Nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu

BVR&MT – Theo Cục Chăn nuôi, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành thức ăn chăn nuôi là năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho ngành còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Ước tính nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nước ta hiện nay còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (Ảnh minh họa: B.T)

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn. Trong đó, 90 nhà máy thuộc sở hữu của doanh nghiệp FDI (chiếm 33,5% về số lượng; 51,3% về công suất thiết kế) và 179 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 66,5% về số lượng và 48,7% về công suất thiết kế).

Sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước đạt 18,8 triệu tấn trong năm 2018, tăng lên 20,8 triệu tấn trong năm 2022 (tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trong cả giai đoạn đạt 2,6%/năm). Trong giai đoạn này, cơ cấu sản lượng thực tế thức ăn chăn nuôi đang thay đổi theo xu hướng tăng dần tỷ trọng của các doanh nghiệp FDI (từ 59,8% năm 2018 lên 62,5% năm 2022) và giảm dần của các doanh nghiệp trong nước (từ 40,2% năm 2018 còn 37,5% trong năm 2022). Dự kiến, năm 2023 cơ cấu sản lượng thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục thay đổi theo xu hướng trên, một phần do Tập đoàn Masan (sản lượng thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 6% tổng sản lượng cả nước) đã bán toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi cho Công ty DeHeus (Hà Lan).

Cũng theo Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi của Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn và gia cầm. Để đáp ứng nhu cầu này, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, trong khi trong nước chỉ cung cấp được khoảng 35% tổng nhu cầu, tương đương 13 triệu tấn/năm, số còn lại từ nguồn nhập khẩu.

Các sản phẩm chính của ngành trồng trọt có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gồm: 4,6 triệu tấn ngô hạt; 4,5 triệu tấn cám (từ 42,8 triệu tấn thóc); 2,5 triệu tấn sắn khô, bã sắn (tương đương 10,5 triệu tấn sắn tươi),…

So với thế giới, sản lượng ngô, đậu tương của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ (tương đương với 0,4% và 0,02%), chưa kể chất lượng và năng suất thấp đã làm giá ngô sản xuất trong nước khó cạnh tranh với giá ngô thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế về sản xuất gạo (chiếm 8,4% sản lượng của thế giới).

Thực tế thóc, gạo có khả năng thay thế một phần ngô làm thức ăn chăn nuôi mà không ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng chăn nuôi. Tuy nhiên, khi thay thế ngô bằng thóc, gạo, hiệu quả kinh tế đã giảm tới 33,2% do giá thóc, gạo cao hơn giá ngô. Để có thể thay thế ngô bằng thóc, gạo một cách có hiệu quả đòi hỏi giá thóc, gạo phải thấp hơn giá ngô tối thiểu 2,7 – 26,4%.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có một số sản phẩm, phụ phẩm từ quá trình chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm (mỡ cá, bột cá,…) làm thức ăn chăn nuôi nhưng số lượng không đáng kể. Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung chính (vitamin, axit amin…), Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% do nước ta không có công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ không thu hút được đầu tư, mà chỉ sản xuất được một lượng nhỏ thức ăn bổ sung khoáng, chế phẩm vi sinh và thảo dược.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, nhìn chung, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành thức ăn chăn nuôi đó là năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Trong giai đoạn 2018 – 2022, nước ta nhập khẩu từ 18,6 đến 22,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; giá trị nhập khẩu dao động khoảng 6 – 8,9 tỷ USD (riêng năm 2021, 2022, giá trị nhập khẩu tăng mạnh chủ yếu do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao). Các nguyên liệu nhập khẩu chính gồm: ngô, khô dầu các loại, lúa mì, đạm động vật,… Ước tính nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước./.