Du xuân về “cổ trấn ngủ yên” của mảnh đất kinh kỳ

BVR&MT – Những ngày đầu xuân năm mới mọi người thường có xu hướng tìm đến những vùng đất xa xôi, nơi núi rừng hùng vĩ để khám phá, du xuân mà bỏ quên một vẻ đẹp bình yên và cổ kính của Thủ đô Hà Nội, đó chính là làng cổ Đường Lâm.

Đình Mông Phụ – Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia – là công trình tiêu biểu cho lối kiến trúc cổ của người Việt xưa với diện tích khoảng 1.800 m2 ở tại khu đất cao nhất trong làng.

Không vất vả di chuyển nhưng vẫn mang lại cảm giác mới lạ, đến Đường Lâm trong những ngày đầu xuân bạn sẽ được cảm nhận những cơn gió se lạnh hay nắng ửng vàng trải khắp ngôi làng cổ nằm nép mình hiền hòa bên sông Hồng. Vang danh là mảnh đất “hai vua”, nơi đây chất chứa những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời sở hữu nhiều “đặc sản” truyền thống mang nét riêng của làng quê Bắc Bộ.

Nằm cách trung tâm gần 50km, làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, trước thuộc tỉnh Hà Tây. Làng cổ gồm 5 làng nhỏ bên trong là Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Nhưng hơn hết làng Mông Phụ chính là làng giữ được nét cổ kính và đặc sắc nhất của làng quê Bắc Bộ. Đặt chân tới đây, du khách được đắm chìm trong một “bảo tàng sống”  hiện đại.

Những con ngõ nhỏ yên bình, khác xa với sự đông đúc, tấp nập nơi đô thị trở thành điểm khác biệt trong mắt những vị khách khi tới đây.

Bước qua cánh cổng đã nhuốm màu thời gian, những ngôi đình, chùa, đền, miếu hiện lên sừng sững như một nhân chứng lịch sử gắn liền với những câu chuyện hào hùng của dân tộc. Ghé thăm làng cổ Mông Phụ, du khách được lang thang trên những con đường làng vắng vẻ, ngắm nếp nhà cổ với mái ngói rêu phong dãi dầu cùng năm tháng, những tường đá ong sừng sững chạy dài. Dường như ai cũng cảm thấy có điều kỳ diệu còn tiềm ẩn dưới lớp đá ong dày trầm mặc tích tụ tự bao đời…

Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi. Hệ thống đường sá của Đường Lâm rất đặc biệt vì chúng có hình xương cá. Một điểm đặc biệt là Đường Lâm còn giữ được một cổng làng cổ ở làng Mông Phụ. Đây không phải là một cổng làng như các cổng làng khác ở vùng Bắc Bộ có gác ở trên mái với những mái vòm cuốn tò vò mà chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng. Cũng ở làng Mông Phụ có đình Mông Phụ – được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông) – là ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng. Hàng năm, đình tổ chức lễ hội từ mùng Một đến mùng Mười tháng Giêng âm lịch với các trò chơi như thu lợn thờ, thi gà thờ,…

Về nhà cổ, theo tìm hiểu ở Đường Lâm có 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu (năm 1649, 1703, 1850,…). Đặc trưng của nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây từ những khối xây bằng đá ong, gạch mộc, gắn kết bằng đất trộn với trấu. Cột trụ và trần nhà thường được làm bằng gỗ xoan. 3 gian giữa ngôi nhà được đặt bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, 2 gian bên là nơi mẹ chồng nàng dâu ở. Mái nhà bao giờ cũng võng xuống theo hình cánh diều, được lợp ngói mũi theo lối lợp chen vai, cài cánh, đan xít vào nhau như vẩy rồng. Có những mái ngói nặng hàng tấn khiến người ta phải dùng bộ khung gỗ tốt trong hàng tứ thiết như Lim, Sến, Táu…Điều đặc biệt hơn, ẩn sâu trong những ngôi nhà và bức tường rêu phong là những phong tục tập quán, tín ngưỡng, gia phong cổ truyền được truyền từ nhiều đời nay.

Những chum tương được bày ngoài sân, thoảng trong không khí mùi mặn mà đặc trưng. Du khách có thể được tự tay mở các chum tương đang được ủ và nghe chủ nhà giải thích kỹ lưỡng về quá trình làm ra một chai tương nếp ngon đúng điệu.

Du khách về đây có thể được thưởng thức những món ăn dân dã cùng gia chủ như kẹo dồi, mía mật, chè tươi Cam Lâm, gà Mía. Và trong mâm cơm đãi khách của người Đường Lâm bao giờ cũng có bát tương ngọt lịm, thơm lừng. Chính nơi đây, những mẻ tương vàng óng ngọt lịm đã từng ra Nam vào Bắc, làm nức danh cả vùng đất Sơn Tây. Và dường như trong cái nắng vàng nhè nhè với làn gió đầu xuân,đã làm cho mùi thơm của những chum tương trong nhà lan tỏa khắp con đường rêu phong.

Những năm gần đây, đặc biệt là những ngày đầu xuân, nhiều gia đình và các bạn trẻ lựa chọn Làng cổ Đường Lâm là nơi để du xuân. Chị Hà Duyên ở quận Hà Đông chia sẻ: “Tôi đã nghe đến Làng cổ Đường Lâm đã lâu nhưng bây giờ mới có dịp cùng gia đình ghé qua du xuân. Phải nói là ở đây mang lại một cảm giác bình yên đến lạ thường, cảm giác mình được sống chậm lại. Đây cũng là nơi để các con của tôi hiểu thêm về những nét văn hóa lịch sử của dân tộc”.

Cũng mang cảm xúc như chị Duyên, em Nguyễn Vương – sinh viên trường Cao Đẳng công nghệ thông tin cũng hào hứng chia sẻ: “Những sản vật nức tiếng của nơi đây cũng khiến em phải  mê muội. Nhất là chè lam, kẹo dồi… nó tạo nên nét đặc trưng có sức hấp dẫn đối với du khách”.

Ngôi nhà cổ của người dân làng Đường Lâm cùng nghề làm tương gạo và ủ rượu truyền thống là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch.

Đường Lâm trở thành ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006. Với những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có thể nói làng cổ Đường Lâm chỉ đứng sau phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội về quy mô cũng như giá trị nghệ thuật khiến cho nơi đây trở thành một điểm nhấn du lịch của Hà Nội. Ngoài ra, đây còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi duy nhất “một ấp hai vua” – nơi sinh của vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền nên nơi đây còn gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa Nho học khiến du khách ai cũng một lần muốn ghé qua. Không chỉ hấp dẫn người dân trong nước mà du khách nước ngoài cũng rất thích nơi đây, họ tìm đến để trải nghiệm, để khám phá về kiến trúc, về con người nơi đây.

Ngày nay việc phát triển du lịch để thu hút khách du lịch nhưng vẫn phải giữ nét đẹp vốn có đang là bài toán khó. Dù vậy có thể thấy, sức hút của nơi đây chưa bao giờ hạ nhiệt, và phấn khởi hơn khi những người tìm về không gian cổ kính đậm nét văn hóa, lịch sử dân tộc của giới trẻ ngày càng nhiều. Và người dân nơi đây vẫn luôn hiếu khách, vẫn mong từng du khách khi tới với Đường Lâm sẽ cảm thấy thư thái trong không gian cổ kính và yên bình.

Hà Linh