ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG SINH TRƯỞNG VÀ PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI PHÒNG KỶ (STEPHANIA TETRANDA S. MOORE) TRỒNG TẠI THÁI NGUYÊN

Lê Sỹ Hồng¹, Hồ Ngọc Sơn¹, Bùi Tuấn Tuân, Bui Tuan Tuan¹
¹Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên

Tóm tắt

Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 1 năm 2022 đến hết tháng 12 năm 2022. Nghiên cứu đã bước đầu đánh giá được khả năng sinh trưởng của cây Phòng kỷ với các phương pháp trồng khác nhau và các công thức phân bón khác nhau. Với thí nghiệm phương pháp trồng, động thái tăng trưởng chiều dài thân lớn nhất đạt ở công thức xử lý đất trồng và trồng theo luống 1 hàng cây đạt 193,5cm sau trồng 6 tháng và tăng trưởng số lá trên thân đạt 15 lá sau trồng 2 tháng. Với thí nghiệm các công thức phân bón, động thái tăng trưởng chiều dài thân lớn nhất ở công thức phân bón số 4 (Tỷ lệ phân Kali Clorua/Supe Lân Lâm Thao = 25kg/120kg cho 100m²) đạt 197,1cm, trong khi động thái tăng trưởng số lá cao nhất ở công thức 3 (Tỷ lệ phân Kali sulphate/Supe Lân Lâm Thao = 25kg/120kg cho 100m²) và công thức 4 (Tỷ lệ phân Kali Clorua/Supe Lân Lâm Thao = 25kg/120kg cho 100m²) đạt 12 lá sau trồng 2 tháng. Phòng kỷ phân nhánh và mọc chồi gốc mạnh mẽ sau trồng 2 tháng. Phòng kỷ hầu có ít sâu hại, bệnh hại chủ yếu là bệnh nấm trắng lá cây Phòng kỷ vào giai đoạn cuối mùa Thu và mùa Đông.

Từ khóa: Phòng kỷ, sinh trưởng, động thái tăng trưởng, sâu bệnh, Thái Nguyên

1. Đặt vấn đề

Cây Phòng kỷ (Stephania tetranda S. Moore) thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae) là một loại dược liệu quý được dùng phổ biến trong y học cổ truyền của Trung Quốc từ xa xưa. Gần đây loại cây này được biết đến với những công dụng như ức chế tế bào ung thư. Một số tài liệu tại Việt Nam coi Phấn Phòng kỷ hay Phòng kỷ (Radix Stephaniae Tetrandrae) là rễ phơi hay sấy khô của Phòng kỷ (Stephenia tetranda S. Moore). Với các kết quả nghiên cứu dược lý, nhiều loại alkaloid của phòng kỷ có tác dụng hạ áp nhanh. Thuốc có tác dụng làm giãn mạch vành, tăng lưu lượng máu ở mạch vành khiến làm giảm sự tiêu hao ôxy của cơ tim. Thuốc còn có công hiệu chống rối loạn nhịp tim. Chất tetrandrine A & B của thuốc đều có tác dụng chống viêm, song các tetrandrine này cũng đều có tác dụng giảm đau.

