Hy vọng mới cho loài tê giác trắng phương Bắc

BVR&MT – Việc tạo ra ba phôi tê giác trắng phương Bắc mới có thể cho thấy hy vọng đối với các loài tê giác khác.

Vào đầu tháng 7, lời hứa phù du về một cuộc sống mới trong chớp mắt đã thành hiện thực. Không phải theo cách thông thường mà là trên một tấm kính hiển vi trong một phòng thí nghiệm vô trùng ở Cremona, Ý, cách lãnh thổ tổ tiên của sinh vật ở châu Phi cận Sahara hàng nghìn dặm. Ngay sau đó, các kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm đã nhúng nó vào nitơ lỏng, đóng băng sự phát triển của sinh vật ở nhiệt độ -196°C (-321°F).

Mặc dù chỉ có kích thước vài tế bào nhưng phôi thai – một trong ba tế bào được tạo ra vào mùa xuân này đại diện cho hy vọng đối với loài tê giác trắng phương bắc gần như tuyệt chủng (Ceratotherium simum cottoni).

BioRescue – tập đoàn gồm Viện nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW) ở Đức, Công viên Safari Dvůr Králové ở Cộng hòa Séc, Dịch vụ Động vật Hoang dã Kenya và Ol Pejeta Conservancy ở Kenya – đã công bố việc tạo ra các phôi vào tháng 7, nâng tổng số phôi tê giác trắng phương Bắc hiện có lên 12, đánh dấu thành tựu lớn đối với phân loài chỉ còn lại hai thành viên: một cặp mẹ – con gái nhưng cả hai đều không có khả năng sinh con.

Đáng chú ý là một trong những phôi được tạo ra bằng cách sử dụng vật liệu di truyền từ một cá thể tê giác đực tên là Angalifu, tinh trùng của cá thể này trước đây được cho là chất lượng quá thấp để tạo ra con cái có thể sống được, làm tăng thêm sự đa dạng di truyền quan trọng cho nguồn phôi. Tất cả các phôi khác cho đến nay đều được tạo ra từ tinh trùng của một cá thể tê giác trắng phương bắc tên là Suni.

Tập đoàn BioRescue có một chiến lược táo bạo: cấy phôi tê giác trắng phương bắc vào cá thể cái của tê giác trắng phương nam (Ceratotherium simum simum), một loài phụ có quan hệ họ hàng gần và có cùng thời gian mang thai với người anh em họ phương bắc. Về lý thuyết, sự phát triển của cá thể con cũng nên tiến hành tương tự, cho phép các nhà nghiên cứu cải thiện bản chất tự nhiên và tạo ra con cái từ một phân loài không có con cái có khả năng sinh sản.

Najin và Fatu, hai cá thể tê giác trắng phương Bắc cuối cùng còn sót lại trên hành tinh, được nuôi dưỡng tại Ol Pejeta Conservancy ở Kenya, nơi chúng được chuyển đến vào năm 2009 từ vườn thú Dvůr Králové. Các nhà khoa học thu hoạch trứng của chúng 3-4 tháng/lần, sau đó vận đưa tới phòng thí nghiệm Avantea ở Cremona, nơi trứng được xử lý và lưu trữ. Trong chu kỳ gần đây nhất, các nhà nghiên cứu quyết định không thu thập trứng từ Najin do yếu tố tuổi tác và tình trạng những quả trứng còn lại của cá thể này.

Thuật ngữ cho việc lấy trứng là “chọc noãn” (ovum pickup), một kỹ thuật lần đầu tiên được phát triển cho bò và các vật nuôi lớn khác. Ở người, thủ thuật lấy trứng tương đối đơn giản, ít nguy cơ biến chứng. Ngược lại, với tê giác, ngay cả những sai sót nhỏ trong quy trình lấy noãn cũng có thể khiến tê giác bị chết, làm tăng thêm nguy cơ đáng kể khi gây mê một cá thể hoang dã nặng khoảng 1,7 tấn.

Najin và Fatu, hai cá thể tê giác trắng phương Bắc cuối cùng còn sót lại trên hành tinh được nuôi dưỡng tại Ol Pejeta Conservancy ở Kenya. Hình ảnh: BioRescue / Rio

Thomas Hildebrandt, chủ nhiệm y học sinh sản động vật hoang dã tại Freie Universität Berlin cho biết nếu mọi việc suôn sẻ, một trong 12 phôi tê giác trắng phương Bắc có thể sớm được cấy vào một con tê giác trắng phương nam cái vào cuối năm nay.

Tốc độ của dự án là cần thiết khi Najin và Fatu ngày càng già đi, quá trình xã hội hóa của một con con bị thu hẹp và có nguy cơ mất đi kiến ​​thức xã hội quan trọng giúp các loài phụ tồn tại trong phạm vi tự nhiên. Trong khi đó, tê giác trắng phương Nam, loài có quan hệ họ hàng gần đang tiến hóa để phát triển mạnh trong một môi trường sống khác biệt đáng kể.

