Hà Nam: Nhân tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp sạch

BVR&MT – Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách trong việc phát triển kinh tế nông thôn đặc biệt là phát triển kinh tế từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Hà Nam, nhiều tấm gương phát triển kinh tế từ phụ nữ đã tham gia vào ngành nông nghiệp đã mang lại nhiều thành công.

HTX dịch vụ nông nghiệp An Ninh với hơn 1000 xã viên tham gia sản xuất nông nghiệp.

40 năm xây dựng HTX phát triển bền vững

Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) phát triển nhanh, tỷ lệ HTX làm ăn khấm khá ngày càng tăng. Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2020 có 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả vẫn là thách thức lớn. Để xây dựng được HTX phát triển hiệu quả cần có sự đoàn kết của tập thể thành viên HTX và người đứng đầu luôn là kim chỉ nam của một tập thể để có hướng đi đúng đắn.

Xem thêm:

Bình Lục ( Hà Nam): Xây dựng NTM gắn liền phát triển mô hình chuỗi liên kết

Huyện Bình Lục (Hà Nam): Phấn đấu về đích Nông thôn mới năm 2019

Xã An Ninh ( huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) là một địa phương về đích sớm trong chương trình Xây dựng Nông thôn mới. Đóng góp lớn là HTX khi đảm bảo được đời sống của người dân.

Trao đổi với Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Nguyễn Tất Sáu, chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: “Trong sự nghiệp xây dựng kinh tế địa phương, cùng với chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, bằng sự đóng góp tích cực của người dân, xã An Ninh đã về đích Nông thôn mới năm 2016. Đóng góp vào kinh tế địa phương phải nhắc đến HTX dịch vụ nông nghiệp An Ninh với nhiều thành tích lớn, luôn là đầu tàu trong việc hướng dẫn bà con xã viên trong hoạt động sản xuất nông nghiệp”.

Bà Hà Thị Lục – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã An Ninh (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam).

Người đứng đầu HTX là bà Hà Thị Lục với thâm niên chèo lái con thuyền HTX hơn 40 năm. Trải qua nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương, đến nay HTX dịch vụ nông nghiệp An Ninh vinh dự được nhận huân chương lao động hạng ba.

“Năm 2018, HTX với sự tham gia của hơn một nghìn xã viên hoạt động sản xuất nông nghiệp trên diện tích hơn 289 ha, trong đó quy mô trang trại là hơn 10 ha, trồng cây cam đường là 5 ha. HTX đứng ra là đầu mối liên kết sản xuất giữa các xã viên với công ty”, bà Hà Thị Lục chia sẻ.

Liên kết chuỗi sản xuất dưa trong nhà lưới

Nói về vụ dưa lưới đầu tiên trồng theo mô hình liên kết trong nhà kính công nghệ cao, chị Trần Thị Kiểm, xã Hưng Công (Bình Lục) cho hay: “Đây là hướng sản xuất mới và cho hiệu quả. Với 500m2 nhà kính trồng dưa lưới trong hơn 2 tháng cho lãi 20 triệu đồng”.

Mô hình dưa trồng trong nhà lưới liên kết chuỗi sản xuất.

Mô hình dưa lưới sản xuất trên diện tích nhà kính 500 m², chị Kiểm trồng 1.000 cây dưa lưới được doanh nghiệp liên kết cung cấp giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, dưa lưới cho năng suất đạt 1,5 tấn, trong đó hơn 80% số quả đạt loại I. Với giá doanh nghiệp thu mua 30 nghìn đồng/kg, vườn dưa lưới công nghệ cao cho giá trị 45 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 40%.

Mặc dù chỉ mới vụ đầu tiên áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, cây đã cho năng suất đạt từ 1,3 – 1,5 tấn theo yêu cầu, với số quả loại I đạt 80 – 90%.

Mục tiêu xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân giúp mở rộng phát triển sản xuất của tỉnh. Các mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà kính được thực hiện tại huyện Bình Lục đã chứng minh được hiệu quả. Để tiếp tục có vệ tinh liên kết với doanh nghiệp NNCNC rất cần có sự hỗ trợ của cả các cấp chính quyền và doanh nghiệp để người dân có điều kiện và yên tâm đầu tư sản xuất.

Văn Trì