BVR&MT – “Văn hóa là cốt lõi của dân tộc”, xác định được tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, những năm gần đây, xã Mường Cang (Than Uyên, Lai Châu) tiếp tục khuyến khích bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái nơi đây.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” gắn với xây dựng nông thôn mới, xã Mường Cang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái như: làn điệu hát then cổ, đàn tính, múa xòe, các lễ hội trong năm, trang phục truyền thống… Đồng thời, bài trừ phong tục mê tín dị đoan, hủ tục trong đám hiếu, hỷ…
Xã Mường Cang hiện có 1.323 hộ, trong đó 80% đồng bào dân tộc Thái. Trao đổi với chúng tôi, anh Lường Văn Pạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Cang cho biết: “Hằng năm, xã đưa văn hóa vào chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ, tuyên truyền, vận động Nhân dân thành lập các đội văn nghệ bản. Tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các bản trong ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, đăng ký hội thi, hội diễn văn nghệ trong huyện, tỉnh nhân các ngày lễ lớn”.
Ngày nay, khi xã hội phát triển, giao thoa giữa các nền văn hóa với nhau, thế hệ trẻ không còn mặn mà với nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái mà thay vào đó là những bài hát nhạc trẻ, nét văn hóa theo kiểu phương Tây,… đã làm cho giá trị văn hóa ngày càng mai một. Chị Lò Thị Yên – cán bộ văn hóa xã Mường Cang tâm sự: “Là người con của dân tộc Thái, thế hệ trẻ chúng tôi dù không biết hết được các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình nhưng cũng hiểu được giá trị của nó đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Thái. Chính vì vậy mà chúng tôi luôn giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc ấy để những thế hệ sau này còn biết về nguồn cội”.
Nhằm phát huy những giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ, xã Mường Cang thành lập 12 đội văn nghệ, duy trì 2 câu lạc bộ hát then – đàn tính và Hợp tác xã dệt may thổ cẩm. Đồng thời, xã cũng kết hợp với nhà trường thành lập đội văn nghệ, tạo điều kiện cho học sinh biểu diễn vào các dịp lễ hội, ngày tết thiếu nhi, trung thu… Bên cạnh đó, lồng ghép những nét văn hóa của dân tộc vào trong tiết học ngoại khóa để các em hiểu hơn về giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Anh Pạnh chia sẻ thêm: “Trong các dịp lễ hội của dân tộc Thái hoặc những ngày lễ, tết hàng năm, xã khuyến khích thiếu niên, nhi đồng tham gia biểu diễn, hát các ca khúc ca ngợi quê hương bằng chính tiếng Thái. Qua đó, các cháu nhận thức và hiểu rõ hơn giá trị của tiếng Thái, khơi dậy sự sáng tạo trong chương trình văn nghệ, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng và ý thức cần phải giữ gìn những giá trị đó”.
Chúng tôi đến nhà ông Lò Văn Sơi – bản Cang Mường đúng lúc Câu lạc bộ hát then – đàn tính đang sinh hoạt. Trước mắt chúng tôi là các bà, các chị trong trang phục áo cóm truyền thống của người Thái với đủ màu sắc sặc sỡ, đầu đội khăn đen, vai quàng thêm chiếc khăn hồng dài, trên tay cầm những quả xúc xắc vừa múa, vừa hát với nụ cười thật rạng rỡ; các chú, các anh trong chiếc áo nâu trầm đơn giản, tinh tế, trên tay cầm đàn tính nhảy múa trong điệu hát của dân tộc mình. Trò chuyện với chúng tôi, ông Sơi cho biết: “Câu lạc bộ hát then – đàn tính có 24 thành viên, trong đó 15 người trên 45 tuổi và 9 thanh niên. Câu lạc bộ sinh hoạt 1-2 lần/tháng, khi nào có chương trình biểu diễn, cuộc thi hay lễ hội thì sinh hoạt nhiều hơn. Câu lạc bộ được đi biểu diễn không chỉ ở huyện, tỉnh mà còn ở tỉnh Sơn La trong “Ngày hội văn hóa dân tộc Thái”. Qua cuộc nói chuyện, chúng tôi được biết, ông Sơi là thành viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và ông cũng tích cực tham gia sáng tác, viết, phiên dịch tiếng Thái để truyền lại cho thế hệ trẻ.
Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc chính là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Đối với Mường Cang, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội xã ngày càng phát triển.