Giải cứu những dòng sông ô nhiễm

Đóng vai trò quan trọng cho hệ thống thoát nước của Thủ đô, nhưng hiện nay, bốn con sông: Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu đang bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị và sức khỏe của người dân trong khu vực.

Ảnh minh họa: nước sông Tô Lịch ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng.

Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, nước sông Tô Lịch ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, thể hiện ở sự tăng quá cao nồng độ COD, BOD5, lượng ni-tơ tổng, phốt-pho tổng… và hàm lượng rất thấp ô-xy hòa tan. Lượng kim loại nặng khá lớn.

Theo ước tính, sông Tô Lịch mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ hơn 300 cống xả thải lớn nhỏ. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất, bệnh viện… chưa được trang bị hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp xuống lòng sông. Tại các chợ dọc hai bên bờ sông, một số người dân thường xuyên vứt túi rác, ni-lông, chai nhựa, thùng xốp… xuống sông. Điều này khiến tình trạng ô nhiễm rác thải ngày càng trầm trọng.

Chất thải, rác bị đổ xuống dòng sông đã tích tụ qua nhiều năm khiến dòng nước sông bốc mùi và ô nhiễm nặng nề. Không chỉ sông Tô Lịch, Hà Nội còn nhiều dòng sông khác cũng đang trong tình cảnh “chết dần, chết mòn”. Sông Lừ chỉ dài hơn 3 km nhưng phải tiếp nhận 55.000m3 nước thải chưa qua xử lý mỗi ngày. Sông Kim Ngưu là dòng nước đen, bốc mùi hôi thối suốt nhiều năm.

Tình trạng ô nhiễm nặng nề của các con sông trong nội thành đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân sống ở dọc hai bên sông nhiều năm qua.

Những con sông ô nhiễm này thật sự là một vấn nạn với Thủ đô Hà Nội, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của vùng đất nghìn năm văn hiến. Tình trạng ô nhiễm nặng nề của các con sông trong nội thành đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân sống ở dọc hai bên sông nhiều năm qua.

Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), hiện nguồn nước ngầm của Hà Nội đang có nguy cơ bị ô nhiễm nặng. Nguyên nhân là do lượng nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường quá lớn.

Chỉ tính riêng trong khu vực nội đô, mỗi ngày lượng nước thải xả thẳng ra hệ thống sông, hồ vào khoảng 650.000m3/ngày, đêm. Phần lớn lượng nước thải ở khu vực nội đô Hà Nội vẫn chưa được xử lý triệt để, xả thẳng ra sông hồ sẽ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe cộng đồng người dân. Hiện nhiều khu vực ở Hà Nội, nước ngầm bị nhiễm các độc tố chính như măng-gan, sắt, asen và amoni… Đáng lưu ý, khi amoni đi vào cơ thể thì sẽ làm thay đổi hồng cầu, gây ra một số bệnh nan y.

Trước thực trạng này, được biết Thành phố Hà Nội đã đưa ra và thực hiện một số giải pháp để giảm ô nhiễm và làm sạch hệ thống sông, hồ nội đô. Nhiều trạm xử lý nước thải đã được xây dựng. Ngoài ra, nhiều dự án với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng cũng được Thành phố Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây.

Mới đây, tại cuộc tọa đàm nhằm đưa ra giải pháp làm “sống lại” 4 con sông nội đô, là Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, trong đó có Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng, nhiều ý kiến đã đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường các dòng sông.

Theo PGS, TS Trần Thị Việt Nga – Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường (Trường đại học Xây dựng Hà Nội), cấu trúc của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển không gian dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên. Trong đó, cấu trúc tự nhiên của các dòng sông trong nội đô đóng vai trò xương sống, cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó, những dải đất tự nhiên ven sông đóng vai trò là không gian xanh quan trọng trong hệ sinh thái của đô thị.

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường của Hà Nội chưa đáp ứng kịp thời so với thực tiễn phát triển; nhiều giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hệ thống sông nội đô chưa toàn diện và bền vững…

Thời gian tới, những thách thức và áp lực đối với môi trường của các con sông nội đô sẽ càng phức tạp do quá trình đô thị hóa. Vấn đề này sẽ làm nảy sinh các tác động đến môi trường nước mặt là điều không tránh khỏi. Do vậy, để giải quyết các vấn đề ô nhiễm và hồi sinh các dòng sông nội đô, cần phải có giải pháp đồng bộ.

Thời gian tới, những thách thức và áp lực đối với môi trường của các con sông nội đô sẽ càng phức tạp do quá trình đô thị hóa.

Theo đó, cùng với việc thực hiện nghiêm các quyết định, đề án của thành phố nhằm giải cứu các dòng sông ô nhiễm trong nội đô, các cơ quan và ngành chức năng cần khẩn trương rà soát, đánh giá sự phù hợp của các quy hoạch thủy lợi đối với sự phát triển Thủ đô hiện nay. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, trạm xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, làng nghề bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế… trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường.

NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