Tổng hợp các tài liệu nghiên cứu trên thế giới thấy rằng Stephania tetrandra S. Moore có 15 công dụng khác nhau. Các nghiên cứu cho thấy chất Tetrandrine, một alkaloid bisbenylisoquinoline được phân lập từ rễ khô của cây Stephenia tetrandra, có khả năng chống lại các sinh khối u (Yu-Jen, 2002) và tế bào ung thư dạ dày của con người (Bai and Liu, 2018). Bên cạnh đó, theo nghiên cứu gần đây cho thấy các hoạt chất như bis-benzylisoquinoline alkaloids tetrandrine (TET), fangchinoline (FAN), và cepharanthine (CEP) được chiết xuất từ loài Stephania tetrandra và các loài liên quan khác thuộc họ tiết dê (Menispermaceae) có tác dụng ức chế đáng kể quá trình chết tế bào do vi rút gây ra ở giai đoạn đầu của nhiễm vi rút Corona trên người. Điều trị bằng TET, FAN và CEP đã ngăn chặn đáng kể sự sao chép của HCoV-OC43 cũng như ức chế sự biểu hiện protein S và N của virus. Như vậy, TET, FAN và CEP là những chất kháng vi-rút tự nhiên tiềm năng để ngăn ngừa và điều trị nhiễm HcoV OC43 (Kim và cs., 2019). Các hoạt chất chính của hán phòng kỷ sản xuất tại Trung Quốc là tetradrin C38H42N2O6 và fangchinolin C37H46N2O6. Rất nhiều báo cáo khoa học đã được công bố về các thành phần hóa học khác nhau và các hoạt động của S. tetrandra và đưa ra các kết quả một cách toàn diện về cách sử dụng truyền thống, hóa thực vật, dược lý và độc tính của nó (Jiang, Yueping, 2020).

Đặc biệt, một số nghiên cứu đã chỉ ra tiềm năng chữa covid-19 (Heister và cs, 2020). Tuy nhiên, trên thế giới cũng có rất ít thông tin về nghiên cứu phương thức và kỹ thuật gây trồng loài cây Phòng kỷ. Ví dụ, Phòng kỷ được thu hái chủ yếu từ tự nhiên tại Trung Quốc chứ chưa được chú trọng nghiên cứu kỹ thuật gây trồng (Zhang và cs, 2).

Tại Việt Nam, Phòng kỷ được biết đến là cây dược liệu khá mới và đặc biệt được quan tâm trong vài năm trở lại đây. Phòng kỷ đang được doanh nghiệp phát triển vùng trồng tại Hoà Bình, Sơn La, Gia Lai, Phú Thọ và Thái Nguyên. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu cụ thể nào nghiên cứu về đặc điểm sinh trưởng của Phòng kỷ. Do đó việc gây trồng đang gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế trên việc “Đánh giá sinh trưởng và phòng trừ sâu bệnh hại cây phòng kỷ (Stephania tetrandra S. Moore) trồng tại Thái Nguyên” là rất cần thiết. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm bước đầu đánh giá sinh trưởng và tình hình sâu bệnh hại đối với cây dược liệu phòng kỷ trồng tại Thái Nguyên.

2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Vât liệu nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là cây dược liệu Phòng kỷ trồng tại trại thực nghiệm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thuộc xã Quyết Thắng thành phố Thái Nguyên (Hình 1).

Hình 1: Phòng kỷ trồng tại Thái Nguyên.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Kế thừa và tổng hợp số liệu

Nghiên cứu kế thừa những kết quả nghiên cứu đã đạt được của các tác giả trên thế giới về cây Phòng kỷ và các nghiên cứu về các loài thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae) tại Việt Nam để bổ sung các phương pháp nghiên cứu và đánh giá phù hợp.

2.2.2. Phương pháp bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm 1: Nghiên cứu ảnh hưởng của phương pháp xử lý đất trồng tới khả năng sinh trưởng, phát triển của cây Phòng Kỷ
• Bố trí công thức thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí với 3 công thức trồng khác nhau để đánh giá sinh trưởng, bao gồm:
CT1: Trồng theo phương pháp đào rãnh (rãnh rộng 0.7m, sâu 0.5m)
CT2: Trồng theo luống đơn 1 hàng cây vun đất cao (luống rộng 0.4-0.5m)
CT3: Trồng theo luống đôi hai hàng cây (luống rộng 1.0m)
Thử nghiệm một số kỹ thuật mới đối với cây Phòng Kỷ.
Đối với khu vực đào rãnh:
– Phân được trộn đều với đất và cho xuống rãnh, sau đó lấp 10-15cm đất mặt và tiến hành trồng.
– Cây cách cây 50cm, hàng cách hàng 40cm, tổng 50.000 cây/ha, trồng so le nhau
Đối với khu vực trồng theo luống đơn:
– Phân được trộn đều với đất khi cày bừa, đánh luống rộng 0,4-0,5m, cao 25cm và tiến hành trồng
– Cây cách cây 40cm, tổng 50.000 cây/ha
Đối với khu vực trồng theo luống đôi trên mặt đất:
– Phân được trộn đều với đất khi cày bừa, đánh luống rộng 1m, cao 25cm và tiến hành trồng
– Cây cách cây 50cm, hàng cách hàng 40 cm, tổng 50.000 cây/ha, trồng so le nhau
Thí nghiệm 2: Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón tới khả năng sinh trưởng của cây Phòng Kỷ
Thí nghiệm gồm 5 công thức được bố trí theo khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh với 3 lần nhắc lại, diện tích ô thí nghiệm 10 m2 (2,0m x 5,0m), tổng diện tích thí nghiệm 150 m2(chưa tính diện tích bảo vệ, lối đi và khoảng cách giữa các ô thí nghiệm).
Thí nghiệm được bố trí tại khu vực trồng theo luống hai hàng.

