Khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích sầu riêng

BVR&MT – Trước tình trạng người dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng sầu riêng, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã lên tiếng cảnh báo rủi ro.

Đến năm 2025, Đắk Nông sẽ phát triển đạt 5.000ha sầu riêng. Tuy nhiên, mới đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã có khoảng 6.000ha sầu riêng, vượt xa so với quy hoạch.

Từ tháng 7/2022, trái sầu riêng của Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc nên giá thu mua loại trái cây này tăng, người trồng có thu nhập cao và ổn định. Do đó, nhiều hộ dân ở Đắk Nông đã ồ ạt mở rộng diện tích, thậm chí phá bỏ cây trồng khác để trồng sầu riêng… Điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá, thị trường tiêu thụ và dịch bệnh phát sinh.

Theo quy hoạch, đến năm 2025 Đắk Nông sẽ phát triển đạt 5.000ha sầu riêng. Tuy nhiên, mới đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã có khoảng 6.000ha sầu riêng, vượt xa so với quy hoạch. Theo dự báo của cơ quan chức năng, diện tích sầu riêng vẫn tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Diện tích sầu riêng tăng nhanh được xác định do phía Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch đã tạo ra nhiều cơ hội, mang lại nhiều lợi ích cho người trồng.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, giá bán sầu riêng khá cao, hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với một số cây trồng khác nên nông dân Đắk Nông dần chuyển đổi sang trồng sầu riêng chuyên canh hoặc xen canh trong các vườn cây công nghiệp, mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập. Thậm chí, một số nông hộ còn phá bỏ nhiều diện tích cà-phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng, hoặc để đáp ứng tiêu chí sầu riêng trồng thuần của phía nhập khẩu.

Người dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích trồng sầu riêng.

Tuy đem lại lợi nhuận, nhưng việc ồ ạt mở rộng diện tích trồng sầu riêng đang tiềm ẩn những hệ lụy khó lường. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đắk Nông, hiện nay diện tích, sản lượng sầu riêng đã cơ bản cân bằng với nhu cầu thị trường. Tỉnh cũng đã định hướng tập trung sản xuất sầu riêng theo hướng chất lượng cao thay vì mở rộng diện tích. Do đó, khi người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.

Mặt khác, nhiều nông hộ trồng sầu riêng ở vùng không phù hợp; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng môi trường đất, chưa bảo đảm chất lượng của sản phẩm; giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc dễ xảy ra dịch bệnh, khó đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Do đó, để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm sầu riêng hướng đến thị trường xuất khẩu, người nông dân cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích, lựa chọn giống phù hợp, bảo đảm chất lượng. Các cấp, ngành chức năng cần rà soát, thống kê diện tích, nghiên cứu thị trường, kịp thời có định hướng, quy hoạch và khuyến cáo cho người trồng, tránh rủi ro khi thị trường, giá cả đổi chiều.