Hà Nội: Ô nhiễm môi trường từ những xưởng tái chế sắt.

BVR&MT- Thời gian vừa qua, tòa soạn baovemoitruong.org.vn nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ những xưởng tái chế sắt phế liệu trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Những thùng phuy đựng dầu được các chủ xưởng thu mua để phục vụ việc nấu thép phế liệu, ngay cạnh là ruộng lúa đang canh tác của người dân xã Đông Xuân.

Cụ thể, trên địa bàn xã  tồn tại  nhiều xưởng tái chế sắt phế liệu thành phẩm bằng những công nghệ thủ công lạc hậu. Hàng ngày các cơ sở này xả thải ra môi trường khói bụi, chất thải rắn nguy hại và đặc biệt xả thải trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Dân ý kiến, chính quyền tắc trách

Theo như người dân phản ánh: những xưởng nấu sắt này chủ yếu thực hiện vào ban đêm, mỗi lần họ nấu sắt phế liệu là nhà nào cũng phải đóng kín cửa,  khổ nhất nhưng ngày mùa hè cứ đêm đến là đóng kín cửa…, mặc dù chúng tôi có đơn thư ý kiến rất nhiều lần lên chính quyền xã Đông Xuân nhưng không được giải quyết dứt điểm, những xưởng sắt này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Xỉ than được các chủ xưởng xả thải trực tiếp ra môi trường.

Trước những bức xúc của bà con nhân dân trong vùng, tòa soạn baovemoitruong.org.vn đã cử phóng viên đến xác minh và có thông tin đa chiều, kịp thời tới bạn đọc.

Theo đúng như phản ánh, những xưởng nấu sắt thép, tái chế phế liệu tại xã Đông Xuân gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường trong địa bàn xã Đông Xuân và xã Tiên Dược…

Nước thải chưa qua xử lý được các chủ xưởng xả thải trực tiếp ra môi trường qua những hệ thống kênh mương tưới tiêu của xã Đông Xuân.

Tận mục sở thị những xưởng nấu sắt thủ công đang tồn tại ở xã Đông Xuân, phóng viên ghi nhận tất cả các xưởng sản xuất nấu đúc sắt trên đều không đáp ứng được các quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường…

Xưởng nấu thép tái chế ở xã Đông Xuân không đủ điều kiện về an toàn vệ sinh lao động và phòng cháy chữa cháy.

Sắt phế liệu được các chủ lò mua thu gom tập kết về đây và cho vào nồi nấu thành những khối sắt hình trụ, sau đó cán ra thành các hình thù khác nhau để đưa ra thị trường tiêu thụ. Tại hiện trường khói bụi mù mịt, chất lỏng làm nguội sắt tràn lênh láng, mùi than đốt bốc lên nồng nặc, khiến những người mới đến ho sặc sụa khi hít phải khí thải và bụi than…, xỉ than được các chủ lò đổ trực tiếp ra môi trường ngay cạnh là những ruộng lúa xanh tốt đang được nhân dân canh tác. Nước làm nguội khi nấu sắt cũng được chủ xưởng xả trực tiếp ra môi trường qua hệ thống mương máng kênh nội đồng tưới tiêu của xã.

Ô nhiễm môi trường nhưng cơ quan chức năng vẫn ưu tiên?

Qua tìm hiểu PV được biết chủ thực sự của những xưởng sắt này là người Đa Hội, Bắc Ninh – nơi có nghề nấu sắt. Khi sang xã Đông Xuân thuê đất, ban đầu họ thuê để giới thiệu sản phẩm, sau này dần già họ chuyển sang nấu sắt.

Hệ thống ống xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường, ngay cạnh là những ruộng 2 vụ lúa của người dân đang canh tác.

Qua thông tin phản ánh thì những xưởng sắt này tồn tại từ năm 2008, cho đến nay xưởng nấu sắt phế thải đã tồn tại được khoảng gần 10 năm. Khu đất họ thuê đặt xưởng là khu đất chia theo nghị định 64/CP của chính phủ.

Như vậy, xưởng nấu sắt phế liệu này đã tồn tại từ rất lâu mà không được xử lý. Hàng ngày xả thải ra môi trường một lượng khí thải, nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nhân dân trong vùng đã nhiều lần có đơn thư gửi tới các cấp chính quyền đề nghị đóng cửa những xưởng sản xuất này. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà những cơ sở gây ô nhiễm môi trường này vẫn tồn tại cho đến nay trên diện tích đất cấy 2 vụ lúa. Và cần phải nói rõ xã Đông Xuân không phải là xã Làng Nghề nấu sắt phế liệu, hiện tại ở xã đang làm nghề trồng, xuất khẩu hoa nhài, và làm nông nghiệp.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự việc này!

Phượng Long