Khuyến nông cộng đồng thúc đẩy sản xuất lúa chất lượng cao

BVR&MT – Để góp phần thực hiện đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023, khuyến nông cộng đồng được xác định là một trong những lực lượng quan trọng đồng hành với người dân trong quá trình thực hiện.

Mô hình sản xuất lúa tại tỉnh Trà Vinh. (Ảnh ĐỖ TUẤN)

Những năm qua, Việt Nam luôn là một trong những nước sản xuất lúa và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu của thị trường xuất khẩu ngày càng cao cho nên đòi hỏi chất lượng gạo cũng phải được nâng lên và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đề án triển khai tại 12 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ năm 2024-2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 ha.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026-2030) xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000 ha.

Thực hiện Đề án nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định chủ thể tham gia là các hợp tác xã và lực lượng khuyến nông. Trong đó, lực lượng khuyến nông cộng đồng đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện.

Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) Nguyễn Viết Khoa cho biết: “Thực hiện Đề án này, đến nay 12 địa phương trong vùng triển khai Dự án đã thành lập được hơn 900 tổ khuyến nông cộng đồng với hơn 10.000 thành viên”.

Lực lượng này sẽ làm công tác truyền thông cho nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa giảm phát thải; xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức của nông dân; tập huấn, chuyển giao cho người trồng lúa và hợp tác xã biện pháp canh tác bền vững, xử lý rơm rạ, kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số; xây dựng hợp phần khuyến nông đào tạo, chuyển giao công nghệ cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng…

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp, đến cuối tháng 12/2023, trên địa bàn có 1.171 tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập với 1.358 thành viên. Tỉnh Đồng Tháp đưa ra mục tiêu đến năm 2025 có 50.000 ha lúa thực hiện trong Đề án; giai đoạn 2026-2030 đạt 161.000 ha.

Để thực hiện tốt Đề án, tỉnh phấn đấu thành lập 100% tổ khuyến nông cộng đồng tại các vùng triển khai thực hiện Đề án; tiếp tục hỗ trợ các tổ khuyến nông cộng đồng kiện toàn bộ máy, tư vấn xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình địa phương và năng lực của từng thành viên cũng như các hoạt động của Đề án.

Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh cho biết, đến nay tỉnh đã thành lập được 57 tổ khuyến nông cộng đồng với 385 thành viên tham gia. Tỉnh đã đăng ký thực hiện Đề án với quy mô trong năm 2024 là 6.324 ha và đến năm 2030 diện tích là 13.915 ha.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang làm việc trực tiếp với các tổ khuyến nông cộng đồng cấp xã để hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động của từng địa phương gắn với thực tiễn sản xuất.

Đồng thời hỗ trợ các hộ dân trồng lúa, hợp tác xã, doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất; tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho hộ trồng lúa và hợp tác xã các biện pháp canh tác bền vững, phương pháp xử lý rơm rạ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tuy nhiên, theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện nay phần lớn cán bộ khuyến nông cộng đồng là kiêm nhiệm cho nên thời gian chủ yếu dành cho công tác chuyên môn; thiếu các thành viên có chuyên môn, đam mê, có kinh nghiệm trong công tác khuyến nông; hoạt động khuyến nông chỉ tập trung nhiều đến việc chuyển giao kỹ thuật mới mà chưa chú trọng đến phát triển thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc; kinh phí hoạt động còn hạn chế, chưa cân đối được nguồn kinh phí cho công tác triển khai thực hiện.

Tại hội thảo vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong Đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tổ chức tại tỉnh Trà Vinh vừa qua, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: “Đây là Đề án lớn với nhiều nội dung và hoạt động mang tính liên ngành, liên vùng. Vì vậy, cần có sự quyết tâm, nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và sự chủ động vào cuộc của các địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần huy động tối đa các nguồn lực và đóng góp của các doanh nghiệp, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, trong đó nội lực là chiến lược quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đồng thời, các địa phương cần rà soát, củng cố, kiện toàn lực lượng khuyến nông, tập huấn nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông cộng đồng. Khuyến cáo người dân tham gia hợp tác xã từ thời gian đầu để hiểu và triển khai Đề án kịp thời và đồng bộ; tham mưu cơ chế, chính sách để hỗ trợ kinh phí cho lực lượng khuyến nông cơ sở…”.

Còn theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, với việc đồng hành cùng nông dân trong quá trình triển khai, hệ thống khuyến nông, khuyến nông cộng đồng thời gian tới cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức từ Trung ương tới địa phương; đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác khuyến nông, nhất là lực lượng khuyến nông cộng đồng để trở thành những chuyên gia trong sản xuất lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung; xây dựng kế hoạch triển khai Đề án cho từng năm, từng giai đoạn cụ thể; làm rõ phương án tổ chức thực hiện cho từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể; làm tốt công tác phối hợp ban chỉ đạo Đề án, chính quyền địa phương, các đối tác tham gia trong quá trình triển khai, thực hiện…

Tags:
CHIA SẺ