‘Ép’ học sinh kém không thi lớp 10: Ngành giáo dục phủ nhận, phụ huynh vẫn bức xúc

BVR&MT – Hiện tượng nhà trường vận động, thậm chí “gây áp lực” không cho học sinh yếu, kém dự thi vào lớp 10 công lập vẫn được phụ huynh phản ánh, khiếu nại hàng năm.

Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao thông tin một số phụ huynh có con em học lực yếu, kém đang học lớp 9 tại Hà Nội đã được giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không dự thi vào lớp 10.

Trước thông tin này, Bộ GD-ĐT và UBND thành phố Hà Nội cũng đã lập tức chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Trả lời báo chí chiều qua 20/4, Phó Phòng GD-ĐT Cầu Giấy nói, qua kiểm tra hồ sơ thì không có hiện tượng ép học sinh yếu kém không được dự thi lớp 10 như thông tin trên mạng xã hội.

“Cũng có thể có những trường hợp phụ huynh học sinh hiểu không đúng ý của giáo viên, dẫn đến việc có thể giáo viên nói về kết quả học tập của con thì nghĩ rằng ép buộc, định hướng con phải thi trường nào đó”, vị này nói.

Đã gây bức xúc trong nhiều năm?

Tuy nhiên, không phải đến bây giờ, hiện tượng này mới gây xôn xao dư luận. Hàng năm, vào thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10, nhiều phụ huynh lại bức xúc khiếu nại chuyện được giáo viên vận động, ép buộc không cho con em mình được dự thi vào lớp 10. Thậm chí có năm, theo thống kê, có tới hơn 500 học sinh tốt nghiệp THCS ở một quận không tham gia thi.

Trước thực trạng này, vào năm 2016, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phải ra quy định, trường hợp không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT, cần có đơn tự nguyện của cha mẹ học sinh. Ở thời điểm đó, đại diện Sở GD-ĐT lý giải, việc bắt buộc phải có đơn của cha mẹ là để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh tình trạng các nhà trường hoặc các Phòng GD-ĐT vì thành tích mà ngăn cản, không cho học sinh có học lực yếu thi vào lớp 10.

Tuy nhiên, những năm sau, hiện tượng này vẫn được phụ huynh liên tục phản ánh. Một số phụ huynh cho biết, giáo viên thậm chí còn “tư vấn riêng” cha mẹ nên viết đơn xin tự nguyện cho con không tham gia thi vào lớp 10 công lập mà chuyển sang trường nghề.

Ảnh minh họa.

Hồi cuối tháng 6/2020, một số phụ huynh của Trường THCS Thanh Trì (Hoàng Mai) lên tiếng “tố” nhà trường gây áp lực không cho học sinh kém thi vào lớp 10 công lập vì cho rằng “với sức học ấy, để thi đỗ là điều rất khó”.

Theo lời những phụ huynh này, một số cha mẹ còn rưng rưng nước mắt xin cô giáo cho con được đi thi, “dù trượt gia đình cũng chấp nhận”. Tuy nhiên, họ lại nhận được câu trả lời rằng: “Bây giờ nhà trường sẽ cho điểm học bạ đúng theo năng lực, đến lúc đó các con cũng không thể đi thi vì học bạ rất xấu”.

Vì thế, họ bức xúc: “Chuyện trượt hay đỗ đều là sự lựa chọn, và các con phải chịu trách nhiệm với quyết định ấy. Nhưng cách làm của trường dường như đang tước đi quyền lợi của học sinh, khiến các con cảm thấy mình sớm bị loại khỏi cuộc đua chung”.

Cùng thời điểm đó, phụ huynh của Trường THCS Phú La (Hà Đông) cũng lên tiếng “tố” nhà trường vì đã yêu cầu một số cha mẹ phải viết đơn tự nguyện không cho con thi vào lớp 10 công lập.

Ban giám hiệu của cả hai trường này sau đó đều lên tiếng phủ nhận chuyện “ép buộc” học sinh. Nhà trường cho rằng, trong các cuộc họp với phụ huynh từng lớp, giáo viên chỉ báo cáo kết quả học tập, phân tích về năng lực, sở trường của từng em. Giáo viên chỉ hướng dẫn, tư vấn, còn mọi quyết định vẫn thuộc về học sinh, phụ huynh.

Có thể trong công tác phân luồng, thầy cô truyền tải không toát lên được quan điểm chung khiến phụ huynh hiểu sai theo ý ép buộc.

Nhưng đến năm 2021, tình trạng này tiếp tục được phụ huynh phản ánh. Một số phụ huynh ở Hoàng Mai cho biết đã được giáo viên chủ nhiệm mời lên trao đổi riêng. Vì con có học lực yếu, cô giáo đề xuất với gia đình không cho học sinh tham dự kì thi vào lớp 10 mà xét tuyển thẳng vào trường THPT dân lập bằng học bạ. Cô giáo sẽ có trách nhiệm “làm đẹp” học bạ để học sinh chắc chắn đỗ trường dân lập.

Còn trong trường hợp gia đình vẫn “cố tình” để con đăng ký và tham dự kỳ thi, điểm số đạt được thấp, khó đỗ được các trường công lập trên địa bàn (trừ khi học sinh đăng ký ở một huyện rất xa trung tâm thủ đô). Khi đó, quay lại nhập học bằng học bạ thì cũng rất khó vì bảng điểm các năm qua của con không được tốt.

Tình trạng “ép buộc” này được nhiều người cho rằng, nảy sinh là do cách tính điểm thi đua của ngành giáo dục khi lấy kết quả thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua hoặc xếp hạng các trường, còn các trường có thể cũng lấy điểm thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua đối với giáo viên (phụ thuộc vào kết quả điểm số thi vào 10 của học sinh lớp mình dạy).

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, không đưa kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào tiêu chí đánh giá thi đua đối với các đơn vị. Chủ trương của thành phố Hà Nội được duy trì nhiều năm nay là tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi học sinh đủ điều kiện và có nguyện vọng đều được tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập.

Theo Sở GD-ĐT, việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Về công tác phân luồng sau cấp THCS, nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.

Hôm qua, Sở đã có văn bản gửi cho các trường THCS yêu cầu phải chấn chỉnh ngay việc tư vấn hướng nghiệp, không để xảy ra tình trạng ép học sinh bỏ thi, học trường tư hay học nghề.

Ông Đoàn Tiến Trung, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cũng cho hay, thời gian tới, có thể sẽ có những chuyên đề bồi dưỡng cho các giáo viên từ chủ nhiệm đến bộ môn về giao tiếp, ứng xử, cách tư vấn tâm lý, giúp đỡ, định hướng cho phụ huynh và học sinh.