Dân khiếu nại, tố cáo chính quyền huyện Ea Súp (Đắk Lắk) dính nhiều sai phạm về đất đai

Dự án cụm Trung tâm xã Ea Rốk

BVR&MT – Cơ quan Báo chí Bảo vệ Rừng và Môi trường nhận được đơn thư của một số hộ dân tại thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) tố chính quyền huyện Ea Súp sai phạm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân tại Dự án Cụm Trung tâm xã Ea Rốk do UBND huyện Ea Súp làm chủ đầu tư khiến người dân bức xúc, dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo hàng chục năm qua nhưng chưa có cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ để xử lý dứt điểm.

Dân tố chính quyền huyện Ea Súp (Đắk Lắk) dính nhiều sai phạm về đất đai liên quan đến Dự án cụm Trung tâm xã Ea Rốk.

Dự án cụm Trung tâm xã Ea Rốk được phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-UB (ngày 21/07/1999) về việc phê duyệt Dự án cụm Trung tâm xã Ea Súp – Ealê (thuộc huyện Ea Súp) nêu rõ, 15 hạng mục được triển khai trong dự án gồm: Chợ thương mại; Trạm xá; Nhà trẻ mẫu giáo; Khuyến nông; Bến xe khu vực; Cửa hàng bách hóa; Bưu điện (vốn ngành dọc); Phát thanh; Trường cấp 1+2 (bán trú); Giao thông (đường cấp phối); Trạm biến áp; Nước sạch; Cơ sở chế biến; Trụ sở UBND xã; San ủi mặt bằng.

Những hạng mục trên được xây mới hoàn toàn, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho UBND huyện Ea Súp làm chủ đầu tư với tổng mức 3,9 tỷ đồng (trong đó hơn 3,4 tỷ tiền ngân sách, số còn lại liên doanh liên kết, huy động sức dân) thời hạn thực hiện dự án trong 3 năm (1999-2001). Mục tiêu của dự án là thực hiện chương trình đầu tư cụm xã miền núi cao theo Quyết định 35/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm tạo ra hệ thống đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng; Quản lý mọi hoạt động xã hội, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc xây dựng vùng nông thôn mới.

Đơn tố cáo ông Đinh Xuân Tửu gửi cơ quan báo chí.

Theo đơn tố cáo của ông Đinh Xuân Tửu (sinh năm 1946, thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng của UBND huyện Ea Súp, liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng của gia đình ông và hơn 70 hộ dân trên địa bàn xã.

Cụ thể, theo Quyết định 1750 của tỉnh Đắk Lắk, số đất thu hồi thực hiện dự án là 25ha. Tuy nhiên, khi triển khai Dự án UBND huyện Ea Súp đã tự ý thu thêm 7ha nằm xung quanh vành đai dự án đất thu hồi, nâng tổng diện tích thu hồi lên 32ha. Ngoài việc thực hiện một số hạng mục trong dự án thì chủ đầu tư đã tự “vẽ” dự án phân trên 300 lô đất để bán nền gây bức xúc cho người dân địa phương.

Không chỉ thực hiện thu hồi thêm 7ha đất ngoài dự án, việc đền bù cho 75 hộ dân cũng vướng nhiều bất cập, cụ thể: Sau khi có Quyết định 518 của UBND tỉnh phê duyệt phương án đền bù. UBND huyện Ea Súp đã thực hiện việc chi trả cho 75 hộ dân có trong danh sách. Tuy nhiên, điều đáng nói là số tiền chi trả cho người dân theo danh sách mới không đủ như quyết định nêu trên. “75 hộ dân chúng tôi bị lừa, bởi sau khi có quyết định đền bù của UBND tỉnh thì ông Y Sáo – Phó Ban dự án huyện Ea Súp lúc bấy giờ cùng UBND xã Ea Rốk mời 75 hộ về hội trường UBND xã phổ biến nội dung đền bù. Ông Y Sáo nói tiền đền bù đã có nhưng Ngân hàng huyện Ea Súp không cho rút, đề nghị người dân phải ký xác nhận vào danh sách để Ngân hàng làm chứng từ mới cho rút. Khoảng một tuần sau đó chúng tôi nhận tiền thì mới tá hỏa, số tiền nhận đền bù không đủ, số diện tích đất trong danh sách đền bù “mới” cũng thiếu so với danh sách ông Y Sáo đưa trước đó. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao lại đền bù thiếu, họ chỉ nói là mới đền đợt một, đợt sau sẽ đền bù thêm. Ô Tửu cho biết, chúng tôi đã chờ cả hơn 20 năm nay, số tiền đền bù còn lại của 75 hộ dân vẫn bặt vô âm tín. Thậm chí chúng tôi đã gửi đơn tố cáo hành vi “ăn chặn” tiền đền bù và nhiều nội dung tố cáo khác đến các cơ quan chức năng liên quan vẫn không xử lý.

