Nghĩa Đàn – Nghệ An: Xây dựng mô hình “15+1” giúp thoát nghèo

BVR&MT – Nghĩa Đàn là huyện miền núi ở tỉnh Nghệ An với tỉ lệ hộ nghèo cao. Từ năm 2017, Hội LHPN huyện Nghĩa Đàn phát động thực hiện mô hình 15+1 trên địa bàn 25 xã, thị trấn. Kết quả sau 2 năm triển khai, mô hình đã giúp đỡ được 365 gia đình hội viên trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Mô hình 15+1

Với phương châm chỉ hỗ trợ “cần câu” chứ không cho “cá”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” trên cơ sở “tự lực cánh sinh” của bản thân mỗi hộ nghèo, Hội LHPN huyện Nghĩa Đàn đã xây dựng và triển khai đến từng Chi hội LHPN xã, thôn mô hình 15+1.

Mô hình được xây dựng trên cơ sở vận động 15 gia đình có kinh tế khá hơn cùng đóng góp để hỗ trợ giúp một gia đình còn khó khăn. Hình thức hỗ trợ là mỗi hội viên góp 500 ngàn đồng để mua con giống, cây giống đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc và phòng bệnh giúp hộ nghèo có việc làm, cải thiện cuộc sống.

Phụ nữ Nghĩa Đàn giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

Khi bắt đầu đưa mô hình vào thực tế, HLH Phụ nữ huyện Nghĩa Đàn đã xác định công tác quan trọng và cần thực hiện trước tiên đầu tiên là tuyên truyền. Để các chị em hiểu về phương châm, cách thức và tự nguyện tham gia, Hội LHPN từ huyện, xã đến từng thôn, xóm đã triển khai hướng dẫn, truyền thông ở mỗi cuộc họp của hội cũng như qua các hình thức phát thanh tại địa phương hay từng lần thực hiện công tác vận động đến từng hộ gia đình. Khi đã được chị em hiểu và ủng hộ, việc thực hiện mô hình đã nhanh chóng thu được những thành quả bước đầu.

Kết quả đạt được sau 2 năm

Năm 2016, gia đình chị Tô Thị Thúy ở Chi hội Phụ nữ xóm 5A, xã Nghĩa Mai thuộc diện hộ nghèo của xã. Hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn do các con nhỏ dại, chồng bệnh tật còn mẹ chồng đã già yếu, một mình chị Thúy là lao động chính trong nhà. Hiểu rõ hoàn cảnh của chị, Hội phụ nữ xóm 5A đã phát động phong trào 15+1 giúp gia đình chị Thúy mua được 1 con nghé, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập. Nhờ sự cần cù, chịu khó, tiết kiệm của gia đình, cũng như sự giúp đỡ, động viên của các chị em trong chi hội, sang năm 2017, cuộc sống của gia đình chị đã khấm khá hơn. Chị đã mạnh dạn vay mượn anh em, bạn bè sửa sang nhà cửa đàng hoàng và viết đơn tự nguyện xin ra khỏi “danh sách” hộ nghèo.

Hội Phụ nữ xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Ðàn tặng nghé cho hội viên nghèo trong xã.

Chị chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ của các cấp hội phụ nữ nên gia đình tôi đã bớt khó khăn. Mặc dù vẫn còn vất vả nhưng năm vừa rồi, gia đình tôi đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo, để dành sự giúp đỡ cho các hội viên còn khó khăn hơn gia đình tôi, giúp các gia đình hội viên sớm thoát nghèo”.

Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Mai Cao Thị Hồng, sau 2 năm phát động mô hình 15+1, 23/23 chi hội trên địa bàn xã Nghĩa Mai đều xây dựng được mô hình. Từ 2017 đến nay, Hội Phụ nữ xã Nghĩa Mai đã hỗ trợ cho 16 hộ là hội viên nghèo về vốn, tư liệu sản xuất và các giống cây, con với số tiền trên 150 triệu đồng.

Tính trên địa bàn toàn huyện Nghĩa Đàn, đến nay, Mô hình 15 + 1đã được triển khai đồng loạt trong toàn huyện và giúp 365 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Đây là kết quả đáng khích lệ cho sự nỗ lực của từng hộ gia đình, từng nhóm hộ và cũng như của từng chi hội phụ nữ xã, huyện.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, thời gian qua, 25 xã, thị trấn tổ chức phong trào làm theo gương Bác bằng việc làm cụ thể như thực hiện các phong trào “Ống tiền tiết kiệm”, Hũ gạo tiết kiệm”, “Ngày công tiết kiệm”… và nhân rộng thành mô hình 15+1 nhằm giúp nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Chị Nhung cũng tin tưởng, trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục đóng vai trò đầu tàu để tiếp tục rút kinh nghiệm, hoàn thiện, phát triển mô hình 15+1 cũng như xây dựng những mô hình mới giúp đỡ các hộ vươn lên thoát nghèo thậm chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Đình Nguyên