• Sơ đồ bố trí thí nghiệm:

Các công thức sử dụng chung nền phân chuồng hoai mục với số lượng 30 tấn/ha, thí nghiệm được bố trí khác công thức phân hóa học để tìm ra công thức hữu hiệu nhất.:
 CT1: Tỷ lệ phân Kali sulphate/Supe Lân Lâm Thao = 15kg/100kg cho 100m2
 CT2: Tỷ lệ phân Kali Đầu trâu/Lân Đầu Trâu= 15kg/100kg cho 100m2
 CT3: Tỷ lệ phân Kali sulphate/Supe Lân Lâm Thao = 25kg/120kg cho 100m2
 CT4: Tỷ lệ phân Kali Clorua/Supe Lân Lâm Thao = 25kg/120kg cho 100m2.
 CT5: Tỷ lệ phân Kali Clorua/Lân Đầu Trâu = 25kg/120kg cho 100m2
Mật độ khoảng cách trồng: 40 cm x 50 cm (50.000 cây/ha)
– Phương pháp bón:
o Bón lót 100% phân chuồng (phân hữu cơ vi sinh) + 100% phân lân trước khi trồng.
o Bón thúc lần 1 sau trồng 25 – 30 ngày: 1/3 lượng kali.
o Bón thúc lần 2 sau trồng 75-90 ngày ngày: 1/3 lượng kali
o Bón thúc lần 3 sau trồng 6 tháng: 1/3 lượng kali còn lại
Thí nghiệm 3: Nghiên cứu đặc điểm của sâu bệnh tới khả năng sinh trưởng, phát triển của cây Phòng Kỷ
Phương pháp điều tra sâu bệnh hại:
Điều tra thu thập thành phần sâu bệnh hại tiến hành theo phương pháp tự do (Cục BVTV 1995) tại mô hình.
Điều tra sơ bộ:
– Điều tra ngẫu nhiên các khu vực khác nhau của mô hình để phát hiện sâu bệnh bằng mắt thường theo định kỳ 15 ngày/lần.
Điều tra tỷ mỉ:
Trong trường hợp phát hiện có sâu bệnh hại, tiến hành lập ô tiêu chuẩn 1mx1m để tiến hành điều tra tỉ mỉ
– Ghi chép rõ ràng các phát hiện và mô tả đặc điểm sâu bệnh, có ảnh chụp kèm theo
– Miêu tả mức độ sâu bệnh hại
Toàn bộ mẫu sâu bệnh hại được giám định và xử lý theo các phương pháp chuyên ngành, có sự giám sát của giảng viên chuyên môn của khoa Lâm nghiệp.
Phương pháp lấy mẫu, cách tiến hành thí nghiệm và chỉ tiêu đánh giá được tiến hành theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng (QCVN 01-38:2010/BNNPTNT). Thành phần, tần suất xuất hiện sâu bệnh hại được tính như sau:

