồng tiền 3000 chậu tại xã Đại Đồng… Với lợi thế của địa phương, đến nay toàn huyện có hơn 180 trang trại đem lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất.
Có thể dễ dàng nhận thấy, so với 10 năm trước, 3 xã của tỉnh Hòa Bình nói riêng và các xã của huyện Hà Tây về Thạch Thất của Hà Nội nói chung đã có được diện mạo mới. Những đổi thay đột phá đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực này không ngừng được cải thiện, nâng cao. Thạch Thất hiện là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong số các huyện Hà Nội hiện nay với mức 52 triệu đồng/người/năm. Đây là niềm vui, tự hào của người dân và cấp ủy chính quyền huyện Thạch Thất sau tròn một thập niên là “người” Thủ đô.
“Ngày mới” mang theo nhiều kỳ vọng đang đến cho giai đoạn tiếp theo khi thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”.