Làm thế nào để sản phẩm nông nghiệp nắm bắt cơ hội tại thị trường EU?

BVR&MT – Nếu có sự chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng tốt Quy định chống phá rừng châu Âu của Ủy ban châu Âu (EUDR) thì cơ hội sẽ mở ra với các ngành hàng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tại thị trường EU.

Nông dân thu hoạch càphê. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Các chuỗi cung ứng ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ, càphê, cao su sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng Quy định chống phá rừng châu Âu của Ủy ban châu Âu (EUDR), đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng.

Nhưng nếu có sự chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng tốt quy định thì cơ hội cũng mở ra với các ngành hàng tại thị trường EU.

Theo Quy định chống phá rừng châu Âu, EU sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Quy định có hiệu lực dự kiến từ tháng 12/2024.

Gỗ và sản phẩm gỗ, càphê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi quy định này được áp dụng.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết theo EUDR, 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là càphê khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn. Dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

“Với quy định này của EU, Việt Nam không còn cách nào khác là thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của họ vì đây là thị trường quan trọng, đặc biệt là càphê, châu Âu mỗi năm nhập khẩu hơn 60% sản lượng của Việt Nam,” ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay.

Là ngành hàng được xác định sẽ chịu tác động mạnh từ quy định mới của EU, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam (Vicofa), cho biết tổng diện tích cà phê hiện nay của Việt Nam khoảng 650.000 ha, hầu hết được trồng trước năm 2020. Từ 31/12/2020, nếu có diện tích càphê liên quan đến phá rừng cũng rất ít.

Ngành càphê Việt Nam vẫn sản xuất chủ yếu quy mô hộ với khoảng 1,2 triệu hộ. Số hộ sở hữu dưới 0,5ha rất nhiều nên việc truy xuất nguồn gốc là rất khó khăn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hiệp hội và cả cơ quan chức năng đều nhận định rằng thách thức cũng đi cùng với cơ hội và phải sẵn sàng tận dụng được cơ hội này.

Ông Nguyễn Nam Hải cho rằng xuất khẩu càphê Việt Nam sang EU chiếm tỷ trọng khoảng 39%. Nếu thực hiện tốt quy định thì đây là cơ hội để nâng thị phần càphê Việt Nam tại EU. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của ngành hàng càphê Việt Nam với môi trường.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Việt Nam sẽ tập trung phát triển ngành hàng một cách bền vững hơn, xanh hơn, có trách nhiệm với toàn cầu. Khi làm tốt sản phẩm của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh rất lớn tại EU so với những nông sản từ các quốc gia chưa thích ứng được với quy định này. Từ đó cũng tạo ra những cơ hội thay đổi sinh kế cho người nông dân.

Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn các ngành hàng cơ bản đáp ứng những tiêu chuẩn của EUDR.

Tính riêng mặt hàng càphê, có 70% diện tích không liên quan đến rừng, 20% giáp ranh với rừng và có 10% nằm xen kẽ là thuộc nhóm nguy cơ. Chưa kể các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như càphê, cao su, gỗ đều có những chứng nhận sản xuất bền vững riêng, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết.

(Ảnh minh họa. Vũ Sinh/TTXVN)

Theo bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực châu Á-Chương trình cảnh quan bền vững, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), yêu cầu của EU là truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến tận vườn. Điều này sẽ tạo thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp trong quản lý, lưu kho, vận chuyển…

Hiện các doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp nước ngoài đã hành động tự xây dựng cơ sở dữ liệu chứng minh sản phẩm của họ đáp ứng đúng yêu cầu EU. Nhưng nếu doanh nghiệp tự làm thì chi phí rất cao và sẽ bị đẩy về nông dân.

IDH đang phối hợp với một số doanh nghiệp trong nước để thử nghiệm việc truy xuất nguồn gốc tại 3 huyện trồng càphê lớn với 110.000ha theo hai phương thức. Một là hệ thống truy xuất đến cấp huyện, xã với vùng nguy cơ thấp, hoặc không có nguy cơ. Vùng này chiếm khoảng 90% diện tích càphê của 3 huyện. Còn lại 10% thuộc vùng có nguy cơ thì áp dụng truy xuất nguồn gốc tận vườn. Từ cách làm thử nghiệm hai hệ thống này sẽ tính được chi phi, khả năng đáp ứng yêu cầu, từ đó sẽ có giải pháp, thông tin chia sẻ với EU.

Trước tình hình giá càphê đang ở mức cao nhất trong khoảng 30 năm qua, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng cơ quan chức năng cần có sự cảnh báo với các hộ nông dân sống ven rừng có ý định mở rộng diện tích càphê.

Bên cạnh đó, để đáp ứng quy định của EU, các bộ ngành, địa phương cần vào cuộc đồng bộ để có cơ sở dữ liệu, tạo điều kiện cho truy xuất nguồn gốc càphê tận vườn. Hầu hết càphê kinh doanh của Việt Nam trồng trước thời điểm 31/12/2020. Vấn đề là cần chứng minh nguồn gốc với EU.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, các doanh nghiệp, hiệp hội cần phải có nhận thức rõ ràng về vấn đề này. Xây dựng một quy trình hướng dẫn, đặc biệt là cách xây dựng và cung cấp thông tin. Từ những cơ sở dữ liệu đó, doanh nghiệp sẽ có thể giảm được chi phí trong việc xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Để làm được điều đó, cần có sự hợp tác giữa tất cả các bên nhà nước-doanh nghiệp-nông dân với sự hỗ trợ của các tổ chức phát triển trong và ngoài nước.

Đối với các bà con ở khu vực có nguy cơ cao để họ có thể chuyển đổi sinh kế hoặc áp dụng được những tiêu chuẩn bền vững theo quy định của EU vào sản xuất.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm việc với Liên minh châu Âu để vận động EU có chương trình hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam dự kiến bị ảnh hưởng bởi Quy định này.

Ngoài cam kết hỗ trợ cho ngành lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2023-2027 một chương trình nhằm giảm hoặc ngăn chặn nạn phá rừng và chống suy thoái rừng thông qua tăng cường bảo tồn, phục hồi và quản lý rừng bền vững, EU cam kết sẽ tiếp tục có chương trình hỗ trợ khác cho các ngành hàng nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của Quy định, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn thông tin./.