Tần xuất bắt gặp (%) = Số lần bắt gặp của mỗi loài x 100

∑ số lần điều tra

Mức độ phổ biến:
– : Rất ít phổ biến (tần suất bắt gặp < 5%)
+ : Ít phổ biến (tần suất bắt gặp từ 5 – 19%)
++ : Phổ biến (tần suất bắt gặp từ 20 – 50%)
+++: Rất phổ biến (tần suất bắt gặp > 50%)
Sâu bệnh hại được theo dõi và đánh giá theo các giai đoạn phát triển của cây Phòng kỷ với chu kì 15 ngày/lần, cụ thể:
– Giai đoạn cây con (03 tháng đầu)
– Giai đoạn cây thành thục (3 tháng tiếp theo)
– Giai đoạn ra hoa-kết trái-hình thành củ (6 tháng tiếp theo)

2.3. Chỉ tiêu và phương pháp theo dõi

2.3.1. Chỉ tiêu về đặc điểm hình thái:

– Chiều dài lá thuần thục (cm): đo từ cuống lá đến đầu mép lá, mỗi công thức đo 5 lá làm với 3 lần nhắc lại.
– Chiều rộng lá thuần thục (cm): đo ở giữa lá phần có diện tích lớn nhất, đo trên 5 lá đã chọn đo chiều rộng lá, làm với 3 lần nhắc lại.
– Hình thái củ/rễ chính theo giai đoạn 1-2-3-6 tháng
– Hình thái hoa, quả

2.3.2. Chỉ tiêu về động thái tăng trưởng:

– Động thái tăng trưởng chiều cao/dài cây (cm): đo từ mặt đất lên đến điểm cao nhất của cây. Đo theo giai đoạn 1-2-3-6 tháng tới khi cây thành thục, mỗi công thức đo 5 cây, làm với 3 lần nhắc lại.
– Động thái tăng trưởng số lá trên cây: Đếm toàn bộ số lá có màu xanh, đếm tổng số lá trên cây. Cách 15 ngày đếm 1 lần, mỗi công thức theo dõi 5 cây, làm với 3 lần nhắc lại.

2.3.3. Chỉ tiêu về năng suất tạm thời:

– Số rễ/củ tiềm năng trên cây (củ/cây): đếm toàn bộ số củ thu hoạch/cây sau đó tính trung bình, mỗi công thức đếm 5 cây, làm với 3 lần nhắc lại.
– Chiều dài củ/rễ hữu hiệu (cm): đo từ đầu đến cuối củ, mỗi công thức đo 5 củ, làm với 3 lần nhắc lại.
– Đường kính củ/rễ hữu hiệu (cm): đo ở giữa củ, mỗi công thức đo 5 củ đã chọn để đo chiều dài củ, làm với 3 lần nhắc lại.
– Khối lượng trung bình củ/rễ hữu hiệu (kg/củ): cân khối lượng củ khi thu hoạch, sau đó tính trung bình khối lượng trung bình củ, mỗi công thức cân 5 củ đã chọn để đo chiều dài củ, làm với 3 lần nhắc lại.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Đặc điểm hình thái của cây Phòng kỷ

Phòng kỷ là dạng dây leo, rễ phát triển thành củ. Lá phiến hình trái tim, mặt trên xanh đậm, mặt dưới nâu nhạt, có các gân lá nổi rõ. Phiến lá nguyên, không xẻ thùy. Chiều dài lá thuần thục trung bình từ 4.0-4.5cm, chiều rộng từ 5.0-5.5cm. Hoa dạng chùm, cuống hoa dài 3-5cm, quả mọng hình cầu, khi chín màu đỏ. Mùa hoa từ tháng 4-10 hàng năm.

Hình 2. Hình thái Phòng kỷ trồng tại Thái Nguyên.

3.2. Kết quả nghiên cứu về động thái tăng trưởng

3.2.1. Ảnh hưởng của phương pháp trồng tới khả năng sinh trưởng của cây Phòng Kỷ

Kết quả về động thái tăng trưởng chiều dài thân được đo vào thời điểm sau trồng 1-2-3-6 tháng. Kết quả được thể hiện ở bảng 1.