Một số hộ dân cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí Bảo vệ Rừng và Môi trường.

Cũng theo ông Tửu, trong Quyết định 05/QĐ UBND huyện Ea Súp (ngày 06/01/2000) thu hồi 4 thửa đất của ông gồm 196;182;190 tờ bản đồ số 9 và riêng thửa 121a tờ bản đồ số 10 nằm ngoài vành đai theo bản đồ quy hoạch 25ha theo Quyết định 1750 của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Điều đáng nói thửa đất 227b của ông là đất gia đình tự khai hoang, được cấp sổ đỏ năm 1998, sử dụng ổn định không có tranh chấp, không nằm trong Quyết định thu hồi số 05. Tuy nhiên, đến 11 năm sau (từ năm 2000 đến năm 2011) UBND huyện Ea Súp tự ý đính chính và ngang nhiên lấy thửa đất 227b của ông để cấp tái định cư cho các hộ dân khác gây bức xúc dư luận.

Đặc biệt, tất cả những quyết định thu hồi đất của gia đình ông Tửu được UBND huyện Ea Súp gửi cho ông đều là bản phô tô không có bản có dấu đỏ.

Ông Tửu cũng tố cáo huyện Ea Súp có dấu hiệu tham nhũng bởi không chỉ đền bù thiếu cho hơn 70 hộ dân mà bản thân tôi là minh chứng cụ thể: Theo danh sách quyết định đền bù, tổng diện tích bị thu hồi 7.405 m2 x 180 đ/m2 = 1.320.00đ, nhưng thực tế chỉ được nhận 5.860m2 x 150đ/m2 = 897.00đ. Số tiền chênh lệch đền bù so với quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk là 432.00đ. Số đất còn thiếu chưa đền bù 1.545m2. Bản thân gia đình tôi bị thu hồi hơn 4ha nhưng lại không được bố trí tái định cư. Tôi có tới 7 người con, đã lập gia đình nhưng giờ không có một miếng đất nào để cho con làm nhà để ở và sinh sống.

Thửa đất 227b của ông Đinh Xuân Tửu không nằm trong quyết định thu hồi số 05 (năm 2000).

Đặc biệt, UBND huyện Ea Súp tự ý đính chính, thu hồi trái pháp luật thửa đất 227b của gia đình ông Đinh Xuân Tửu, sau đó cấp tái định cư cho 03 hộ dân khác. Đáng nói hơn 2/3 hộ dân này ngang nhiên làm đơn kiện, tố cáo ông Đinh Xuân Tửu, chiếm dụng đất trái phép của những hộ này, gây phẫn nộ trong nhân dân.

Cũng “vác” đơn đi khiếu nại đã hơn 20 năm nay ông Đinh Xuân Báo cho biết, trong Quyết định số 05/QĐ-UB (ngày 06/01/2000) của UBND huyện Ea Súp, đã ra quyết định thu hồi đất của ông với các thửa: 56a, 185, 227a, 229a, 230a, 231a, 236a, 245a với tổng diện tích 8.565m2 (trong đó có 400m2 đất ở, 8.165m2 đất nông nghiệp).

Đơn kiến nghị của ông Đinh Xuân Báo gửi cơ quan báo chí.

Trong Quyết định 518/2000/QĐ-UB (ngày 29/03/2000) của UBND tỉnh Đắk Lắk về kinh phí đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng cho các hộ gia đình thuộc dự án đã quá rõ ràng. Với 8 thửa đất bị thu hồi trên gia đình ông Báo được đền bù thiệt hại gần 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi triển khai chi trả UBND huyện Ea Súp lại đưa ra một danh sách đền bù khác với diện tích không đủ như quyết định và thống kê thu hồi đất. Cụ thể: Diện tích đền bù theo danh sách mới 5.985m2 đất nông nghiệp, với số tiền nhận được gần 898 ngàn đồng.

