Dừng mỏ sắt Thạch Khê: 2.000 tỷ đổ vào, có được bồi thường?

BVR&MT – Bộ Công Thương, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Công ty CP sắt Thạch Khê đồng loạt lên tiếng trước kiến nghị dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tất cả đều bày tỏ không đồng tình với quan điểm của Bộ này.

Bộ Công Thương cũng không đồng tình dừng dự án.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Sắt Thạch Khê, tỏ ra không đồng tình trước kiến nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Hưng cho biết: Đây là mỏ sắt rất tốt. Đó là bánh mỳ cho cả ngành công nghiệp luyện kim đen mà chúng ta đang phát triển. Hiện chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu quặng sắt. Dự kiến từ nay đến 2020, chúng ta cần 15,5-18 triệu tấn. Trong khi quặng sắt manhetit này phải nhập khẩu hết nên không có lý gì chúng ta không khai thác.

“Dù dừng suốt nhưng chúng tôi vẫn đầu tư công trình 946, tổng giá trị 72 tỷ đã giải ngân gần 50 tỷ. Vấn đề đề điện đường trường trạm, mương thoát, vừa cải thiện môi trường, vừa cải thiện an sinh xã hội cho người dân. Giờ dự án dừng, các cổ đông không đóng tiền cũng không có tiền làm tiếp được. Hơn 1 năm nay xong hết thủ tục pháp lý, chờ Chính phủ cho phép thì chúng tôi mới triển khai được, cổ đông mới góp vốn được, ngân hàng mới rót tiền”, ông Hưng nói.

Trước ý kiến cho rằng năng lực chủ đầu tư yếu, đại diện TIC cho rằng: Không cho làm thì làm sao người ta góp tiền được và làm sao được các tổ chức tín dụng cho vay? “Muốn ký được hợp đồng vay, chúng tôi phải có danh mục vay cho gói này gói kia thì người ta mới ký được. Còn thỏa thuận vay vốn chúng tôi đã có rồi, người ta đã cam kết thu xếp vốn đầy đủ cho dự án rồi. Chỉ cần Thủ tướng cho phép làm là chúng tôi sẽ ký hợp đồng vay vốn, khi ấy sẽ có tiền”.

Ông Nguyễn Quốc Hưng khẳng định: Các cổ đông đủ sức để làm. Đúng là có 3 cổ đông yếu họ không góp vốn từ 2011 đến nay nên TKV mới tăng tỷ lệ sở hữu từ 51% lên 60%, còn Công ty Thăng Long tăng vốn từ 3% lên 12-13%. Ba cổ đông không góp vốn kia nếu Chính phủ cho phép tái cơ cấu thì sẽ loại các cổ đông yếu ra ngoài, thay cổ đông khác đủ năng lực hơn.

“Cả TKV và Thăng Long đều có cam kết văn bản gửi Bộ Công Thương và Chính phủ được góp thay vốn của những cổ đông khác, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Hai đơn vị này sẵn sàng góp thay hơn 200 tỷ còn thiếu”, đại diện TIC chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hưng giãi bày: “Không dự án nào làm kĩ như dự án mỏ sắt Thạch Khê này. Hai hội đồng thẩm định cấp quốc gia, chưa chắc chắn lại thêm tư vấn độc lập của châu Âu thẩm định. Chúng tôi phải dịch hết tài liệu 4 tháng trời để chuyển cho tư vấn nước ngoài. Nhưng để chắc chắn, họ lại truy xuất tài liệu của họ đã thăm dò, khảo sát từ ngày xưa Đức làm, 9 tháng mới xong”.

Dừng dự án, liệu có phải bồi thường nghìn tỷ?

Trước ý kiến của Bộ KH-ĐT, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đã có ý kiến phản bác gửi Thủ tướng Chính phủ.

TKV cho rằng nội dung văn bản của Bộ KH-ĐT “chưa thấu đáo, chưa khách quan”, không phản ánh đầy đủ và đúng với kết quả Công ty CP Sắt Thạch Khê đã thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ – ngành trong thời gian qua.

TKV cũng khẳng định, các vấn đề liên quan đến dự án mà Bộ KH-ĐT đưa ra để “bác” dự án như môi trường, năng lực tài chính, tiêu thụ quặng,… đã được TKV nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp cụ thể và báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

“Khi dự án đi vào sản xuất ổn định sẽ tạo nguồn thu ngân sách cho nhà nước, địa phương trên 1.500 tỷ đồng/năm trong giai đoạn I, trên 2.800 tỷ đồng/năm trong giai đoạn II, góp phần tăng trưởng GDP cả nước”, báo cáo của TKV đặt ra dự toán.

Cụ thể hơn, đại diện Bộ Công Thương dự tính tương lai, khi dự án đi vào hoạt động có thể đóng góp 0,3% vào tăng trưởng GDP mỗi năm.

Nếu dừng dự án, ngoài việc không phát huy được tài nguyên sẵn có, giảm thu ngân sách, TKV lo ngại chủ đầu tư, cụ thể là các cổ đông đã bỏ tiền đầu tư dự án từ năm 2007 chịu thiệt hại nặng nề. Cụ thể, các cổ đông đã phải bỏ ra tổng cộng gần 2.000 tỷ đồng để thực hiện dự án trong thời gian qua nên việc đột ngột dừng lại có nguy cơ làm mất vốn của DN, trong đó chiếm đa số vốn nhà nước.

“Đây sẽ là tổn thất rất lớn và gây lãng phí cho DN, nhà nước”, TKV cảnh báo. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Nguyễn Quốc Hưng cũng bày tỏ thắc mắc: Nếu dừng dự án, về luật thì phải bồi thường. Nhà đầu tư đã bỏ ra gần 2.000 tỷ để thực hiện, nếu dừng hẳn thì nhà đầu tư có được tính toán bồi thường?.

“Thuế má chúng tôi đóng mấy năm nay rồi, chưa cho làm nhưng thuế vẫn phải đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, cũng mấy trăm tỷ, giờ cũng phải hoàn lại chứ”, đại diện TIC đặt vấn đề.

“Nếu triển khai trở lại, tất cả những gì dở dang chúng tôi hoàn chỉnh nốt. Chẳng qua mấy năm vừa rồi dự án tạm dừng nên chúng tôi phải dừng theo thôi”, lãnh đạo Sắt Thạch Khê cam kết.

Đong đếm các mặt thiệt hơn, TKV và Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án sắt Thạch Khê, theo đó tiếp tục tái cơ cấu cổ đông và tái cơ cấu vốn góp để Công ty Sắt Thạch Khê đủ vốn huy động thực hiện dự án.