Bảng 1: Tăng trưởng chiều dài thân cây Phòng kỷ theo các hình thức trồng khác nhau
Kết quả về tăng trưởng chiều dài thân cây Phòng kỷ giữa ba công thức thí nghiệm được thể hiện tại bảng 2. Có thể thấy rằng, công thức 2 thể hiện sự ưu thế về việc tận dụng ánh sáng, không gian và dinh dưỡng khi đạt tăng trưởng chiều dài thân hơn hai công thức 1 và công thức 3. Công thức 3 được bố trí trồng luống hai hàng cây có sự cạnh tranh mạnh mẽ về dinh dưỡng, ánh sáng, độ xốp đất nên sức tăng trưởng thấp hơn hai công thức còn lại. Bên cạnh đó, công thức 2 còn thấy sự phân nhánh sớm và mạnh mẽ hơn hai công thức còn lại, do vậy, chỉ tiêu tăng trưởng của công thức 2 có ưu thế vượt trội hơn.

Kết quả về động thái tăng trưởng số lá trên cây được đo vào các giai đoạn sau trồng 1 tháng, 1,5 tháng và 2 tháng. Đếm toàn bộ số lá có màu xanh, đếm tổng số lá trên cây. Kết quả được thể hiện ở bảng 2.

Bảng 2: Động thái tăng trưởng số lá trên cây Phòng kỷ theo các hình thức trồng khác nhau

Số liệu tại bảng 2 cho thấy, động thái tăng trưởng số lá trên cây đạt cao nhất ở công thức 2 (công thức luống đơn 1 hàng cây vun cao), đạt trung bình 15 lá/cây sau 2 tháng trồng. Kết quả thấp nhất là 12 lá/2 tháng, đạt được ở công thức thí nghiệm 3 (công thức trồng luống đôi hai hàng cây).

Kết quả này cho thấy có sự khác biệt về động thái tăng trưởng số lá trên cây giữa các công thức trồng khác nhau. Lý do tạo ra sự khác biệt này là việc tăng hoặc giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng. Công thức 2 được bố trí trồng theo phương pháp một luống đơn có vun cao để tận dụng ánh sáng, không gian và dinh dưỡng và công thức 2 thể hiện sự ưu thế hơn so với các công thức bố trí luống hai hàng cây và không vun cao.

3.2.2. Ảnh hưởng của phân bón tới khả năng sinh trưởng của cây Phòng kỷ

Kết quả về động thái tăng trưởng chiều dài thân được đo vào thời điểm sau trồng 1-2-3-6 tháng. Kết quả được thể hiện ở bảng 3.

Bảng 3: Tăng trưởng chiều dài thân cây Phòng kỷ với các công thức phân bón khác nhau

Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón tới sự sinh trưởng chiều dài thân của cây Phòng kỷ cho thấy, ảnh hưởng của lượng phân Kali và Lân khác nhau tới sức sinh trưởng của cây Phòng kỷ khá rõ rệt.

Công thức phân bón cho kết quả sinh trưởng chiều dài thân đạt cao nhất với tỷ lệ Kali Colorua/Supe Lân Lâm Thao (25kg/120kg) sau sáu tháng trồng, đạt 197.1cm và thấp nhất với tỷ lệ phân Kali Sulphate/Lân Đầu trâu (15kg/100kg), đạt 163.5cm. Kết quả cũng cho thấy rằng, ảnh hưởng của Supe Lân Lâm Thao trong giai đoạn đầu tới khả năng hỗ trợ phát triển bộ rễ là khá rõ rệt.

Kết quả về động thái tăng trưởng số lá trên cây được đo vào các giai đoạn sau trồng 1 tháng, 1,5 tháng và 2 tháng được thể hiện ở bảng 4.

Bảng 4: Động thái tăng trưởng số lá Phòng kỷ theo các công thức phân bón khác nhau

Kết quả cho thấy, ảnh hưởng của phân bón tới tăng trưởng của lá khá rõ rệt. Công thức phân bón 3 và công thức 4 cho tỷ lệ tăng trưởng số lá bình quân trên cây đạt cao nhất, tương ứng với tăng trưởng chiều dài thân (Bảng 3).