Ông Báo cho biết, gia đình tôi còn hơn 2.000m2 đất chưa đền bù nhưng không được giải quyết, thậm chí thửa đất gần 250m2 được cấp tái định cư và diện tích cấp đất nông nghiệp tại khu Tháp Chàm (thôn 5, xã Ea Rốk) của tôi đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất theo quy định, dù đã có quyết định của UBND tỉnh trước đó.

Liên quan những đơn thư khiếu nại của ông Đinh Xuân Báo, ngày 28/01/2010, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định số 323/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại. Trong quyết định nêu rõ yêu cầu UBND huyện Ea Súp giao 8.165m2 đất nông nghiệp tại Tháp Chàm (thôn 5, xã Ea Rốk), đồng thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Đinh Xuân Báo. Tuy nhiên, đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được bất kỳ chứng nhận nào liên quan đến thửa đất. Liên quan đến những sai phạm về khiếu nại của ông Báo, trong quyết định nêu rõ “Tổ chức kiểm điểm ông Trần Ngọc Quang, Chủ tịch Hội đồng đền bù giải tỏa Dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk và ông Lê Văn Khâm, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk đã có khuyết điểm như kết luận trên để có biện pháp xử lý”.

Khu vực này là một trong 3 thửa đất mà gia đình ông Báo cho biết họ không được chính quyền bồi thường.

Cùng quan điểm với ông Đinh Xuân Tửu, theo ông Đinh Xuân Báo, nguyên nhân dẫn đến việc đền bù thiếu diện tích đất và tiền là do người dân tin vào những người thực hiện công tác đền bù. Những cán bộ này cố tình lươn lẹo, lừa người dân sập bẫy. “Khi có phương án đền bù, thì ông Y Sáo, cùng UBND xã Ea Rốk mời 75 hộ dân nằm trong diện đền bù về hội trường UBND xã để thông báo nội dung đền bù. Ông Y Sáo nói người dân phải ký vào danh sách đền bù trước để ngân hàng làm chứng từ giải ngân. Nhưng khoảng một tuần sau khi nhận tiền họ lại đưa cho chúng tôi một danh sách khác chưa hề ký nhận. Trong danh sách này số diện tích đất, đơn giá đền bù, số tiền đền bù đều bị thiếu hụt. Khi chúng tôi thắc mắc về vấn đề nêu trên và quyết không nhận đền bù thì những người chi trả tiền trấn an rằng đây chỉ mới chi trả lần 1 do thiếu tiền, đợt sau sẽ trả tiếp. Đã 23 năm trôi qua, nhưng chính quyền vẫn chưa giải quyết dứt điểm cho chúng tôi.

Tiếp đến là đơn của bà Đinh Thị Bông (sinh năm 1965, thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp). Chia sẻ với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn. Bà Bông cho rằng: năm 1999-2000, UBND huyện Ea Súp thu hồi của gia đình bà 02 thửa đất tại xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (thửa số 255, có diện tích 2.497m2 và thửa số 255a, có diện tích 880m2 tờ bản đồ số 9) để làm Bến xe, nhưng đến nay UBND huyện Ea Súp vẫn chưa ban hành quyết định thu hồi đất và chưa bồi thường cho gia đình bà. Trong các đơn kiến nghị Bà đã gửi các cơ quan từ trước tới nay đều đề cập đến 02 thửa đất này.

Đơn khiếu nại của bà Đinh Thị Bông gửi cơ quan báo chí.

“Đất của gia đình tôi nguồn gốc khai hoang từ năm 1990 và sử dụng ổn định không tranh chấp trước ngày 15/10/1993, trước ngày 01/7/2004, trước ngày 01/7/2014. Tôi đã nộp thuế hàng năm, đã được UBND xã và UBND huyện xác nhận quyền sử dụng đất thổ cư và quyền sở hữu nhà ở. Gia đình tôi được Ngân hàng công nhận là có tài sản và cho thế chấp vay vốn làm ăn. Nếu gia đình tôi không đóng thuế, thì chính quyền làm sao xác nhận quyền sử dụng đất cho gia đình tôi, nếu gia đình tôi không được chính quyền xác nhận Quyền sử dụng đất và Quyền sở hữu nhà ở thì Ngân hàng làm sao cho tôi thế chấp vay vốn làm ăn”. Bà Bông thở dài.

