Lâm Đồng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường

BVR&MT – Lâm Đồng là một trong hai tỉnh (cùng với tỉnh Sơn La) được Chính phủ chọn để thực hiện thí điểm Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng chính phủ.

Từ khi thành lập đến nay, nhiệm vụ chủ yếu của Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng là tham mưu triển khai thực hiện Chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Chính sách chi trả DVMTR được xem như là bước đột phá của ngành Lâm nghiệp, khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả nhất định, tạo lập nên một nguồn lực tài chính mới, mang tính ổn định bền vững để phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn cải thiện sinh kế cho người tham gia giữ rừng.

Ảnh minh họa.

Sau 10 năm tổ chức hoạt động của Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực vùng sâu, vùng xa, sống gần rừng trên địa bàn tỉnh.

Kết quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Kết quả thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng

Thu, chi tiền DVMTR

Trong năm 2018 số tiền thu được 288.108.000.000 đồng. Số tiền giải ngân 271.437.257.000 đồng. Đơn giá chi trả cho khoán bảo vệ rừng đều tăng theo từng năm (năm 2018 Lưu vực sông Đồng Nai 660.000 đồng/ha/năm; Lưu vực sông Sêrepok 550.000 đồng/ha/năm).

Diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR để quản lý bảo vệ và số hộ tăng dần theo từng năm. Trong năm 2018 đã chi trả cho: 30 chủ rừng nhà nước; 65 chủ rừng ngoài nhà nước; 06 chủ rừng cộng đồng thôn và 1.517 chủ rừng hộ gia đình; (tổng số hộ dân nhận khoán BVR được chi trả 15.918 hộ (trong đó 12.434 hộ ĐBDT) và 33 đơn vị tập thể).

Chi hỗ trợ cho các chương trình, dự án khác

Chi hỗ trợ trồng rừng, trồng cây phân tán: Kinh phí hỗ trợ cho các huyện, thành phố và các đơn vị kinh doanh du lịch có tham gia nộp tiền DVMTR để thực hiện trồng rừng, trồng cây phân tán, trồng cây cảnh quan hàng năm đều tăng cụ thể trong năm 2018 số tiền bố trí cho hoạt động cây phân tán 6,0 tỷ đồng.

Chi hỗ trợ hoạt động chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép trong năm 2018 với số tiền 2,0 tỷ đồng. Chi hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách tại các Ban quản lý rừng phòng hộ theo Quyết định số 44/2016 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2018 với số tiền 2,5 tỷ đồng.

Tác động đến công tác bảo vệ và phát triển rừng

Diện tích được chi trả tiền DVMTR đã tăng dần theo các năm trong năm 2018 diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng từ nguồn DVMTR là 380.322 ha chiếm 74,06% diện tích đất có rừng toàn tỉnh Lâm Đồng.

Đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa đơn vị chủ rừng với Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương trong công tác khoán bảo vệ rừng, cũng như công tác vận động tuyên truyền, tổ chức, điều hành quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy và xử lý hành vi vi phạm Luật bảo vệ rừng.

Với hình thức tổ chức khoán bảo vệ rừng theo tổ (nhóm) các hộ nhận khoán trong cùng thôn buôn đã liên kết được sức mạnh tập thể của các hộ nhận khoán để phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác tuần tra bảo vệ rừng.

Người dân đã nhận thấy tầm quan trọng của rừng gắn liền với cuộc sống thiết thực của họ. Họ nhận thức được rằng, việc bảo vệ rừng sẽ mang lại nguồn thu nhập góp phần cải thiện cuộc sống và giá trị mà họ thu được từ việc bảo vệ rừng cơ bản tương xứng với giá trị công sức đã bỏ ra. Từ đó, các hộ nhận khoán nhận thức rõ trách nhiệm và đã thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên hơn được thể hiện qua ghi chép và phản ánh của đơn vị chủ rừng. Rừng được bảo vệ ngày càng tốt hơn, nâng cao về chất lượng. Bên cạnh đó, với định mức chi trả cao, các hộ nhận khoán trong tổ (nhóm) đã có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau trong công tác tuần tra BVR, cũng như sự giám sát giữa các tổ với nhau, đã tạo sự công bằng, đảm bảo cho người giữ rừng được trả công tương xứng.

Cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng

Tiền chi trả DVMTR là nguồn lực tài chính mới, bền vững góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Với những tác động tích cực từ khi triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngoài diện tích thì đối tượng và số lượng hộ dân tham gia BVR cung ứng DVMTR được chi trả tiền cũng đã tăng theo từng năm. Cụ thể:

Ngoài ra nhận thức về chính sách chi trả DVMTR được nâng cao ở cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh và nhất là người dân sống gần rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Từ đó, tạo được sự đồng thuận và tích cực tham gia của các bên liên quan. Đối với bên sử dụng DVMTR về cơ bản đã đồng thuận cao với chính sách này, thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc ký hợp đồng ủy thác, kê khai và chi trả tiền DVMTR theo quy định. Bên cung cấp DVMTR đã thấy được trách nhiệm và quyền lợi thông qua việc bảo vệ rừng, việc bảo vệ rừng sẽ mang lại cho họ nguồn thu nhập ổn định hàng năm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống và giá trị mà họ thu được từ việc bảo vệ rừng là giá trị công sức của họ bỏ ra chứ không còn xem như một nguồn hỗ trợ về chính sách của Nhà nước như trước đây. Nguồn thu từ Chính sách chi trả DVMTR đã tạo ra nguồn tài chính ổn định, đóng góp nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, giảm gánh nặng cho ngân sách trong chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã góp phần làm cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả hơn. Qua đó, giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động cho các chủ rừng. Nguồn thu từ tiền DVMTR của các đơn vị chủ rừng nhà nước chủ yếu từ 10% chi phí quản lý khoán bảo vệ rừng, đã góp phần giải quyết khó khăn về nguồn kinh phí hoạt động cho các đơn vị trong điều kiện kinh phí được cấp còn hạn hẹp…