Để Luật bảo vệ môi trường đi vào đời sống

BVR&MT – Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả, hạn chế bất cập của những quy định này.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, là một trong ba trụ cột phát triển bền vững, đã tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường; chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi.

Qua rà soát sự phù hợp của các quy định và qua thực tiễn triển khai, phần lớn nội dung của các quy định chi tiết đã được ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, do phạm vi khá rộng và thời gian ban hành gấp nên một số nội dung quy định chi tiết thi hành chưa thực sự có tính khả thi; một số nội dung còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản trong khi đó vẫn còn trống một số quy định để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Dự thảo Nghị định được xây dựng trên quan điểm coi phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường là nhiệm vụ chính; bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, khoa học và thực thi của các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường trách nhiệm chủ động của các cơ quan nhà nước trong bảo vệ môi trường; minh bạch hóa, dân chủ hóa hoạt động quản lý nhà nước về môi trường nhằm đề cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; chú trọng các biện pháp thúc đẩy thực thi pháp luật về môi trường.

Dự thảo Nghị định gồm có 5 Chương, 103 Điều và 3 Phụ lục. Trong đó nêu rõ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường, bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; quy định về quản lý chất thải và phế liệu; quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.