Làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và môi trường vườn quốc gia Hoàng Liên

BVR&MT – Vườn quốc gia Hoàng Liên nằm trên địa phận của 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, với diện tích tích 28.500,56 ha, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng cơ sở, thông tin liên lạc trong phạm vi quản lý còn hạn chế. Nhưng trong mấy năm gần đây, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng

Với diện tích quản lý rộng, lực lượng Kiểm lâm của vườn quốc gia Hoàng Liên thường xuyên phối hợp cùng lực lượng cảnh sát cơ động tỉnh, Công an huyện Sa Pa và tổ bảo vệ rừng tại các thôn tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán vận chuyển lâm sản, kết hợp tuần tra các khu vực trọng điểm trên địa bàn. Qua phối hợp tuần tra kiểm soát đã phát hiện, lập biên bản xử lý nhiều vụ vi phạm và tham mưu cho UBND các cấp xử lý theo quy định.

Lực lượng Kiểm lâm Hoàng Liên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc

Triển khai trực các chốt bảo vệ rừng vân sam nhằm ngăn chặn tình trạng người dân khai thác cành vân sam trong dịp tết Nguyên đán 2016. Kết quả đã không còn tình trạng khai thác, mua bán cành vân sam trên địa bàn quản lý.

Phát hiện, lập biên bản, vận động các hộ dân xây dựng lán trại trái phép trong rừng đặc dụng thực hiện tự tháo dỡ, tham mưu cho UBND xã tiến hành lập hồ sơ cưỡng chế đối với các hộ dân không chịu tháo dỡ. Kiểm tra, lập biên bản xử lý đối với các hộ dân có diện tích bể nuôi cá lấn chiếm đất rừng đặc dụng của vườn quốc gia Hoàng Liên.

Tăng cường phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tân Uyên, Tam Đường tuần tra, kiểm tra rừng trên địa bàn vườn quốc gia Hoàng Liên quản lý và vùng giáp ranh giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu.

Xây dựng phương án nuôi trồng cây con khác trên đất nương rẫy cố định, đất vườn tạp, đất trống thay thế cây thảo quả trong vùng lõi vườn quốc gia Hoàng Liên; xây dựng kế hoạch trồng cây ăn quả phân tán cho người dân 04 xã vùng lõi vườn quốc gia Hoàng Liên thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai.

Quản lý động vật hoang dã: vườn quốc gia Hoàng Liên đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật. Vận động các hộ gia đình đang nuôi nhốt động vật hoang dã tự nguyện hiến tặng cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên. Trong 10 tháng đầu năm 2016, Trung tâm đã tiếp nhận 20 vụ gồm 44 cá thể thuộc 19 loài và 01 tiêu bản (đầu hoẵng), Trong đó, có 08 loài trong danh mục Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ (chiếm 42%) và 03 loài nằm trong Danh mục Nghị định 160/2013/NĐ-CP của chính phủ (chiếm 15,8%). Đến nay còn 41 cá thể, thuộc 17 loài cứu hộ thành công (đạt 96%). Phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức Lễ trồng cây và tái thả động vật hoang dã nhân ngày Môi trường thế giới 05/6/2016.

Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường

Trong giai đoạn 2013 – 2016 trên địa bàn quản lý có 02 dự án được triển khai là Dự án Cáp treo Fansipan Sa Pa (tại xã San Sả Hồ) và Dự án thủy điện Sử Pán II (tại xã Bản Hồ). Các dự án nói trên đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt và được các Sở ngành chức năng kiểm tra, giám sát theo quy định.

Trong khu vực vườn quốc gia Hoàng Liên quản lý không có khu sản xuất công nghiệp nên lượng nước thải ở đây chủ yếu là nước thải sinh hoạt. Do vậy việc thu gom, xử lý nước thải là không có mà chỉ thực hiện xử lý thông qua hệ thống bể phốt, bể lắng trước khi thải ra môi trường.

Hiện nay, Vườn quốc gia Hoàng Liên đang quản lý, khai thác 03 tuyến điểm du lịch (tuyến leo núi Fansipan, tuyến suối Vàng – thác Tình yêu, tuyến rừng già), nhìn chung lượng rác thải rắn tại các điểm nghỉ trên không nhiều, chủ yếu là rác thải hữu cơ (thức ăn thừa), rác thải vô cơ (chai, lọ, túi bóng) do du khách để lại. Vườn quốc gia Hoàng Liên thường xuyên tổ chức thu gom rác thải về điểm tập kết để vận chuyển về bãi rác của huyện Sa Pa để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thu gom, xử lý rác thải.

Đối với các thôn trong vùng lõi vườn quốc gia Hoàng Liên, công tác xử lý rác thải sinh hoạt thực hiện theo phương pháp chôn lấp hoặc đốt xử lý tại chỗ do việc thu gom rác thải của Công ty Môi trường chưa thực hiện đối với các xã.

Đối với chất thải rắn từ hoạt động xây dựng các công trình trên các tuyến du lịch chủ yếu là công trình nhỏ, sau khi hoàn thiện đơn vị thi công đã hoàn thổ và xử lý theo yêu cầu của thiết kế.

Ngoài ra trong vườn quốc gia còn có lượng nước thải và rác thải rắn không nhỏ từ hoạt động của Thủy điện Sử Pán II và Cáp treo Fansipan Sa Pa, tuy nhiên việc xử lý rác đã đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường.

Chiến Hữu