3.3. Bước đầu đánh giá sinh trưởng củ sau 1 năm trồng

Số rễ/củ tiềm năng trên cây (củ/cây): Số rễ tiềm năng/cây không có nhiều sự khác biệt giữa các công thức. Tính trung bình mỗi cây có từ 2-3 rễ củ tiềm năng trong năm đầu tiên trồng. Các rễ củ đã có sự phân nhánh củ thứ cấp. Chiều dài củ/rễ hữu hiệu (cm): Chiều dài rễ củ hữu hiệu đạt trung bình từ 35-40cm cho các công thức. Công thức đạt chiều dài rễ củ cao nhất là công thức trồng luống đơn có vun cao (công thức 2) do cây ít bị cạnh tranh ánh sáng, thân và lá phát triển tốt hơn (Thí nghiệm 1), chiều dài củ đạt trung bình 40cm/củ. Chiều dài củ cho thấy số liệu thấp nhất ở công thức trồng luống đôi hai càng (công thức 3), đạt trung bình 35cm/củ.

Đường kính củ/rễ hữu hiệu (cm): Đường kính củ không có nhiều sự khác biệt giữa các công thức thí nghiệm sau 1 năm trồng. Đường kính củ trung bình đạt 0.9-1.0cm/củ.

Trọng lượng trung bình củ/rễ hữu hiệu (kg/củ): Trọng lượng củ trung bình đạt 0.5-0.7 kg/cây. Trong đó, số liệu về trọng lượng đạt cao nhất ở công thức 2 (công thức luống đơn 1 hàng vun cao), đạt 0.7kg/cây và thấp nhất ở công thức luống đôi hai hàng (công thức 3), đạt 0.5kg/cây.

Hình 3. Củ phòng kỷ 9 tháng sau trồng.

3.4. Kết quả điều tra sâu bệnh hại

Kết quả điều tra sâu bệnh hại đã xác định được 01 loại sâu ăn lá (Delias aglaia) tương tự như loài xuất hiện tại giai đoạn cây con trong vườn ươm. Thân sâu dài khoảng 25-28mm. Số lượng rất ít (<5%) và không gây hại đến sinh trưởng. Bên cạnh đó bệnh nấm trắng (Diplocarbon rosae) lá cây Phòng kỷ cũng xuất hiện vào giai đoạn cuối mùa Thu và mùa Đông. Tuy nhiên, đây cũng là chu kỳ cây Phòng kỷ rụng lá nên không ảnh hưởng nhiều tới khả năng sinh trưởng phát triển của cây. Giai đoạn vườn ươm có xuất hiện bệnh đốm đen trên cả hai mặt lá. Tuy nhiên sau khi trồng thì có nấm phấn trắng.

Hình 4. Sâu xanh ăn lá phòng kỷ.

4. Kết luận và kiến nghị

4.1. Kết luận

Khả năng phân nhánh của cây Phòng kỷ rất mạnh, mạnh nhất là giai đoạn sau trồng 3 tháng và giai đoạn đầu mùa xuân. Số nhánh trung bình trên gốc là 4-5 nhánh năm thứ nhất. Ảnh hưởng của phân bón khá rõ rệt và ảnh hưởng của loại phân Lân tới khả năng hỗ trợ ra rễ trong thời gian đầu hiệu quả hơn khi sử dụng Supe Lân Lâm Thao. Công thức phân bón tối ưu là Kali (sulpahate hoặc Clorua)/Supe Lân ở tỷ lệ 25kg/120kg/ha. Số lượng rễ hữu hiệu (rễ cho củ) trên cây trung bình từ 2-3 rễ. Sau 1 năm trồng, rễ hữu hiệu có đường kính trung bình từ 0.9-1.0cm. Chiều dài rễ hữu hiệu trung bình từ 35-40cm. Trọng lượng rễ và củ trung bình trên một cây sau trồng một năm dao động trung bình từ 0.5-0.7 kg/gốc. Cây Phòng kỷ ít bị sâu hại. Bệnh hại chủ yếu là nấm phấn trắng xuất hiện vào cuối mùa Thu và các tháng mùa Đông. Tuy nhiên, không có ảnh hưởng lớn tới cây Phòng kỷ do giai đoạn này Phòng kỷ bước vào chu kì rụng lá.

