BVR&MT – Nồi nhôm đúc vật dụng có từ lâu đời tại xã Cải Viên, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt của người dân địa phương. Từ những dụng cụ thô sơ, đôi tay khéo léo và sự sáng tạo, ông Lương Văn Thàn (xóm Tả Piẩu, xã Cải Viên) đã làm ra những chiếc nồi nhôm với nhiều loại kích cỡ khác nhau có độ bền và đẹp theo năm tháng.
Hiện nay khi bếp ga, các thiết bị điện… được các gia đình ưa chuộng thì người dân vùng cao trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn duy trì sử dụng bếp củi. Do kinh tế khó khăn không có điều kiện sử dụng bếp ga, một số nơi vùng sâu vùng xa chưa có điện đóm nên người dân luôn ưu tiên sử dụng bếp củi trong việc nấu nướng của gia đình. Theo đó, nghề đúc nồi nhôm truyền thống cũng đã đi theo người dân từ đời này qua đời khác. Với ông Lương Văn Thàn dù đã cận kề tuổi 70 nhưng ông vẫn luôn trăn trở với cái nghề đúc nồi nhôm truyền thống của gia đình.
Ông đến với nghề này chẳng phải qua trường lớp gì. Ngày còn bé, ông phụ giúp ông, bố và một số thợ trong làng đồng thời ghi nhớ các quá trình tạo ra một chiếc nồi nhôm đúc, dần dần theo năm tháng ông thạo nghề từ lúc nào mà không hay. Đến nay ông đã có hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề. Theo ông, học nghề đúc nồi không quá khó nhưng ngoài sự cần cù, chịu khó đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo mới tạo ra được chiếc nồi đẹp, bền và hoàn chỉnh.
Nồi dùng trong bếp củi khác với các nồi khác dùng cho bếp ga hay điện. Nồi thường làm bằng nhôm có độ dày và cân nặng lớn hơn. Với nồi nhôm đúc Cải Viên có đa dạng kích cỡ từ 1,5kg đến 5kg, nồi tròn, đáy dày và mỏng dần về miệng nồi. Vì dễ truyền nhiệt và giữ được nhiệt lâu, những món ăn được nấu bằng nồi nhôm đúc có độ thơm và hương vị đậm đà. Hiện nay, nhiều gia đình ở thành thị dù sử dụng bếp ga vẫn tìm đến đặt nồi để nấu những món kho và hầm xương.
Ông Thàn cho biết, trước đây nguyên liệu để đúc nồi đều thu gom từ lon nước người ta bỏ hay xin vụn nhôm từ các công trường. Sau nhiều năm hành nghề ông sử dụng số vốn thu được từ việc bán nồi để nhập nguyên liệu. Nhôm sau khi nung chảy được đổ ra thành từng miếng nhôm tròn. Kích thước của nồi tuỳ thuộc vào nhu cầu của khách hàng muốn đặt to hay nhỏ. Sau khi nhôm đã cứng lại, ông tiếp tục cho vào lửa nung để nhôm dẻo rồi mang ra dập. Vài năm trở lại đây, do sức khoẻ không được như trước, ông Thàn đã đầu tư máy dập giúp tiết kiệm sức lực và rút ngắn thời gian dập nhôm. Công đoạn này được lặp đi lặp lại khoảng 5 lần để miếng nhôm hết phồng, tạo độ bền.
Đến khi miếng nhôm đạt được độ dày vừa ý, ông đưa ra khuôn gỗ để dập tạo hình. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo từ bàn tay người thợ. Gọi là khuôn nhưng thực chất đó chỉ là một khúc gỗ lớn được ông đục thành những hố tròn để tạo hình cho nồi. Ông Thàn cho biết, nhiều khách hàng khi nhận nồi đều kiểm tra tạo hình của nồi trước, sau đó mới đến chất lượng vì nồi nổi tiếng về độ bền, sử dụng được từ 10 đến vài chục năm không hỏng. Nhiều khách hàng của ông đều từ người quen giới thiệu tìm tới, đã có khách hàng từ trong Nam đặt hàng với ông vì được khen chất lượng mà giá thành hợp lý.
Để giữ nghề đúc nồi truyền thống thì việc dạy nghề vẫn là một bài toán khiến ông trăn trở. Những thế hệ bây giờ đã không còn hứng thú với nghề này nữa, khi điều kiện kinh tế, giao thông được cải thiện nhiều thanh niên lựa chọn đi làm xa nhà nên rất khó trong việc truyền dạy. Ông Thàn hi vọng, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ đưa ra các giải pháp, chính sách để khuyến khích việc học và dạy nghề truyền thống góp phần gìn giữ nét bản sắc văn hoá dân tộc của quê hương.
Thực hiện: Nông Mới – Biên dựng: Thạch Lam