Hạt nhân chi bộ trong xây dựng nông thôn mới

BVR&MT – Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 2/2023, cả nước đã có hơn 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này được Trung ương đánh giá là to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử.

Đảng ủy xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) gặp gỡ các Bí thư chi bộ và điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.

Trong giai đoạn mới, nông thôn mới được nâng cao tiêu chí, hướng đến sự phát triển bền vững, đi vào chiều sâu. Yêu cầu này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, vì lợi ích của nhân dân.

Chi bộ nắm thôn, đảng viên nắm hộ

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm đổi thay căn bản bộ mặt nông thôn tại các địa phương trong cả nước. Để có được kết quả này, các chi bộ ở nông thôn, chi bộ các tổ dân phố đã có nhiều cách làm sáng tạo, giải pháp cụ thể phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.

Cách nay hơn 5 năm, tại xã Điền Lư, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, Chi bộ thôn Điền Lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng nông thôn mới đã đề ra phương châm “Chi bộ nắm thôn, đảng viên nắm hộ”.

Thời điểm đó, đồng chí Lê Chí Dũng Bí thư chi bộ thôn được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Từ xuất phát điểm thấp, thôn Điền Lý quyết tâm vươn lên xây dựng nông thôn mới. Phương châm “Chi bộ nắm thôn, đảng viên nắm hộ” của chi bộ sau này đã được tuyên truyền, nhân rộng tới nhiều chi bộ trong cả nước.

Có dịp về thôn Huổi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, chúng tôi biết đến mô hình đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn. Thôn Huổi Cọ có 100% đồng bào dân tộc H’Mông, kinh tế nghèo nàn, phương thức canh tác lạc hậu. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ thôn, các đảng viên đã kiên trì vận động người dân trồng cây chanh leo, tạo hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo thôn Huổi Cọ giảm từ 60% xuống dưới 5% chỉ trong vòng 2 năm… Mô hình đảng viên giúp đỡ hộ nghèo cùng với phương châm “Chi bộ nắm thôn, đảng viên nắm hộ” không chỉ tạo đột phá trong vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước mà còn cho thấy cách làm sáng tạo, gắn với hoạt động thực tiễn tại cơ sở.

Mới đây, trong chuyến công tác tại hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, chúng tôi ghi nhận nhiều “điểm sáng” trong công tác phát triển đảng tại cơ sở, trong đó nhấn mạnh vai trò hạt nhân của tổ chức cơ sở đảng đối với xây dựng nông thôn mới.

Có nhiều việc làm chưa có tiền lệ đã được áp dụng vào thực tiễn, tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Mô hình “Chi bộ ngư dân” ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An là một thí dụ. Xuất phát từ nhu cầu tham gia sinh hoạt đảng của nhiều ngư dân, nhưng do hoàn cảnh công việc, thời gian không cho phép sinh hoạt định kỳ tại đất liền, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An đã áp dụng thí điểm mô hình “Chi bộ ngư dân”.

Bí thư Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập Phan Văn Hải cho biết: Qua hơn một năm thành lập, chi bộ thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo ngư dân bám biển, phát triển kinh tế, khẳng định chủ quyền của đất nước trên biển, đồng thời đúc rút kinh nghiệm và hình thành phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với điều kiện hoàn cảnh. Đơn cử như việc giao cho đảng viên phụ trách tàu, nhóm tàu đã góp phần nâng cao ý thức của ngư dân, hạn chế, giảm thiểu việc vi phạm Luật Biển và các công ước quốc tế của các thuyền, thuyền viên. Chi bộ thường xuyên phổ biến tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ hội viên, thành viên trong Hội nghề cá Quỳnh Lập phát triển kinh tế hộ gia đình.

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoàng Mai Đàm Hữu Hồng chia sẻ: Ngoài Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập, tại địa phương còn có các chi bộ trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước của các doanh nghiệp, trường học… thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực góp phần cùng chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Đảng viên Chi bộ thôn Huổi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) hướng dẫn người dân trồng chanh leo.

