Nam Định vươn mình phát triển với các dự án giao thông trọng điểm

BVR&MT – Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trọng điểm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được lãnh đạo các cấp của tỉnh Nam Định quan tâm. Nhằm tạo cho Nam Định cất cánh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030

Để nâng cao năng lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua, Nam Định đã chủ động tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ.

Một số tuyến đường bộ huyết mạch quan trọng hoàn thành đã nhanh chóng phát huy hiệu quả góp phần tăng tốc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào tỉnh như: Quốc lộ (QL) 21B (tuyến đường bộ mới Nam Định – Phủ Lý), QL21B kéo dài (tỉnh lộ 488), giai đoạn I tỉnh lộ 490B (tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình), tuyến đường bộ mới nối QL10 với QL21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào, cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ, các tuyến tỉnh lộ 487, 489C; phối hợp với Bộ GTVT xây dựng và đưa vào khai thác cụm công trình Kênh và Âu tàu Nghĩa Hưng trong tháng 7-2023…

Ngoài ra, UBND tỉnh đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện loạt dự án xây dựng: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; các tỉnh lộ 488B, 485B; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến QL 21B); cầu qua sông Đào…

Nhờ đó đến nay tỉnh Nam Định đã có trên 2.949km đường bộ (1 đường cao tốc dài 20,4km; 6 tuyến QL dài trên 328,8km; 13 tuyến đường tỉnh dài trên 303,8km; trên 414,5km đường huyện và 1.690,7km đường xã); có 41,2km đường sắt Bắc – Nam với 6 ga hành khách và hàng hóa đi qua địa bàn 3 huyện và thành phố Nam Định. Với những nỗ lực đầu tư phát triển hệ thống đường bộ trong thời gian qua đã cơ bản đảm bảo kết nối các loại hình giao thông, đáp ứng yêu cầu vận tải, chuyên chở hàng hóa lớn, trung chuyển hàng hóa từ đường thủy, đường bộ và đường sắt tới các trung tâm kinh tế lớn của khu vực và quốc gia.

Bên cạnh đó giao thông đường thủy cũng được tỉnh Nam Định đặc biệt chú trọng. Theo báo cáo của Sở GTVT, trong năm 2023 Sở đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, thẩm định các dự án công trình giao thông theo phân cấp. Cụ thể, đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa các tuyến sông do địa phương quản lý trong Quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tích cực, chủ động tham gia ý kiến hồ sơ dự thảo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham gia hoàn thiện chỉnh sửa, bổ sung các nội dung liên quan ngành GTVT trong công tác lập quy hoạch tỉnh; tham gia ý kiến bổ sung cảng Trường An vào Quy hoạch Cảng biển Việt Nam

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại là giải pháp động lực quan trọng tháo gỡ những điểm nghẽn, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông, là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Với “giao thông đi trước một bước” là tiền đề vững chắc góp phần để đạt mục tiêu phấn đấu Nam Định “trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.

Theo đó, các quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đều hướng tới mục tiêu nâng cấp cơ sở hạ tầng góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.

Được biết, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định “Tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định theo mô hình tổ chức không gian “ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế” nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, bổ sung cho nhau, cùng phát triển”.

Nhờ hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, đảm bảo kết nối thuận lợi nên công tác thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và bảo vệ môi trường cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Hiện nay, có 19/24 cụm công nghiệp cấp huyện đã đi vào hoạt động, thu hút gần 500 dự án đầu tư, tạo việc làm cho trên 20 nghìn lao động. Các dự án đầu tư về nông thôn không chỉ mang đến những cơ hội phát triển, chuyển dịch đồng bộ, năng động cho kinh tế – xã hội ở các vùng nông thôn trong tỉnh.

Với chủ trương tập trung vào phát triển giao thông để tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế và sự nỗ lực với các dự án cầu đường trong thời gian vừa qua. Chắc chắn trong tương lai không xa Nam Định sẽ là điểm thu hút đầu tư và sẽ trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh mẽ nhất cả nước. Các ngành chức năng của tỉnh Nam Định đều đang nỗ lực hết mình trước mắt phấn đầu đến đến năm 2030  tỉnh Nam Định sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Vũ Trà