Mỹ Lộc (Nam Định): Doanh nghiệp dùng “đất dạng giống bùn” để thi công tuyến đê, chủ đầu tư nói đó là đất “ướt”

BVR&MT – Dự án “ Củng cố khẩn cấp tuyến đê Hữu Hồng – đoạn từ Km 156 + 621 tỉnh Nam Định giai đoạn 1”, do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án nông nghiệp làm quản lý và Công ty Cổ phần tập đoàn Xuân Khiêm trúng thầu, sử dụng “đất dạng giống bùn” để đắp taluy mái đê, công trình có dấu hiệu thi công ẩu, thi công kém chất lượng mặc dù công trình mới bắt đầu thi công.

Phản ánh của người dân sống gần khu vực chân đê cho hay, thời gian gần đây có doanh nghiệp đang thi công đắp đất, mở rộng mái tuyến đê đi qua xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, tuy nhiên họ lại ngang nhiên dùng phần lớn là bùn để đắp taluy mái đê, mở rộng mặt đê, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tuyến đê sau khi đưa vào sử dụng.

Có mặt tại đoạn đê thuộc xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định Phóng viên không khỏi ngỡ ngàng với cách thi công của đơn vị trúng thầu – Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm. Họ sử dụng loại đất giống như bùn được nạo vét từ ao, hồ, sền sệt dạng lỏng, được đổ thẳng xuống mặt taluy. Một phần nhỏ của công trình được nhà thầu sử dụng đất đồi, tuy nhiên lẫn trong lớp đất đồi một lượng không nhỏ là đá dạng tảng lớn. Đất của nhà thầu chủ yếu được vận chuyển qua đường thủy, sau đó sang tải thông qua hệ thống xe ben để vận chuyển lên đắp mái taluy đê. Lượng đất lỏng sệt chảy thành từng mảng trên mái đê.

Chiếu theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9165:2012  Công trình thuỷ lợi – Yêu cầu kỹ thuật đắp đê, được áp dụng trong thi công xây dựng đê mới hoặc cải tạo đê cũ như tôn cao, đắp áp trúc, đắp cơ thuộc hệ thống đê sông thì đơn vị thi công sử dụng các loại vật liệu nêu trên để đắp đê liệu đã đúng tiêu chuẩn về yêu cầu chất lượng hay chưa thì dư luận còn đang đặt câu hỏi.

Ông N.X.A một người dân cho biết: nhà thầu vận chuyển đất thi công trên mặt đê không che chắn, bùn chảy từ xe vận chuyển vương vãi thành tảng trên mặt đê, mùa này hanh, khô, bụi đất bay mù mịt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những người xung quanh khu vực nhà thầu đang thi công.

Để làm rõ vấn đề trên, Phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Hoàng Đình Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định. Ông Tuấn cho biết: tổng dự án này hơn 100 tỷ, do Ban quản lý và được triển khai theo từng giai đoạn. Sau khi xem clip và hình ảnh do phóng viên cung cấp, ông này cho biết: phần đất đồi lẫn đá nhà thầu dùng đắp rộng mặt đê, mục đích để quay đầu xe trong quá trình vận chuyển vật liệu. Còn phần đất dạng bùn thì được ông này trả lời rất khéo léo: đây là đất ướt, được nhà thầu thi công tập kết trên mặt đê, trước khi tiến hành đắp đê sẽ được các đơn vị đem đi làm thí nghiệm, đủ tiêu chuẩn mới được đắp đê!

Chưa biết những gì ông Phó Giám đốc Ban quản lý trả lời là đúng hay không, tuy nhiên trên thực tế dường như chưa từng có tiền lệ đơn vị thi công nào lại tập kết lên mặt đê hàng nghìn tấn “đất dạng giống bùn”, phơi chờ khô và chờ kết quả thí nghiệm. Nếu lượng “đất dạng giống bùn” trên không đủ tiêu chuẩn để đắp đê thì đơn vị thi công sẽ vận chuyển số đó đi đâu? Và cũng không ai hiểu tại sao đơn vị thi công hay nhà thầu lại “rỗi hơi” bày việc ra để làm và có thể tốn kém chi phí như vậy?

Một dự án với số tiền đầu tư lớn, và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, thì việc đảm bảo chất lượng công trình càng thể hiện tầm quan trọng hơn khi nào hết. Vậy, khi dư luận và người dân đang có những lo ngại, nghi ngờ về chất lượng của công trình hàng trăm tỷ đang được thi công, có lẽ các cơ quan chức năng và các bên hữu quan cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, kiểm tra làm rõ.

Đặc biệt, chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định và đơn vị quản lý là Ban quản lý Dự án nông nghiệp của Sở này sau khi tiếp nhận thông tin được phản ánh cung cấp bởi cơ quan báo chí, cần có trách nhiệm kiểm tra và có thông tin chính thức để kết luận về vấn đề này. Việc trả lời không rõ ràng, hoặc đánh tráo các khái niệm rất có thể sẽ khiến cho dư luận càng thêm nghi ngại, và nếu công trình có không đảm bảo chất lượng thì an toàn sống, môi trường sống của người dân sẽ ra sao trước thiên tai bão lũ?

Tiểu Khê