Tập hợp sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng

Từ thực tiễn địa phương, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) Lê Văn Tuấn đánh giá: Trong bất cứ hoàn cảnh nào đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các đồng chí bí thư, cấp ủy viên chi bộ cơ sở đều là hạt nhân xung kích trong việc tập hợp lực lượng, vận động quần chúng nhân dân xây dựng nông thôn mới, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa.

Mới đây, Huyện ủy Triệu Sơn ban hành Nghị quyết 12-NQ/HU về việc mở rộng đường giao thông nông thôn. Sau tám tháng nghị quyết đi vào cuộc sống, người dân đã hiến tặng 22 nghìn mét vuông đất ở, mở rộng 240 km đường, tạo nên cú bứt phá ngoạn mục, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị.

Còn nhớ vào tháng 8/2022, khi Nghị quyết 12 bắt đầu được triển khai, huyện đã thành lập các ban chỉ đạo ở nhiều cấp, huy động hệ thống chính trị vào cuộc. Các bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn, tổ dân phố đã kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân hiến đất làm đường. Trong đó, nổi bật là nhiều chi bộ điển hình ở các thôn, xóm, khu dân cư, đảng viên tiên phong hiến đất mở đường và vận động, thuyết phục người dân cùng tham gia. Từ sự gương mẫu của các đảng viên đã tạo sức thuyết phục lớn, người dân đều phấn khởi, tự nguyện tham gia phong trào.

Xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là địa phương miền núi đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nên việc giữ phong trào cũng được Đảng ủy xã coi là nhiệm vụ quan trọng.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành Lê Thị Lụa, để tập hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ chủ động trong việc lập kế hoạch, chương trình hành động. Các chi bộ thực hiện tốt vai trò lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội duy trì nền nếp, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới và coi đó là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Chính sự chỉ đạo sát thực tiễn đã giúp các chi bộ có thêm “không gian sáng tạo”, triển khai nhiều cách làm hay, sáng kiến mới trong tập hợp lực lượng, duy trì phong trào “Đoạn đường kiểu mẫu”, “Đường hoa yêu thương”, “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp”, mô hình “Không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Ngày thứ 7 cùng dân”… và diện mạo nông thôn ngày một đổi mới, “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 2/2023, cả nước đã có hơn 6.000/8.211 xã (hơn 73%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 958 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 113 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Trung ương đánh giá là đạt kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Biểu hiện rõ nét nhất được thể hiện qua mức thu nhập của người dân tăng lên hằng năm. Khoảng cách về thu nhập giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị giảm dần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh ở khu vực nông thôn góp phần chủ yếu vào kết quả của chiến lược giảm nghèo quốc gia.

Trong giai đoạn 2021-2025, Đảng, Chính phủ đã đưa ra những tiêu chí và nội dung cụ thể trong xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao chất lượng và phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

Qua tổng kết và thực tiễn đã chứng minh, vai trò hạt nhân lãnh đạo của các tổ chức đảng ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới được phát huy trên mọi mặt. Các chi bộ nắm chắc tình hình thực tiễn và các mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của địa phương để lựa chọn vấn đề, nội dung đưa vào nghị quyết lãnh đạo phù hợp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức hội, đoàn thể và đảng viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện.

Các mô hình “Chi bộ nắm thôn, đảng viên nắm hộ”, “Đảng viên nêu gương trong việc khó”, “Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo”, “Chi bộ 4 tốt, đảng viên 5 gương mẫu”… trở thành những cách làm tiêu biểu. Kinh nghiệm của một số địa phương đang xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu cho thấy, cấp ủy các cấp luôn xác định phải phát huy vai trò đi đầu và nòng cốt của đảng viên. Chi bộ phải là hạt nhân của quá trình xây dựng nông thôn mới, phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khơi dậy sức mạnh cộng đồng.

Các địa phương đẩy mạnh việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, nhất là nguồn lực từ xã hội hóa, đồng thời tạo “không gian” và sự tự chủ cho các chi bộ thống nhất ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch khắc phục từng tiêu chí chưa đạt. Đối với mỗi tiêu chí, nhiệm vụ, chi bộ đều đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của đảng viên và nhân dân. Qua đó, tạo được sự đoàn kết trong chi bộ, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, khẳng định vai trò và nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.