Để đảm bảo các phôi được sử dụng hiệu quả, trước tiên, BioRescue tiến hành thử nghiệm quy trình sử dụng phôi tê giác trắng phương nam để chứng minh rằng một con non khỏe mạnh có thể được tạo ra từ phôi trong phòng thí nghiệm.

Ngoài phương pháp trên, các nhà nghiên cứu cũng có một lựa chọn khác. Barbara Durrant, Giám đốc khoa học sinh sản tại Henshaw Endowed thuộc Sở thú San Diego bật mí về một kỹ thuật khác được BioRescue và Sở thú San Diego áp dụng tiên phong và thực hiện song song, giúp tạo ra các phôi có thể sống được mà không cần gây mê cho cá thể cái khi chọc noãn. Theo đó, các nhà nghiên cứu thu thập tế bào từ một bộ phận khác của cơ thể tê giác, điển hình là da, và sử dụng các tác nhân tái lập trình hóa học để chuyển các tế bào này về tế bào gốc. Sau đó, các nhà khoa học có thể phát triển các tế bào gốc thành các tế bào sinh sản, tạo ra các phôi với tất cả các vật chất di truyền cần thiết để phát triển đầy đủ. Đây là chiến lược rất quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của các loài phụ vì tê giác đã chết lâu ngày không có tế bào sinh sản được bảo tồn có thể được đưa vào vốn gen.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một quần thể tê giác trắng phương bắc có thể tự duy trì được”, Durrant nói. Nếu không có sự đa dạng di truyền bổ sung, tê giác trắng phương bắc có thể phải đối mặt với những tắc nghẽn di truyền vốn cản trở các loài phụ khác trở lại sau bờ vực tuyệt chủng, chẳng hạn như báo Florida (Puma concolor coryi). Mặc dù phương pháp này mới tạo ra phôi và con non có thể sống được trước đây nhưng chỉ ở chuột thí nghiệm nhưng các thành viên đều khá lạc quan. Hiện các tế bào nuôi cấy nằm trong một cơ sở tại Sở thú San Diego có tên là Sở thú Frozen, nơi chứa vật liệu di truyền từ hơn 800 loài và phân loài.

Theo Durrant, chiến lược này có thể được sử dụng với tê giác Java (Rhinoceros sondaicus), loài không thể khai thác noãn vì không có cá thể bị nuôi nhốt. Các kỹ thuật thu thập ít xâm lấn phù hợp với động vật hoang dã có thể là một lợi ích to lớn cho các nỗ lực bảo tồn.

Cả Durrant và Hildebrandt đều nói rằng trong khi cả loài tê giác Java và loài tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) đều có ít hơn 100 cá thể thì ngân hàng vật liệu di truyền hiện nay có thể là vũ khí quan trọng chống lại viễn cảnh quần thể suy giảm thêm. Tuy nhiên, các nhóm hy vọng điều này sẽ không xảy ra.

Phương pháp khai thác noãn tê giác có hướng dẫn bằng siêu âm. Hình ảnh: BioRescue / Rio

Tình huống khó xử về đạo đức

Đối với Barbara De Mori, Giám đốc Phòng thí nghiệm đạo đức về thú y, bảo tồn và phúc lợi động vật tại Đại học Padua ở Ý, công việc đang được thực hiện để cứu tê giác trắng phương Bắc không chỉ là cứu các loài phụ.

Nhóm nghiên cứu của De Mori chịu trách nhiệm thực hiện các đánh giá đạo đức chuyên sâu cho từng quy trình liên quan đến Najin và Fatu. Phạm vi đánh giá đạo đức rộng hơn so với bản thân động vật: nhóm cũng đặt các yếu tố về sự an toàn của nhân viên, tính minh bạch với các đối tác địa phương và khả năng tham gia của người dân địa phương.

Với tê giác trắng phương Bắc, lựa chọn lấy trứng bằng cách dùng thuốc gây mê cho hai cá thể cuối cùng là tương đối rõ ràng: cố gắng hết sức để cứu phân loài thông qua các biện pháp nhân tạo hoặc là mất hoàn toàn. Tuy nhiên, quyết định không đơn giản đối với những người chịu trách nhiệm bảo vệ các loài tê giác cực kỳ nguy cấp khác bởi các nhà nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được kỹ thuật dòng tế bào của BioRescue và Frozen Zoo tức chiết xuất trứng có thể là phương pháp nhân tạo duy nhất hiện có.

