Độc đáo “chợ mua may bán rủi” và nguồn gốc của chợ Viềng!

BVR&MTNhững ngày đầu xuân, có lẽ không mấy người không biết đến một phiên chợ đặc biệt mà tự bao đời nay chỉ mở đúng mỗi năm một phiên. Ở cái phiên chợ đặc biệt đó, người ta cầu lộc, cầu tài, cầu may còn cầu cả duyên, nhưng lại đến để bán đi những xui rủi của năm cũ. Đó là chợ Viềng của quê hương Nam Định.

Đi tìm nguồn gốc Chợ Viềng

Chợ Viềng và “lời hẹn mua may bán rủi” vào ngày mồng 8 âm lịch hàng năm đã trở nên quá đỗi thân thuộc với người dân Nam Định nói riêng, nét văn hóa của người Việt Nam nói chung mỗi dịp tết đến xuân về. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, cũng qua lời kể của những bậc lão niên trong tỉnh, thì vốn xưa,  ở Nam Định có tới bốn chợ Viềng.

Thứ nhất là chợ Viềng ở xã Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc), song chợ này giờ chỉ còn tồn tại như một địa danh. Từ thành phố đi lên chợ Viềng Mỹ Trung chỉ vài cây số, bình thường nói “lên Viềng” hay “đến chợ Viềng” người ta hiểu là chợ thuộc xã Mỹ Trung này.

Còn khi nói “đi chợ Viềng” hay “đi chơi chợ Viềng” người ta thường hay nghĩ tới ba cái chợ còn lại, những nơi mà tên gọi “Viềng” chỉ thực sự có ý nghĩa một ngày trong một năm, đó là: chợ Viềng ở chợ Chùa (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) và chợ Viềng Phủ Dầy (thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), và chợ Viềng ở Hải Lạng (huyện Nghĩa Hưng) thì nay còn rất ít người biết tới.

Chợ Viềng Nam Định không đơn thuần chỉ là một phiên chợ ngày Tết mà còn là điểm giao lưu văn hóa cộng đồng cho du khách mỗi khi ghé thăm mảnh đất Nam Định.

Đã có nhiều tài liệu, nhiều thế hệ người ta đi tìm “nguồn gốc” của chợ Viềng. Cũng đã xuất hiện nhiều giai thoại, thậm chí là những nghiên cứu để đưa ra một đáp án cho điều này. Thế nhưng, cho đến ngày nay, dường như chưa có một câu chuyện nào được cho là có đầy đủ những căn cứ nhất, những yếu tố lý giải chính xác nhất. Chỉ biết rằng, hiện nay chợ Viềng ở Nam Định chỉ còn tồn tại, hoạt động đúng phiên và nhộn nhịp nhất là chợ Viềng Phủ (huyện Vụ Bản) và chợ Viềng Chùa (huyện Nam Trực). Cả hai nơi, đều có những điển tích, những giai thoại riêng để tự chứng minh rằng chợ Viềng thực sự xuất phát từ nơi đó.

Ở chợ Viềng Chùa, vẫn tương truyền rằng: Ngày xưa, có hai vị tướng được vua sai đi loan tin chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa cho bàn dân thiên hạ biết để chia vui. Khi về đến khu vực chợ Chùa thì đúng dịp mồng 8 âm lịch, thì cho mở hội tiệc khao quân ăn mừng, đồng thời tranh thủ mở phiên chợ đặc biệt trong duy nhất một ngày hôm đó nhằm cho bà con được vui vẻ mua bán để mừng chiến thắng.

Hiện nay, có nhiều những dị bản khác nhau để nói về nguồn gốc của Chợ Viềng Phủ và chợ Viềng Chùa.

Nói đến chợ viềng Chùa, còn có một câu chuyện vui khác được nhiều người dân làng Giềng, xã Đại Thắng huyện Vụ Bản kể lại rằng: thực ra, ngày xưa chợ Viềng có nguồn gốc ở làng của họ (ngày ấy gọi là làng Viềng nên có chợ Viềng). Sau đó loạn lạc chiến tranh liên miên, dần dần chợ bị “cướp” đi, mở ở nơi khác rồi dần dịch chuyển về mở cố định ở Nam Giang bây giờ. Từ khi bị “mất chợ”, làng Viềng của xã Đại Thắng được người dân đổi tên thành làng Giềng cho đến nay. Tuy nhiên, câu chuyện vui này cũng như nhiều tích truyện khác về chợ Viềng đến nay vẫn chưa có được nghiên cứu nào xác thực.

Làng Giềng (nay là thôn Trung Linh, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản) từng được kể chuyện rằng đây là gốc tích của chợ Viềng Chùa ngày nay.

Còn ở chợ Viềng Phủ, người ta gắn liền với các câu chuyện, giai thoại, truyền thuyết liên quan đến Mẫu Liễu Hạnh và các vị thần đang được thở nơi đây. Những người cao tuổi ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản vẫn còn kể cho nhau nghe về tấm lòng đức hạnh, thương dân của Mẫu Liễu Hạnh, và chợ Viềng chính là phiên chợ được mở ra với ý nghĩa tâm linh, mang những điều may mắn đến nhằm mong cho quốc thái dân an.

Phiên chợ mua duyên, cầu may nhưng bán rủi

Thú chơi chợ Viềng đầu năm đất Nam Định được lưu truyền từ đời này sang đời khác để cầu may mắn, mong cho đầu năm suôn sẻ, cả năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Từ chiều ngày mồng bảy tháng Giêng, cả hai khu vực này đã rộn ràng bởi du khách thập phương đổ xô về đây. Đi chơi chợ Viềng xuân không chỉ là người ở Nam Định mà khắp các tỉnh Bắc Bộ, kể cả từ các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa,… nô nức tề tựu mua bán may rủi nơi phiên chợ độc đáo này.

Người đến với chợ Viềng không chỉ để mua bán, đôi khi chỉ là dịp để họ về lễ Mẫu tại Phủ Dầy, để cầu may cầu duyên cho một năm mới.

Gọi là “chợ” nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh, hay những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép…du khách còn có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.

Hàng hóa chợ Viềng được bày bán trong các lều quán che tạm, hoặc đặt bất cứ khoảng trống chừa lối đi nào đó trong chợ, đúng kiểu chợ phiên của làng quê Bắc Bộ xưa. Một tấm bạt trải ra, bày lên đó những thứ nông cụ được rèn thủ công, hay dăm ba đôi quang gánh, vài chiếc thúng, cũng là góp phần vào nét chợ Viềng xuân.

Người  chơi chợ có thể lang thang nhìn ngắm từ chiều đến tối, nhưng nếu mua thì nhiều người quan niệm là nhất định phải đợi qua 0h, rạng sáng ngày mồng 8 thì họ mới mua. Bởi nhiều người cho rằng vậy mới thực sự là mua may cầu lành, đúng tiết, đúng vận, đúng phiên. Người nông dân thì mua cái liềm, lưỡi cuốc mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; trẻ con thích thú được người lớn mua cho tò he rồng, phượng- thứ đồ chơi dân gian không thể thiếu của tuổi thơ.

Chợ Viềng độc đáo ở chỗ, cả người bán lẫn người mua đều không đặt nặng vấn đề mua bán, lời lãi, mà có chung tâm lý “mua may bán rủi” với mong muốn bước sang một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt. Người bán và người mua luôn giữ tâm trạng vui vẻ, không chỉ là trao cho nhau món hàng, mà còn là gửi gắm cho nhau chút tình ngày xuân năm mới với mong muốn mang may mắn về nhà.

Xuân Thời