Theo kết luận thanh tra số 318/TTr-NV.IV ngày 27/9/2019 của thanh tra tỉnh Đắk Lắk kết luân: “việc bà Bông cho rằng năm 2000, UBND huyện Ea Súp thu hồi thửa đất số 255, có diện tích 2.497m” của gia đình Bà để làm bến xe nhưng đến nay chưa ban hành quyết định thu hồi đất và chưa bồi thường về đất cho gia đình Bà là có cơ sở; mặt khác, theo hướng dẫn tại mục “III. Một số vấn đề các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần lưu ý” Công văn số 1644/TTCP-VP ngày 02/7/2012 của Thanh tra Chính phủ V/v hướng dẫn xử lý các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài cần được xem xét, giải quyết: “… Đối với những vụ việc mà chưa được giải quyết do áp dụng quy định về thời hiệu khiếu nại thì nay vẫn phải tiếp tục giải quyết để chấm đứt được các vụ việc khiếu nại, tổ cáo đó… ”. Do vậy, vụ việc này cần phải được xem xét, giải quyết.”

Khu vực đất bà Bông cho rằng đất của gia đình bà khai hoang từ năm 1990 không có tranh chấp nhưng không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đền bù.

Cũng liên quan đến nội dung đơn thu của bà Đinh Thị Bông, Cơ quan CSĐT huyện Ea Súp ban hành văn bản số 134/TB-CSĐT thông báo theo Căn cứ ý kiến của UBND huyện Ea Súp về việc yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Súp làm rõ việc gia đình ông, bà Nguyễn Quốc Sáng, Định Thị Bông bị tố cáo có hành vi lấn chiếm, giả mạo giấy tờ, tách thửa để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó sang nhượng và lợi dụng để nhận tiền hỗ trợ, đền bù của Nhà nước trong quá trình thực hiện Dự án Trung tâm cụm xã Ea Rôk.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Súp đã tiến hành xác minh cho thấy không có cơ sở để kết luận gia đình ông, bà Nguyễn Quốc Sáng, Định Thị Bông lấn chiếm, giả mạo giấy tờ, tách thửa để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như lợi dụng việc đó để nhận tiên hỗ trợ, đền bù sai quy định.

Ông Nguyễn Văn Nguyên – Chủ tịch UBND xã Ea Rốk trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường.

Làm việc với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Ngô Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: Tất cả các nội dung đơn thư khiếu nại của hộ ông Tửu, bà Bông, ông Báo UBND huyện và UBND tỉnh cũng đã có đối thoại và giải quyết đúng theo quy định của pháp luật cho nhân dân, tuy nhiên các hộ không đồng ý với phương án giải quyết của chính quyền nên dẫn đến đơn thư khiếu kiện kéo dài đến nay.

“Theo nội dung người dân tố cáo huyện thu hồi thêm 7ha để phân lô bán nền là không đúng. Vì theo quyết định phê duyệt thực hiện dự án cụm Trung tâm xã Ea Rốk thu hồi 25ha nhưng trên thực tế huyện thu hồi thêm 7ha cũng chỉ mới có 23ha chưa đến 25ha như quyết định phê duyệt dự án” ông Thắng chia sẻ.

Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường làm việc với ông Ngô Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp.

Điều không khỏi ngạc nhiên khi chủ trương của tỉnh Đắk Lắk sớm cho đầu tư một dự án có thể nhận thấy (theo văn bản) là vô cùng ý nghĩa và nhân văn với mục tiêu: “nhằm tạo ra hệ thống đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng; Quản lý mọi hoạt động xã hội, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc xây dựng vùng nông thôn mới…”. Nhưng khi triển khai thực hiện dự án với mục tiêu hết sức có ý nghĩa và nhân văn như vậy mà Chủ đầu tư và chính quyền địa phương lại để xảy ra những điều đáng tiếc khi để người dân tại xã Ea Rốk khiếu nại, tố cáo chính quyền, chủ đầu tư, Ban dự án kéo dài hàng chục năm nay, gây mất an ninh trật tự địa phương, gây lãng phí ngân sách Nhà nước và nhiều hệ lụy khác có liên quan… Nhưng, không hiểu tại sao, vì lý do gì mà các cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đến nay vẫn chưa có biện pháp để giải quyết, xử lý dứt điểm?

Sự việc trên kiến nghị đến Tỉnh Ủy Đắk Lắk để xem xét chỉ đạo “khẩn” đến chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk sớm vào cuộc xác minh, làm rõ những tố cáo của người dân liên quan đến Dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk. Cần lập ngay đoàn thanh tra để thanh tra toàn diện Dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin…

Nhóm PV BVR&MT