Lợi ích của việc chiết xuất một quả trứng, một cứu cánh quý giá cho một loài có thể biến mất có thể không lớn hơn khả năng mất đi một con cái sinh sản do các biến chứng trong quá trình phẫu thuật. Gây mê một cá thể tê giác không phải là một điều dễ dàng.

Các nhà quản lý bảo tồn có thể quyết định rằng sinh sản tự nhiên là cách an toàn hơn để sản xuất con non, và cho đến nay, phôi tê giác nuôi trong phòng thí nghiệm cũng vẫn chưa được chứng minh, không có ca sinh thành công.

Chuẩn bị gây mê. Việc gây mê một cá thể tê giác nặng 1.700 kg rất khó. Hình ảnh: BioRescue / Rio

Nina Fascione, Giám đốc điều hành International Rhino Foundation cho biết việc lai tạo tự nhiên với tê giác Sumatra đã được chứng minh và các công nghệ sinh sản nhân tạo là phương pháp bổ sung cho điều này.

Cũng theo Fascione, một hội đồng chăn nuôi quốc tế thường xuyên họp bàn để thảo luận về những rủi ro tương đối và giá trị của các chiến lược sinh sản khác nhau, bao gồm vấn đề của tê giác. Trong trường hợp tê giác Sumatra, họ cũng quyết định bắt cá thể nào từ tự nhiên để nuôi nhốt dù điều này gây ra nhiều vấn đề về đạo đức. Và mặc dù những nỗ lực bị cản trở đáng kể bởi đại dịch nhưng các nhóm và nhân viên Indonesia vẫn tiếp tục theo dõi và nỗ lực nhân giống tê giác.

Terri Roth, Giám đốc đơn vị bảo tồn và nghiên cứu các loài hoang dã nguy cấp (CREW) tại Vườn bách thú & Vườn bách thảo Cincinnati – người giám sát nỗ lực thành công duy nhất để nhân giống tê giác Sumatra ở Mỹ và là người đề xuất các chương trình giao phối tự nhiên nghiêm ngặt cũng như nỗ lực bảo tồn chuyên sâu đối với các giải pháp công nghệ cao – cho biết chúng ta có thể tạo ra phôi tê giác Sumatra và cấy chúng vào những cá thể cùng loài để tối đa hóa sự đa dạng di truyền nhưng điều này chỉ nên được thực hiện khi một quần thể con cái sinh sản khỏe mạnh vẫn còn. Bà cảnh báo phương pháp này không thay thế cho các kế hoạch chăn nuôi tự nhiên hoặc bảo tồn môi trường sống, và theo bà, việc tạo ra một con non không cứu được một loài, nó có thể chứng minh công nghệ là khả thi nhưng chúng ta sẽ mất nhiều hơn thế.

Tương lai cho tê giác

Trong khi các chuyên gia có thể có ý kiến ​​khác nhau về những con đường tốt nhất phía trước dành cho tê giác thì tất cả dường như đều đồng ý ở một điểm: chúng ta không bao giờ nên để số lượng tê giác trắng phương Bắc giảm xuống mức thấp như vậy ngay từ  đầu. Và để những nỗ lực bảo tồn không ngừng có bất kỳ cơ hội thành công nào, số lượng quần thể tê giác khác không bao giờ được trở nên thấp đến mức đáng lo ngại.

Cathy Dean, Giám đốc điều hành Save the Rhino cảnh báo chúng ta cần cảnh giác với lập luận khoa học sẽ cứu chúng ta và cô hy vọng sự chú ý dành cho tê giác trắng phương Bắc có thể sẽ thúc đẩy sự ủng hộ của công chúng đối với các loài khác vẫn còn quần thể sinh sản trong tự nhiên. Dù vậy, Dean và nhiều ý kiến cho rằng những nỗ lực của BioRescue và Vườn thú San Diego có thể trở nên cần thiết, đặc biệt là đối với loài tê giác Sumatra, loài có số lượng dân số rất nhỏ.

Quá trình khai thác noãn tê giác. Hình ảnh: BioRescue / Rio

Nếu các nỗ lực khác không thành công, các chuyên gia có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cứu thêm các loài khác.

Ngược lại, nếu thành công, cá thể tê giác con sẽ sống trong một đàn tê giác trắng phương nam và phương bắc, học các bài học trên đồng cỏ của Ol Pejeta Conservancy mà lẽ ra chúng đã được dạy cách đây nhiều năm và cách xa hàng dặm trong phạm vi bản địa của nó ở châu Phi cận Sahara.

Các chuyên gia cho rằng thành tựu này sẽ nhắc nhở nhân loại rằng mặc dù chúng ta có thể đưa các loài trở lại từ nguy cơ gần như tuyệt chủng nhưng nó vẫn phải trả một cái giá lớn và mất mát nhiều.

Huyền Trang (Theo Mongabay)

Tags:
CHIA SẺ