4.2. Kiến nghị

Tiếp tục nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng của cây Phòng kỷ trong năm thứ 2 và năm thứ 3, đặc biệt là các giai đoạn mang tính chu kì như: ra hoa, kết trái, thời kì rụng lá và tái sinh chồi gốc hàng năm. Tiếp tục nghiên cứu về năng suất tạm thời và năng suất tại thời điểm thu hoạch đối với cây Phòng kỷ để có đánh giá chính xác nhất về năng suất và giá trị kinh tế của cây Phòng kỷ, từ đó đề xuất các giải pháp nhân rộng mô hình. Tiếp tục nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng cây Phòng kỷ để có thể đề xuất các giải pháp kỹ thuật trồng Phòng kỷ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bai XY, Liu YG, Song W et al., 2018. Anticancer activity of tetrandrine by inducing pro-death apoptosis and autophagy in human gastric cancer cells. J Pharm Pharmacol 70(8):1048–1058
2. Heister, Paula M., and Robin N. Poston., 2020. Pharmacological hypothesis: TPC2 antagonist tetrandrine as a potential therapeutic agent for COVID‐19. Pharmacology Research & Perspectives 8(5): 653.
3. Jiang, Yueping, et al., 2020. A critical review: traditional uses, phytochemistry, pharmacology and toxicology of Stephania tetrandra S. Moore (Fen Fang Ji). Phytochemistry Reviews, 19(2): 449-489.
4. Kim et al., 2019. Natural Bis-Benzylisoquinoline Alkaloids-Tetrandrine, Fangchinoline, and Cepharanthine, Inhibit Human Coronavirus OC43 Infection of MRC-5 Human Lung Cells, Biomolecules 9: 696; doi:10.3390/biom9110696
5. Zhang, Yuelin, et al., 2020. History of uses, phytochemistry, pharmacological activities, quality control and toxicity of the root of Stephania tetrandra S. Moore: A review. Journal of Ethnopharmacology 260: 112995
6. Yu-Jen, C., 2002. Potential role of tetrandrine in cancer therapy, Acta Pharmacol Sin, 23 (12): 1102-1106

Growth assessment of Stephania tetranda S. Moore grown in Thai Nguyen

Le Sy Hong¹, Ho Ngoc Son¹, ¹
¹, Thai Nguyen University of Agriculture and Forestry

Abstract

The study was conducted from January 2022 to the end of December 2022. The study initially evaluated the growth ability of Stephania tetrandra S. Moore species with different soil treatment methods and fertilizer formulations. For the soil treatment experiment, the largest growth in stem length was achieved in the soil treatment formula planted in rows with 1 row of plants, reaching 193.5cm after 6 months of planting and the growth of the number of leaves on the stem reached 15 leaves after 2 months of planting. For the experiment of fertilizer formulas, the largest growth in stem length witnessed in the fertilizer formula 4 (Proportion of Potassium Chloride/Superphosphate in Lam Thao = 25kg/120kg for 100m²) reached 197.1cm, while the growth rate of leaves was highest in formula 3 (Proportion of Potassium sulphate/Supe Lan Lam Thao = 25kg/120kg for 100m²) and formula 4 (Proportion of Potassium Chloride/Supe fertilizer for Lam Thao = 25kg/120kg for 100m²) reached 12 leaves after 2 months of planting. The species is branched and has strong root shoots after 2 months of planting. There are almost no pests, diseases are mainly white fungus disease in the period of late autumn and winter.

Keywords: Stephania tetrandra S. Moore, growth ability, Thai Nguyen