Lai Châu: Lợi ích kinh tế nhờ giữ rừng

BVR&MT – Là địa bàn được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhiều nhất của tỉnh, huyện Mường Tè luôn coi bảo vệ, phát triển rừng là mục tiêu hàng đầu trong phát triển kinh tế. Với nhiều giải pháp thiết thực, rừng nơi đây tăng về diện tích, tỷ lệ che phủ, góp phần nâng cao cuộc sống người dân.

Đến Mường Tè, chúng tôi không chỉ thấy một huyện biên giới nghèo đang đổi thay từng ngày, cuộc sống người dân sung túc hơn mà những cánh rừng từng là hậu quả của việc đốt, phá rừng đang hồi sinh từng ngày. Rừng góp phần cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao cuộc sống Nhân dân khi được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Để người dân biết được lợi ích kinh tế mà rừng mang lại, thực sự là một “cuộc chiến” lâu dài khi phải chống lại một “kẻ thù” mang tên “trình độ nhận thức”. Bởi vì, người dân đã quen với cách sống dựa vào rừng, quen chặt, phá, từ việc nhỏ đến lớn phải có rừng thì công việc mới trôi trẩy, xong xuôi. Vượt qua khó khăn, người cán bộ, đảng viên của xã, huyện đến từng bản, vào từng nhà gặp gỡ người dân để nói về những tác hại khi mất rừng như: lũ lụt, sạt lở đất, gió lốc… không chỉ ảnh hưởng môi trường sinh thái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Các anh vận động, khuyến khích Nhân dân tái tạo lại rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Phổ biến những quy định, chính sách của Nhà nước về chi trả dịch vụ môi trường rừng để dân nắm bắt, từ đó tin tưởng mà tích cực trồng, bảo vệ rừng, đấu tranh với các hành vi phá hoại rừng.

Cán bộ kiểm lâm huyện Mường Tè cùng Nhân dân xã Bum Nưa tích cực bảo vệ, phát triển rừng. Ảnh tư liệu

Anh Thào A Xá (người dân bản Tà Tổng, xã Tà Tổng) cho biết: Được cán bộ xã, kiểm lâm huyện tuyên truyền, người Mông bản tôi không còn phá rừng để làm nương, trồng sắn nữa mà kết hợp giữa trồng, bảo vệ rừng với phát triển các ngành nghề khác. Diện tích rừng tăng, thiên tai giảm sút, cuộc sống của dân bản bình yên. Hàng năm, mỗi hộ trong bản được nhận gần 20 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, gấp nhiều lần so với làm nương nên ai cũng ra sức bảo vệ.

Có dân góp sức, chất lượng rừng được cải thiện, trở thành “mái nhà chung” cho nhiều loài động, thực vật. Chung sức bảo vệ, Nhân dân 14 xã, thị trấn thành lập các tổ chuyên trách bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng ở các bản, thường xuyên tuần tra cùng lực lượng chức năng, lập quy ước, ký kết về giữ rừng. Vào thời điểm nắng nóng, mùa khô hanh, các địa phương thành lập các chốt tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao, khi có sự cố xảy ra, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, không gây thiệt hại đến lợi ích của Nhân dân. Vì vậy nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Mường Tè không xảy ra vụ cháy rừng nào.

Với diện tích rừng 173.891,21ha (trong đó rừng tự nhiên chiếm 173.710,34ha), tỷ lệ che phủ đạt 65,06%, Nhân dân trong huyện được hưởng lợi gần 140 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (đợt chi trả năm 2020). Trong đó 2 xã: Mù Cả, Tà Tổng được hưởng lợi hơn 46 tỷ đồng, đó là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của người dân. Chị Lỳ Kim Bình (bản Xi Nế, xã Mù Cả) hồ hởi: Mỗi khi đi nhận tiền bảo vệ rừng chúng tôi vui lắm. Có thêm kinh phí để chăm lo cuộc sống, đầu tư các mô hình kinh tế nên ai cũng tích cực bảo vệ, chăm sóc để rừng phát triển. Tăng cường đấu tranh với các hành vi phá hoại, xử lý nghiêm khi người dân trong bản làm ảnh hưởng tới rừng. Giờ đây, rừng là nhà, là cuộc sống của dân bản.

Có tiền rừng, nhiều hộ khó khăn không còn phải đi vay vốn mà dùng số tiền mua cây trồng, con giống, phân bón tái thiết lại kinh tế gia đình. Sau một thời gian lao động sản xuất, hiệu quả đi lên, có của ăn của để, từ đó cuộc sống khá giả, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại xã, bản. Ngoài ra, mỗi năm, huyện triển khai trồng từ 300-400ha rừng mới, không chỉ tăng nguồn thu từ rừng mà những cây rừng trồng còn đem lại lợi ích kinh tế cao khi khai thác, xuất bán.

Anh Tống Văn Hoàn – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè cho biết: Để rừng tăng diện tích, nâng cao tỷ lệ che phủ, Ban tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân; tăng cường trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc; thực hiện hiệu quả việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Tin rằng với nỗ lực của chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè, rừng xanh không chỉ trở lại mà còn trở thành nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế nơi đây phát triển.