Hà Nội: Năm 2019, khoảng 112 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới

BVR&MT – Sở NN&PTNT Hà Nội vừa rà soát kết quả 2 năm thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg, ngày 27/4/2018, của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Theo đó, số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới ước đến 31/12/2019 là 112 HTX, đạt 100% so với chỉ tiêu được giao. Số lượng HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả năm 2018 là 570 HTX, ước đến 31/12/2019 là 700 HTX, đạt 77,1% so với chỉ tiêu được giao; số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đến 31/12/2019 là 52 HTX, đạt 170,3% so sánh với chỉ tiêu được giao. Đối với HTX nông nghiệp ngừng hoạt động đã giải thể 2 năm 2018 và 2019 là 17 HTX, số lượng hiện còn chưa giải thể được là 74 HTX. Về phát triển liên hiệp HTX nông nghiệp, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 4 liên hiệp HTX nông nghiệp, đạt 100% so sánh với chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ, tập trung vào các nội dung: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh; thành lập mới; tín dụng; xúc tiến thương mại… hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh… Đáng chú ý, năm 2019, Sở NN&PTNT đã tổ chức 2 lớp tập huấn và 2 đoàn học tập kinh nghiệm cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX và trang trại với số lượng tham dự gần 230 học viên; 50 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý HTX nông nghiệp về chuyên môn với gần 3.000 học viên.

Trong 2 năm qua, ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới. Cụ thể, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ 15 HTX nông nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Để nâng cao giá trị sản phẩm, các HTX đã tổ chức sản xuất hoặc hướng dẫn hộ thành viên sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn ATTP, xây dựng nhãn hiệu, 46 HTX đăng ký chương trình xây dựng truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản bằng tem điện tử QRcode.

Một số HTX đã tổ chức sản xuất theo hướng chất lượng an toàn, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có trên 60 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, hữu cơ… Một số HTX sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối, bước đầu các HTX đã có hiệu quả do tự kiểm soát được chất lượng sản phẩm của tất các khâu đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, về chính sách tiếp cận vốn và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, thành phố tiếp tục tạo điều kiện để các HTX tiếp cận nguồn vốn bình đẳng như các thành phần khác. Đồng thời, duy trì hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nhằm hỗ trợ các HTX và thành viên vay vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Về hỗ trợ thành lập mới HTX, 2 năm qua, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đã tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn đối với 100 HTX thành lập mới với tổng kinh phí thực hiện gần 1,7 tỷ đồng.

Thạch Thảo (tổng hợp)