Đánh giá công tác thủy lợi trong năm 2017

BVR&MT – Năm 2017 là một năm có nhiều biến đổi trong công tác thủy lợi. Đây cũng là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta chú trọng, xem đó là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong phát triển nông nghiệp.

Thủy lợi có vai trò quan trọng đối với nông nghiệp.

Trong các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước đều đề cập đến công tác này. Ngay trong ngành thủy lợi, Quốc Hội đã thông qua 3 Luật: Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Chính phủ đã các Pháp lệnh: Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001, Nghị định 72 về An toàn đập, Chiến lược phát triển thủy lợi, chiến lược Phòng chống thiên tai… và gần đây nhất là các Quyết định 154, 115 và 67 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 143/2003/NĐ-CP về quy định mức thu thủy lợi phí và miễn thủy lợi phí, chính sách đối với tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi và việc ngân sách nhà nước cấp bù do thực hiện miễn thủy lợi phí… Đặc biệt, năm 2017, Luật Thủy lợi đã được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực vào ngày 01/07 năm 2018, đây là khung pháp lý quan trọng đảm bảo cho phát triển thủy lợi bền vững.

Đến nay, với sự đầu tư rất lớn của nhà nước, sự đóng góp của nhân dân và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trên phạm vi toàn quốc, đã xây dựng được 904 hệ thống thủy lợi lớn và vừa có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên, trong đó có 110 hệ thống thủy lợi lớn (diện tích phục vụ lớn hơn 2.000 ha).

Đã xây dựng được 6.831 hồ các loại, với tổng dung tích trữ khoảng 50 tỷ m3, trong đó có 150 hồ thủy điện với tổng dung tích trữ khoảng 39,6 tỷ m3, 6.681 hồ thủy lợi với tổng dung tích 10,28 tỷ m3. Các hồ chứa đã và đang phục vụ cho phát điện, cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho các ngành kinh tế, bảo đảm tưới cho 800.000 ha đất canh tác.

Có 10.076 đập dâng các loại; 13.347 trạm bơm các loại, tổng công suất lắp máy phục vụ tưới là 250 MW, phục vụ tiêu là 300MW, trên 5.500 cống tưới, tiêu lớn (trong đó có trên 4.000 cống dưới đê).

Có 6.151 km đê sông, 2.488 km đê biển, 25.869 km bờ bao ngăn lũ đầu vụ hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long; 254.815 km kênh mương các loại, đã kiên cố được 51.856 km.

Với các hệ thống thủy lợi hiện có, tổng năng lực tưới của các hệ thống bảo đảm cho khoảng 90% diện tích đất canh tác. Tổng diện tích đất trồng lúa được tưới, tạo nguồn nước tưới đạt 7 triệu ha, trong đó vụ Đông Xuân 2,99 triệu ha, Hè Thu 2,05 triệu ha; vụ Mùa 2,02 triệu ha. Tỷ lệ diện tích được tưới tự chảy chiếm 61%, còn lại được tưới bằng bơm dầu, bơm điện và các hình thức khác. Hàng năm, các hệ thống thủy lợi còn phục vụ tưới cho 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp. Tạo nguồn cho 1,3 triệu ha, ngăn mặn cho 0,87 triệu ha, cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha. Tiêu nước cho trên 1,72 triệu ha đất nông nghiệp và cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp.

Theo ông Lê Đức Năm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Tưới Tiêu Việt Nam cho biết: “Thủy lợi có vai trò quan trọng đối với nông nghiệp, trong điều kiện hiện nay chính nhờ có thủy lợi chúng ta đã biến những nơi chiêm khê, mùa, thành nơi có thể canh tác 2-3 vụ, chính nhờ thủy lợi chúng ta đã biến nơi trước kia chỉ có lúa nổi, nay đã thành nơi gieo trồng 2 vụ… Chính vì vậy theo tôi không có thủy lợi thì không có ngành nông nghiệp phát triển”.

Có thể kể tới những có những kết quả tích cực trong công tác thủy lợi như: Thủy lợi phục vụ đa mục tiêu nghĩa 5là thủy lợi không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn phục vụ các ngành khác, ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt và các ngành có lợi ích kinh tế cao; Áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, vận hành công trình; Ưu tiên sửa chữa nâng cấp công trình hơn đầu tư xây mới; Phân cấp mạnh cho địa phương trong quản lý vận hành công trình.

Ngoài những mặt tích cực thì công tác về thủy lợi còn tồn tại những hạn chế sau: Còn chồng chéo trong chức năng quản lý nhà nước ở một số hệ thống, nên khó điều hành; Chưa đủ văn bản pháp quy trong quản lý vận hành công trình; Thiếu cán bộ cấp cơ sở, trình độ yếu nên hạn chế trong quản lý; Ý thức trong sử dụng nước của người dân chưa cao, còn lãng phí. Ý thức bảo vệ công trình thủy lợi ở địa phương còn yếu nên những trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi khó giải quyết. Kinh phí còn hạn chế nên việc duy tu bảo dưỡng công trình còn chậm.

Như vậy, năm 2017 là một năm thời tiết có nhiều diễn biến khốc liệt, cực đoan, trái qui luật. Các đợt mưa liên tiếp với cường độ lớn đã xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là cơn bão dị thường số 12 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung gây lũ ống, lũ quét, sạt, lở đất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp, tàn phá hạ tầng kỹ thuật trong đó có các công trình thủy lợi. Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Tổng cục Thủy lợi đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi tới các điểm nóng có nguy cơ mất an toàn công trình, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn hồ chứa.

Năm 2018, hai bộ Luật “Luật Quy hoạch” và “Luật Thủy lợi” sẽ chính thức có hiệu lực, điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành thủy lợi. Đồng thời, cần tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm, trọng điểm; xây dựng nhiều cơ chế chính sách mới, các mô hình thí điểm về công nghệ tiên tiến phục vụ nông nghiệp, thủy sản phù hợp với định hướng của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi.

Thạch Thảo